Cựu Phó TGĐ Tập đoàn Nam Cường quanh co trước tòa
Giữa lúc đang bị hình phạt tù treo lơ lửng vì liên quan đến vụ “chạy án” cả triệu USD thì Phạm Trọng Du lại phải ra tòa một lần nữa. Thủ đoạn của cựu Phó TGĐ Tập đoàn Nam Cường ở vụ án này đã khiến hàng chục nạn nhân lâm vào cảnh “tiền mất tật mang”.
Hôm qua (28-8), TAND TP Hà Nội đã đưa Phạm Trọng Du (SN 1952, trú ở ngõ 19, phố Kim Đồng, quận Hoàng Mai, Hà Nội) ra xét xử theo tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 139-BLHS. Bị hại là 23 người dân đã quá tin tưởng vào thương hiệu của tập đoàn bất động sản này.
Tài liệu cáo buộc Phạm Trọng Du tại phiên tòa cho thấy, tháng 4-2010, bị cáo này “nhỏ to” với Đỗ Thành Nam (trú ở quận Thanh Xuân) và Nguyễn Văn Đức (trú ở quận Cầu Giấy) cùng nhiều người khác rằng: “Tập đoàn Nam Cường là chủ đầu tư Khu đô thị Dương Nội - Hà Nội và đã phê duyệt các suất đất đối ngoại với tỉ lệ 20% trong 100ha, hiện đã đền bù xong, đang thi công làm hạ tầng tại khu A mở rộng mới.
Do mới bắt đầu làm hạ tầng nên chưa tung lên sàn giao dịch bất động sản, nhưng tập đoàn vẫn có quyền huy động vốn trong phần diện tích đất đối ngoại”. Do tin vào khả năng của Du vì vào thời điểm ấy, đối tượng đang giữ cương vị Giám đốc một đơn vị của Tập đoàn Nam Cường tại Nam Định nên những người có nhu cầu mua đất tại dự án Dương Nội đã tìm đến văn phòng đại diện công ty của đối tượng tại Hà Nội để nộp tiền.
Du đã nhờ ông Hoàng Xuân Thủy – kế toán dưới quyền đứng ra thu tiền của những người có nhu cầu mua đất tại dự án Dương Nội.
Để các bị hại và thuộc cấp yên tâm, Du đưa ra tài liệu thể hiện triển vọng của dự án và lấp lửng nói với ông Thủy rằng: “Đó đều là những suất đất đối ngoại được lãnh đạo tập đoàn giao cho giao dịch”.
Cùng với đó, tận tay Du ký sẵn hàng loạt phiếu thu tiền đặt cọc (chưa điền nội dung), sau đó sai người đóng dấu vào và giao cho nhân viên kế toán. Với cái “bẫy” Du giăng ra, từ 23-7-2010 đến 9-5-2011, tổng cộng đã có 23 người tìm đến văn phòng công ty của Du đặt tiền mua các suất “ngoại giao” ở dự án Dương Nội với tổng số tiền hơn 87,5 tỷ đồng. Và sau khi thu tiền của hàng chục khách hàng, ông Thủy đều chuyển hết cho Du.
Trong hàng chục tỷ đồng nhận của khách hàng, đối tượng dùng phần lớn để mua USD phục vụ việc làm ăn của bản thân. Sau này khi vụ án vỡ lở và bị CQĐT Bộ Công an truy vấn, cựu Phó TGĐ Tập đoàn Nam Cường khai rằng đã bị hai người nước ngoài (không rõ lai lịch) lừa sạch. Hơn chục tỷ còn lại, Du đắp điếm vào các khoản chi phí của Chi nhánh Nam Định do đối tượng làm giám đốc.
Quá trình bị thẩm vấn tại tòa, Phạm Trọng Du một mực kêu oan khi cho rằng đối tượng đã được cố Chủ tịch Tập đoàn Nam Cường “bút phê” vào một tờ trình cho phép ông ta được đứng ra giải quyết 50 suất đất ngoại giao ở dự án Dương Nội.
Nhưng oái ăm thay, “cái phao” mà Du đưa ra, lại là văn bản rởm. Bằng chứng là CQĐT đã tiến hành giám định chữ ký của cố Chủ tịch Tập đoàn Nam Cường trong văn bản Du cung cấp với chữ ký thật của cựu chủ nhân tập đoàn này không phải cùng một bút tích.
Để khách quan hơn, Bộ Công an cũng đã trưng cầu giám định từ một đơn vị chuyên môn của Bộ Quốc phòng và kết quả trùng khớp với kết quả giám định ban đầu. Khai báo trước HĐXX, Phạm Trọng Du còn khẳng định, ngoài được “bút phê” cho xử lý hàng chục suất đất đối ngoại, đối tượng còn được Tập đoàn Nam Cường ra văn bản ủy quyền bán đất kèm theo.
Vậy nhưng khi được yêu cầu xuất trình văn bản ủy quyền thì cựu Phó TGĐ tập đoàn bất động sản lại viện lý do để ở văn phòng và đã bị thất lạc. Về vấn đề này, tại tòa, Tổng giám đốc đương nhiệm của Tập đoàn Nam Cường bác bỏ ngay, tập đoàn hoàn toàn không hề hay biết Du giao dịch 23 suất đất trong dự án như thế nào.
Bên cạnh những lời trình bày rất thiếu căn cứ tại phiên xử, Phạm Trọng Du còn rất quanh co, chối tội với lý do vì bị giam giữ suốt 2 năm nên không thể chứng minh mình không phạm tội như cáo trạng của VKSND Tối cao quy buộc.
Sau một ngày xét xử, nhận thấy cần thiết phải làm rõ thêm hành vi của một số người môi giới mua bán quyền sử dụng các suất đất “ngoại giao” mà Phạm Trọng Du “vẽ ra”, để từ đó có căn cứ giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án nên HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội đã quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung.