Cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn chuẩn bị hầu tòa
(Dân trí) - Để phục vụ xét xử, tòa án triệu tập nguyên đơn dân sự là Bệnh viện Tim Hà Nội và các bên có nghĩa vụ, quyền lợi liên quan gồm Công ty cổ phần Đầu tư và Định giá AIC Việt Nam.
12 bị cáo chuẩn bị hầu tòa
Dự kiến, ngày 17/4, TAND TP Hà Nội sẽ mở phiên tòa sơ thẩm vụ án Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Bệnh viện Tim Hà Nội.
Có 12 bị cáo được đưa ra xét xử gồm: ông Nguyễn Quang Tuấn (cựu Giám đốc Bệnh viện Tim), bà Hoàng Thị Ngọc Hưởng (cựu Phó Giám đốc), bà Nguyễn Thị Dung Hạnh (cựu kế toán trưởng), ông Đoàn Trọng Bình và Nghiêm Tuấn Linh (cùng là cựu Phó phòng Phụ trách phòng vật tư).
7 bị cáo khác là những cựu lãnh đạo, nhân viên Công ty Hoàng Nga, Công ty Cổ phần Đầu tư và định giá AIC, Công ty Kim Hòa Phát.
Để phục vụ xét xử, tòa án triệu tập nguyên đơn dân sự là Bệnh viện Tim Hà Nội và các bên có nghĩa vụ, quyền lợi liên quan gồm Công ty cổ phần Đầu tư và Định giá AIC Việt Nam. Hơn 10 luật sư đăng ký bào chữa cho các bị cáo, riêng ông Tuấn có 2 luật sư.
Trong bản cáo trạng của VKSND Tối cao truy tố ông Nguyễn Quang Tuấn (cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội) về tội Vi phạm các quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Cơ quan tố tụng xác định ông Tuấn cùng nhiều đồng phạm đã có hành vi thông thầu, vi phạm quy định đấu thầu gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng.
Dùng sản phẩm trước, "lo lót" cho trúng thầu sau?
Theo cáo trạng, cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội đã có chủ trương cho một số doanh nghiệp được ký gửi vật tư tại Bệnh viện Tim Hà Nội để bệnh viện sử dụng trước, sau đó chỉ đạo cấp dưới hợp thức, hoàn thiện các thủ tục cho các doanh nghiệp trúng thầu để thanh toán.
Cụ thể, cáo trạng xác định năm 2015, ông Tuấn với mối quan hệ quen biết từ trước, đã được Phan Tuấn Đạt (Chủ tịch HĐQT, Phó Giám đốc Công ty Kim Hòa Phát) đặt vấn đề việc bán "stent phủ thuốc" vào Viện Tim Hà Nội. Đơn giá do phía Đạt đưa ra. Đề nghị này được ông Tuấn đồng ý.
Năm 2016, Đoàn Trọng Bình yêu cầu Công ty Kim Hòa Phát cung cấp thêm 3 báo giá của 3 đơn vị đối với stent và các mặt hàng can thiệp tim mạch khác, để lập danh mục mua sắm và dự toán các gói thầu. Trong 3 báo giá, Công ty Kim Hòa Phát đưa ra mức giá "dễ chịu" nhất.
Danh mục mua sắm cũng được cựu lãnh đạo Bệnh viện Tim Hà Nội sửa thành 807 mặt hàng, tổng trị giá gần 400 tỷ đồng để phù hợp với kế hoạch chi năm 2016.
Cơ quan tố tụng cũng cáo buộc ông Nguyễn Quang Tuấn đã chỉ đạo Phó Giám đốc bệnh viện Hoàng Thị Ngọc Hưởng và các thuộc cấp liên hệ, thông đồng với Công ty thẩm định giá AIC, nhằm chỉ định công ty này làm đơn vị thẩm định giá gói thầu trái quy định.
Từ đó, "bộ 3" Bệnh viện Tim Hà Nội - Công ty Kim Hòa Phát - Công ty định giá AIC đã thông đồng về giá dự toán trong danh mục mua sắm, giá kế hoạch đấu thầu mặt hàng stent để Kim Hòa Phát tham gia dự thầu khi giá các mặt hàng cao hơn thị trường.
VKSND Tối cao cho biết "thủ đoạn" trên được các bị cáo thực hiện trong 4 gói thầu trong các năm 2016, 2017, gây thiệt hại cho Nhà nước 6,5 tỷ đồng.
Ngoài ra, cơ quan tố tụng xác định ông Nguyễn Quang Tuấn cùng lãnh đạo Công ty Hoàng Nga còn có hành vi thông thầu, gian lận thầu trong 5 gói thầu khác gây thiệt hại hơn 47 tỷ đồng. Như vậy, các bị cáo trong vụ án này đã gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 53,5 tỷ đồng.
Trong bản cáo trạng, cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội còn bị cáo buộc có hành vi chỉ đạo cấp dưới đàm phán với các nhà thầu "hỗ trợ" bệnh viện 2 - 5% giá trị gói thầu. Như vậy, mỗi năm, ông Tuấn nhận 300 triệu đồng tiền "hỗ trợ" từ Công ty Hoàng Nga, 60 triệu đồng từ Công ty Kim Hòa Phát. Theo VKS, khoản tiền này không được hạch toán trong sổ sách của bệnh viện.
Trong vụ án này, VKS đánh giá ông Nguyễn Quang Tuấn đóng vai trò chính, là người quyết định, chỉ đạo các bị cáo từng là cấp dưới can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động đấu thầu trong 5 gói thầu, gây thiệt hại gần 54 tỷ đồng. 11 bị cáo còn lại có vai trò đồng phạm, giúp sức cho ông Tuấn.
Trong quá trình điều tra, ông Tuấn và các bị cáo đã nộp khắc phục hơn 21 tỷ đồng.