1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Làm rõ 7 nhà thầu liên quan vụ án tại Bệnh viện Tim Hà Nội

Hải Nam

(Dân trí) - VKSND Tối cao kiến nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an tiếp tục làm rõ 7 nhà thầu trúng mặt hàng stent và một số mặt hàng khác với số lượng lớn, nếu có căn cứ sẽ xử lý theo quy định.

Liên quan đến vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Bệnh viện Tim Hà Nội, VKSND Tối cao có đánh giá về trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, các công ty, cá nhân liên quan.

Theo đó, đối với các cá nhân tại Bệnh viện Tim Hà Nội, cơ quan tố tụng cho rằng những thành viên trong Hội đồng mua sắm, Tổ chuyên gia đấu thầu (có ông Nguyễn Sinh Hiền, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội và 4 người khác) khi tham gia tổ chức đấu thầu năm 2016, đã ký các thủ tục biên bản họp, tờ trình... để hợp thức các thủ tục liên quan, phê duyệt kết quả đấu thầu.

Tuy nhiên, VKS nhận định toàn bộ hồ sơ, thủ tục đều do Phòng vật tư lập và trình ký. Các cá nhân trên không có quyền quyết định công ty nào được trúng thầu. Đồng thời, VKS xác định Tổ chuyên gia được thành lập chỉ để hợp thức hóa các hồ sơ, thủ tục đấu thầu để thanh toán tiền cho các nhà thầu đã ký gửi mặt hàng vào bệnh viện.

Làm rõ 7 nhà thầu liên quan vụ án tại Bệnh viện Tim Hà Nội - 1

Bệnh viện Tim Hà Nội. (Ảnh minh họa: K.T.).

"Việc ký hợp thức các thủ tục, hồ sơ theo chỉ đạo của Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng mua sắm Bệnh viện Tim Hà Nội (là ông Nguyễn Quang Tuấn - PV). Khi thực hiện, các cá nhân nêu trên không được trao đổi, bàn bạc trước về việc lập kế hoạch, danh mục mua sắm, xây dựng giá kế hoạch, xét thầu, chấm thầu, thẩm định hồ sơ thầu; Không được hưởng lợi ích vật chất gì", cáo trạng của VKSND Tối cao nêu và kết luận Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an không xem xét xử lý trách nhiệm hình sự đối với những cá nhân này.

Ngoài ra, bà Hoàng Thị Ngọc Lan (nhân viên Phòng vật tư), ông Phạm Như Hùng (phó giám đốc bệnh viện), ông Hoàng Văn (phó giám đốc bệnh viện), Nguyễn Công Hà (nguyên phụ trách Khoa tim mạch can thiệp) và Nguyễn Đức Hưng (nguyên phó phòng phụ trách Khoa tim mạch can thiệp) được xác định có liên quan đến vụ án nhưng cơ quan điều tra không có căn cứ cũng như không xem xét xử lý trách nhiệm hình sự.

Tại Công ty Hoàng Nga và các công ty liên quan, VKS nhận định một số nhân viên của công ty đã thực hiện theo chỉ đạo của lãnh đạo doanh nghiệp, nhưng không biết hành vi phạm tội của các bị can. Họ chỉ là những người làm công, ăn lương nên không có căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự.

Với 2 công ty đã ký báo giá hộ Công ty Hoàng Nga, là Công ty TNHH Thiết bị y tế Thảo Linh và Công ty TNHH Huy Thông, cơ quan tố tụng xác định lãnh đạo 2 doanh nghiệp này không tham gia vào các gói thầu của Bệnh viện Tim Hà Nội nên không bị xem xét xử lý.

Tại Công ty Kim Hòa Phát và các công ty liên quan, cáo trạng của VKSND Tối cao cho biết bà Thẩm Thị Hồng Phượng (nguyên giám đốc công ty) và một cấp dưới là người đã ký hồ sơ dự thầu, biên bản thương thảo, hợp đồng kinh tế... giúp Phan Kim Đạt (chủ tịch công ty) nhưng những người này thực hiện theo chỉ đạo của Đạt, không có quyền quyết định, không được bàn bạc, thỏa thuận từ trước nên không bị xử lý.

Tương tự, 3 lãnh đạo, nguyên lãnh đạo 3 doanh nghiệp là: Công ty CP thương mại dược Đông Bắc, Công ty CP dược phẩm Gia Hưng, Công ty Novamedic, được Đạt liên hệ để ký báo giá cũng được xác định không có sự thỏa thuận thông đồng, không được hưởng lợi... nên không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Làm rõ 7 nhà thầu liên quan vụ án tại Bệnh viện Tim Hà Nội - 2

Các bị can: Nguyễn Quang Tuấn (phải) và Nguyễn Đức Đảng, Chủ tịch Công ty Hoàng Nga. (Ảnh: Bộ Công an).

Hai cá nhân tại Công ty Thẩm định giá AIC không bị xem xét xử lý vì không tham gia các khâu thẩm định giá; không có quyền quyết định việc phát hành chứng thư thẩm định giá; chủ động nộp khắc phục hơn 67 triệu đồng đã nhận từ Công ty AIC.

Với một số cá nhân ở Công ty Y tế Việt, Công ty TNHH thiết bị y tế Thành Đông, Công ty An Việt, có hành vi ký báo giá khống do các bị can và nhân viên tại AIC nhờ, VKS xác định họ không biết hành vi phạm tội của các đối tượng, cũng như không được hưởng lợi gì nên không bị xem xét xử lý hình sự.

Đối với trách nhiệm của Sở Y tế, Sở Tài chính và UBND TP Hà Nội, cơ quan tố tụng cho rằng các đơn vị này không biết về việc Bệnh viện Tim Hà Nội, nhà thầu, Công ty AIC đã thông đồng về giá trúng thầu, nên không đủ cơ sở xác định trách nhiệm hình sự đối với các cá nhân có liên quan.

Bên cạnh đó, VKSND Tối cao cũng kiến nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an tiếp tục làm rõ 7 nhà thầu trúng mặt hàng stent và một số mặt hàng khác với số lượng lớn, nếu có căn cứ sẽ xử lý theo quy định. 

Bảy nhà thầu bị kiến nghị gồm: Công ty CP thương mại Cổng Vàng, Công ty CP dược phẩm Trung ương 1, Công ty TNHH dược phẩm Hoàn Nguyên, Công ty TNHH Thanh Phương, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển thương mại Quỳnh Anh, Chi nhánh Công ty CP Dược phẩm Trung ương Codupha Hà Nội và Công ty CP dược phẩm Thống Nhất.