1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Cựu Chủ tịch Vinashin bị tăng nặng hình phạt

(Dân trí) - Ông Nguyễn Ngọc Sự - cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) - bị tòa cấp phúc thẩm tăng nặng hình phạt so với phán quyết của tòa sơ thẩm.

Sau 3 ngày xét xử và nghị án, chiều 14/10, HĐXX phúc thẩm TAND Cấp cao tại Hà Nội đã đưa ra phán quyết vụ cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (nay là Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam - Vinashin) cùng đồng phạm lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

Cựu Chủ tịch Vinashin bị tăng nặng hình phạt - 1
Các bị cáo tại tòa phúc thẩm.

Theo đó, TAND Cấp cao tại Hà Nội chấp nhận kháng nghị của Viện Kiểm sát về việc tăng án phạt phạt tù đối với cựu Chủ tịch HĐTV Vinashin Nguyễn Ngọc Sự, tuyên phạt bị cáo này 16 năm tù - tăng 3 năm tù so với bản án sơ thẩm.

Cùng tội danh “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, Tòa phúc thẩm chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của Trần Đức Chính (cựu Kế toán trưởng Vinashin) và Trương Văn Tuyến (cựu Tổng Giám đốc Vinashin), tuyên phạt bị cáo Chính 15 năm tù (giảm 1 năm) và bị cáo Tuyến 6 năm tù (giảm 1 năm).

Đối với bị cáo Phạm Thanh Sơn (cự Phó Tổng giám đốc Vinashin), Tòa phúc thẩm giữ nguyên án sơ thẩm đã tuyên là 6 năm tù về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.

Tòa phúc thẩm cũng chấp nhận kháng nghị của Viện Kiểm sát về đề nghị tịch thu sung công quỹ khoản tiền 105 tỷ đồng là tiền mà các bị cáo đã chiếm hưởng từ việc gửi tiền vào Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank) để hưởng lãi ngoài.

Theo tòa phúc thẩm, bị cáo Sự là người đưa ra chủ trương thống nhất với các bị cáo khác để gửi tiền vào Oceanbank nhằm hưởng lãi ngoài. Số tiền 105 tỷ đồng Oceanbank chi cho Vinashin, bị cáo Sự giao cho Chính quản lý, chi tiêu. Bị cáo Sự phải là người có vai trò cao nhất.

Tòa phúc thẩm nhận định, bị cáo Chính này đã tích cực giúp cơ quan điều tra làm sáng tỏ vụ án, đồng thời giúp Nhà nước thu hồi 1 phần thiệt hại. Đối với bị cáo Tuyến, tòa chấp nhận việc bị cáo tuổi cao, sức khỏe yếu, là con liệt sĩ và có nhiều thành tích trong công tác.

Tại phiên sơ thẩm và phúc thẩm, các bị cáo đều khai, năm 2010, Vinashin được nhận 2.200 tỷ đồng từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) để tái cơ cấu và sau đó tiếp nhận 4.190 tỷ đồng của Chính phủ cấp tạm ứng vốn phục vụ sản xuất kinh doanh cho Vinashin. Tuy nhiên, các bị cáo là lãnh đạo cấp cao của Vinashin đã quyết định gửi tiền có kỳ hạn vào Oceabank khi không được Thủ tướng Chính phủ cho phép.

Các bị cáo đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong việc quản lý số tiền nhận từ PVN và tiền Chính phủ cấp, bàn bạc thống nhất chủ trương quyết định việc gửi tiền có kỳ hạn vào OceanBank để chiếm đoạt số tiền chi ngoài lãi suất tiền gửi theo hợp đồng.

Từ tháng 3/2011 đến tháng 8/2014, bị cáo Chính đã nhận hơn 105 tỷ đồng lãi ngoài từ Oceanbank rồi trực tiếp quản lý, không hạch toán vào nguồn thu của Vinashin, để ngoài sổ sách, dùng để các bị cáo chiếm hưởng cá nhân trái pháp luật, chi phí không đúng quy định của Nhà nước.

Trong đó, bị cáo Sự chiếm hưởng cá nhân 8 tỷ đồng, bị cáo Chính chiếm đoạt 10 tỷ đồng, bị cáo Tuyến hưởng lợi bất chính 3,5 tỷ đồng và bị cáo Sơn chiếm hưởng cá nhân 1,2 tỷ đồng. Hành vi của các bị cáo là lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

Tiến Nguyên