1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Cục Đăng kiểm Việt Nam

Cựu Chủ tịch MobiFone khóc nghẹn xin giảm nhẹ cho thuộc cấp

(Dân trí) - Trình bày trước tòa, cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên MobiFone Lê Nam Trà khóc nghẹn, xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo ở MobiFone.

Tại phần tự bào chữa, ông Lê Nam Trà trình bày, phần xét hỏi của HĐXX, đại diện Viện Kiểm sát và các luật sư đã làm rõ các góc khuất của vụ án. Bản thân ông thấy yếu tố chính ảnh hưởng đến dự án là chỉ đạo xuyên suốt của Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT), các quyết định, trình, lập dự án trên cơ sở sai của thẩm định giá, các tổ chức tư vấn…

“Đầu vào sai thì đầu ra sai và nó thể hiện ở giá mua.” - ông Trà nói.

Cựu Chủ tịch MobiFone khóc nghẹn xin giảm nhẹ cho thuộc cấp - 1
Bị cáo Lê Nam Trà.

Nhất trí với tội danh mà cáo trạng truy tố nhưng theo bị cáo Trà, hình phạt là quá nghiêm khắc đối với các bị cáo tại MobiFone và cá nhân ông.

Bày tỏ mong muốn xin giảm nhẹ cho các thuộc cấp, cựu Chủ tịch MobiFone khóc nghẹn, có lúc nói không thành tiếng.

“Tôi chỉ xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo ở MobiFone, họ là những người lãnh đạo ưu tú đã xây dựng MobiFone trong những ngày đầu tiên để trở thành mạng di động ưu thích nhất, đạt danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới, tích cực nộp ngân sách Nhà nước có hiệu quả nhất…

Bản thân bị cáo với cương vị là Chủ tịch HĐTV đã không đủ khả năng dẫn dắt các bị cáo vượt qua sức ép, quyết định của dự án để lúc này, các đồng nghiệp, cấp dưới phải đứng trước tòa. Trách nhiệm này thuộc về tôi.” - ông Trà nghẹn ngào nói.

Cũng theo bị cáo Trà, MobiFone đã trình, thẩm định dự án dựa trên chỉ đạo của Bộ TTTT. Bản thân ông không tham vọng, không đòi hỏi gì với bị cáo Phạm Nhật Vũ và không tạo sức ép với cấp dưới, ban Tổng Giám đốc.

Ông Lê Nam Trà tự thú khi nào?

Bào chữa cho bị cáo Trà về tội “Nhận hối lộ”, luật sư Phan Trung Hoài cho rằng, quyết tâm khai báo rõ ràng, khắc phục hậu quả vụ án của ông Trà là rõ ràng. Theo ông Hoài, cáo trạng bỏ sót một chi tiết nhưng rất mừng trong bản luận tội hôm qua, đại diện Viện Kiểm sát đã đưa vào, đó là tình tiết tự thú của ông Trà được coi là tình tiết giảm nhẹ.

Ông Hoài trình bày, có ý kiến cho rằng, trong các bị cáo tự thú thì từ lời khai tự thú của bị cáo Phạm Nhật Vũ, hành vi đưa và nhận hối lộ mới được khai mở, cơ quan tiến hành tố tụng mới có căn cứ kết luận, truy tố, xét xử.

“Phải làm rõ bị cáo Lê Nam Trà đã tự thú từ khi nào. Thời điểm rất quan trọng. Ông Lê Nam Trà làm đơn tự thú vào ngày 13/10/2018, trước thời điểm ông Phạm Nhật Vũ khai nhận là 7 tháng 12 ngày.

Theo hồ sơ vụ án, ông Vũ bắt đầu chính thức thừa nhận có đưa tiền cho các bị cáo trong đó có bị cáo Trà vào ngày 25/5/2019, tức là ngày ông Vũ làm đơn xin gặp điều tra viên, kiểm sát viên.

Việc ông Trà nhận thức, làm đơn tự thú, khai báo thành khẩn, quyết liệt cùng gia đình khắc phục 100% số tiền đã nhận từ ông Phạm Nhật Vũ đã mở ra một giai đoạn cực kỳ quan trọng giúp cơ quan điều tra, viện kiểm sát làm rõ hành vi đưa, nhận hối lộ trong vụ án.

Do đó, mong HĐXX xem xét và đó là vì sao mà VKS đề nghị mức án dưới khung đối với bị cáo Trà về tội danh này.” - luật sư Hoài nói.

“Khi xem xét lượng hình với các bị cáo, trong đó có bị cáo Trà, mong HĐXX chấp nhận đề xuất của VKS cần có sự phân hóa về hành vi, số tiền chiếm đoạt, việc nộp tiền khắc phục hậu quả… để giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo, nhất là các bị cáo đã khắc phục hết số tiền chiếm đoạt.” - ông Hoài chốt lại phần bào chữa của mình.

Tiến Nguyên