Cướp từ hạt mỳ chính, trốn gần 30 năm không thoát
(Dân trí) - Hà Văn Thu cùng đồng bọn chặn cướp các chủ bè gỗ khi dừng nghỉ ở xã Môn Sơn. Nhóm cướp này “lột” sạch của nạn nhân từ tiền, quần áo, dép cho đến hạt mỳ chính. Bị truy bắt, Thu bỏ trốn, thay tên, đổi họ và gây dựng được bỏ bọc hoàn hảo đến khó tin.
Nhóm cướp gieo rắc kinh hoàng trên sông Giăng
Những năm cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 của thể kỷ trước, hoạt động vận chuyển gỗ từ các huyện miền núi Nghệ An bằng đường thủy qua sông Giăng xuống sông Lam về xuôi hết sức tấp nập. Việc vận chuyển gỗ trên các con sông không những phải đối mặt với hiểm nguy của sóng nước mà còn luôn phải cảnh giác cao độ bởi nạn cướp bóc.
Những người thợ bè thời điểm đó chắc hẳn chưa quên những vụ cướp táo tợn xảy ra trên sông Giăng, ngay đoạn qua xã Môn Sơn (Con Cuông, Nghệ An). Khi chiếc bè được kết bằng nhiều thân gỗ lớn, lặng lẽ trôi theo dòng nước cập vào bờ để neo lại, nghỉ qua đêm thì ngay lập tức, một toán cướp với dao, gậy, gạch đá cầm tay nhảy lên bè.
Toàn bộ tài sản của các thợ bè đều bị lột sạch, từ tài sản có giá trị, quần áo tư trang đến đôi dép, thậm chí nửa gói mì chính cũng bị bọn cướp “gom” hết. Vào thời điểm đó, một đôi dép Lào hay chiếc áo bay là cả một gia tài đối với phần lớn dân bản Bắc Sơn (Môn Sơn, Con Cuông). Tiếc của, chủ bè chống cự thì bị các đối tượng dùng hung khí đánh bị thương.
Chỉ trong 1 thời gian ngắn, hai vụ cướp táo tợn xảy ra trên sông Giăng đoạn qua bản Bắc Sơn khiến các chủ bè hoang mang. Công an huyện Con Cuông vào cuộc điều tra và nhanh chóng xác định các đối tượng thực hiện các vụ cướp, gồm Hà Văn Thu (SN 1971), Hà Văn Tư, Lô Văn Hồng, Vi Văn Bảy, đều trú tại xã Môn Sơn, Con Cuông.
Vô Văn Hồng, Vi Văn Bảy bị bắt giữ ngay sau đó, còn Hà Văn Thu, Hà Văn Tư nhanh chân bỏ trốn khỏi địa phương. Tại cơ quan điều tra, Hồng và Bảy khai nhận, số tài sản cướp được các đối tượng chia nhau rồi bán lấy tiền tiêu xài. Một số vật dụng được toán cướp giữ lại để sử dụng.
Năm 1994, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Con Cuông đã phát lệnh truy nã đối với Hà Văn Thu và Hà Văn Tư. Một thời gian sau, công an nhận được thông tin Hà Văn Tư tử vong khi đang chạy trốn trên địa bàn huyện Tương Dương (Nghệ An). Riêng Hà Văn Thu vẫn bặt vô âm tín.
Vỏ bọc hoàn hảo của tên cướp
Hồ sơ vụ việc liên quan đến Hà Văn Thu được chuyển cho Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội CA tỉnh Nghệ An. Năm 1996, đơn vị này phát lệnh truy nã toàn quốc đối với Thu và lập chuyên án mang bí số 996T, triển khai các biện pháp truy bắt nhưng không có kết quả. Năm 2010, khi Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm CA tỉnh Nghệ An được thành lập, hồ sơ đối tượng được bàn giao cho lực lượng này. Thế nhưng hành tung của Hà Văn Thu vẫn là một ẩn số đối với những cán bộ truy nã tội phạm.
Đầu năm 2017, thông qua nguồn tin trinh sát, bằng các nghiệp vụ sắc bén, lực lượng truy nã tội phạm đã lần ra những manh mối quan trọng. “Kết quả điều tra, xác minh cho thấy, sau khi gây án, Hà Văn Thu bỏ trốn đến huyện Bá Thước (tỉnh Thanh Hóa). 1 năm sau, Thu chuyển đến xã Sơn Lư (huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa). Thế nhưng, xác minh tại địa phương cho thấy trên địa bàn không có ai mang tên Hà Văn Thu, quê Nghệ An sinh sống ở đây”, Thượng tá Nguyễn Thành Trung – Phó Trưởng phòng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an tỉnh Nghệ An cho biết.
Vụ án tưởng chừng như đi vào ngõ cụt thì thông qua bức ảnh danh chỉ bản của đối tượng, cán bộ Công an xã Sơn Lư phát hiện người trong ảnh có nhiều đặc điểm giống với công an viên tên Lương Văn Giang, sống ở một bản sát cửa khẩu Na Mèo. Hiện Giang không còn làm công an viên mà ở nhà phụ vợ buôn bán lâm – nông sản.
Giang không phải là người bản địa. Năm 1998, Giang được ông Ph. nhận làm con nuôi và bảo lãnh để nhập hộ khẩu về đây. Trong chứng minh nhân dân, người này có tên Lương Văn Giang, sinh năm 1972, phần nguyên quán cũng không trùng khớp với thông tin trong hồ sơ truy nã. Ngoài đã từng là công an viên, Lương Văn Giang còn được xem là hình mẫu gia đình ở vùng biên giới này. Vợ chồng Giang chỉ sinh 2 con, các con đều được nuôi dạy và cho ăn học đến nơi đến chốn.
Tuy nhiên, kế “ve sầu thoát xác” này không thể qua mắt được các trinh sát dày dạn kinh nghiệm của PC52 Công an Nghệ An. Thực hiện đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, các trinh sát khẳng định Lương Văn Giang chính là Hà Văn Thu.
Kế hoạch vây bắt đối tượng trốn truy nã gần 30 năm được triển khai. Vượt qua hàng trăm cây số, trưa ngày 28/3, tổ công tác PC52 Công an tỉnh Nghệ An đã có mặt tại huyện Quan Sơn. Sau khi hội ý với các lực lượng chức năng của bạn, các mũi dần áp sát căn nhà của Giang (tức Thu) nhằm không để đối tượng kịp bỏ chạy lên rừng hay vượt biên sang Lào.
“Thời điểm này, Giang và vợ đang đứng cân nông sản ngay trước cửa. Tôi tiến lại, đọc lệnh bắt giữ. Bị gọi đúng tên khai sinh của mình, Hà Văn Thu quá bất ngờ, không kịp phản ứng. Thấy Thu bị bắt giữ, vợ con, anh em nuôi của gã chạy ra rồi kéo lên ủy ban xã yêu cầu thả người vì nghĩ công an bắt nhầm. Khi biết chồng mình chính là tên cướp trốn lệnh truy nã gần 30 năm qua, vợ Thu ngất xỉu”, Thiếu tá Biện Viết Chiến, Đội trưởng Đội 3, PC52 Công an Nghệ An kể.
Ngay sau đó, Hà Văn Thu được di lý về Nghệ An, bàn giao cho cơ quan điều tra để hoàn thiện hồ sơ, xử lý theo quy định của pháp luật.
Hoàng Lam