1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Cười ra nước mắt vụ án cướp vàng của người tình xôn xao Đà Nẵng

Lê Thị Ngọc Mai (SN 1980, quê ở Quảng Nam, tạm trú phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, Đà Nẵng) yêu phải người đàn ông đã gia đình. Không ai ngờ đoạn cuối của cuộc tình, Mai phải đứng trước vành móng ngựa nhận bản án 3 năm tù treo vì tội: “Cưỡng đoạt tài sản”…

Giá đắt của cuộc tình hờ

Năm 2004, Mai tốt nghiệp ngành sư phạm, vì ở quê không xin được việc nên quyết bám trụ tại Đà Nẵng. Tuy nhiên, việc chưa thấy đâu, Mai bập vào yêu và phải chịu cảnh làm mẹ đơn thân khi mới 24 tuổi. Để có tiền lo cho cuộc sống, Mai đi xin dạy hợp đồng.

Năm 2011, Mai được một trường tiểu học trên địa bàn phường Xuân Hà (quận Thanh Khê) tuyển dụng nên về gần đó thuê trọ để tiện cho việc đi dạy. Hai năm sau, Mai tình cờ quen Trần Ngọc Ngữ (SN 1961, ngụ phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng) khi đó đang làm cán bộ cho một công ty khai thác than đóng tại phường Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê), gần nơi Mai ở.

Qua lại chuyện trò, Ngữ tâm sự với Mai, rằng mình góa vợ và đang sống cô đơn. Từng “lỡ một lần đò” nên Mai đồng cảm và quyết định trao thân gửi phận khi Ngữ tỏ tình. Mai còn đưa Ngữ về sống chung như vợ chồng.

Được một thời gian, Mai phát hiện người tình có vợ con đuề huề ở phường Hòa Cường Bắc. Ngữ cũng thú nhận sự thật và cho biết chỉ xem Mai như chỗ “qua đường”. Uất hận, Mai quyết định chia tay nhưng trước khi đoạn tuyệt, Mai đã có hành động nông nổi để rồi vướng vòng lao lý.

Kết quả điều tra thể hiện, tối ngày 8/10/2013, Mai đến tận nơi làm việc của Ngữ để “nói chuyện” lần cuối. Sau khi gặp mặt, giữa hai người xảy ra cự cãi. Thấy Ngữ đeo 1 dây chuyền vàng trên cổ, Mai giật đứt rồi nhặt lấy bỏ vào túi quần của mình. Tiếp đó, Mai lấy hai con dao có sẵn tại chỗ kề vào cổ Ngữ khống chế buộc người tình tháo nhẫn vàng đang đeo trên tay, đưa cho mình.

Lúc này, anh Ngữ không còn khả năng tự vệ nên đã tháo nhẫn vàng đưa cho Mai. Sau sụ việc xảy ra, Mai bỏ về nhà đến sáng ngày hôm sau (ngày 9/10), anh Ngữ đến công an phường trình báo sự việc.

Qua làm việc, Mai đã giao nộp 1 sợi dây chuyền và 1 chiếc nhẫn của anh Ngữ đồng thời thừa nhận hành vi phạm tội đúng như tố cáo của bị hại nhưng cho rằng mình cầm tài sản này để bù đắp những tổn thương về mặt tình cảm mà bản thân gánh chịu. Du vậy, Mai vẫn bị tuy tố tội danh “Cướp tài sản”.

Ông Ngữ trưng ra chứng cứ chiếc áo rách để kết tội người tình
Ông Ngữ trưng ra chứng cứ chiếc áo rách để kết tội người tình

Còn nhiều chi tiết còn chưa sáng tỏ

Hơn 1 năm sau, ngày 5/8/2014, TAND quận Thanh Khê đưa vụ án ra xét xử. Bị cáo Mai đã kêu khóc và luôn cho rằng, tất cả đều do yêu đương nông nổi, mù quáng nên mới hành xử sai.

Mai khẳng định mình không có ý định cướp tài sản. Chỉ vì bị Ngữ chửi bới nên kề dao vào cổ để bắt người tình rút lại câu nói xúc phạm. Khi cầm sợi dây chuyền và nhẫn vàng, Ngữ bảo Mai về nhà nghỉ ngơi. Ngữ cũng thừa nhận tại phiên tòa điều này, nhưng nhất quyết không xin giảm án cho Mai.

Tuy nhiên đại diện VKS đã công bố những bút lục cho thấy, trong các lời khai, Mai đều đã nhận hành vi “Cướp tài sản” của mình. Sau khi nghị án, HĐXX tuyên phạt Mai 7 năm tù theo khoản 2, Điều 133 BLHS. Mai làm đơn kháng cáo.

Ngày 24/9/2015, TAND TP.Đà Nẵng đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm. Tại phiên tòa này, người dự khán một lần nữa chứng kiến cảnh Mai và Ngữ “tố” nhau.

Khi được trình bày, Mai quay về phía Ngữ nói: “Nếu anh còn chút tình cảm và lương tâm, hãy nói một câu thật lòng mình để HĐXX biết rõ nội tình mà xử lý vụ án”. Đáp lại, Ngữ chọn cách im lặng. Biết không còn gì để dành tình cảm cho nhau, Mai mới tố chuyện Ngữ bạc tình bạc nghĩa, ki bo keo kiệt trong suốt thời gian bên nhau.

Lúc này, chắc có lẽ cảm thấy bẽ mặt, Ngữ không giữ bình tĩnh đã “phản pháo” lại ngay tại tòa. Theo Ngữ, Mai làm cô giáo nhưng không giữ gìn nhân cách, trong thời gian sống chung với Ngữ vẫn “léng phéng” với vài người khác. Trước tòa, Ngữ chỉ thừa nhận một phần lỗi rằng đã có vợ con nhưng vẫn chung sống với Mai trong thời gian dài.

Theo luật sư bào chữa cho bị cáo, nội dung vụ án tại phiên tòa sơ thẩm thể hiện, trong lúc xích mích, Mai đã đánh anh Ngữ, kề sống dao vào cổ anh Ngữ (con dao có sẵn nơi ở của Ngữ). Sau đó, Ngữ có đưa dây chuyền và nhẫn vàng ra kèm lời hẹn: “Về đi, mai nói chuyện”.

Đặc biệt, Ngữ không hề kêu cứu dù nơi Ngữ ở có bảo vệ. Điều này đồng nghĩa, Ngữ “không lâm vào tình trạng không thể chống cự được”. Khi Mai đã vứt dao ra về, Ngữ cũng không hề chạy theo lấy lại “tài sản bị cướp”, dù Ngữ dư sức để làm điều đó với một phụ nữ.

“Trong khi đó, sự việc trên xảy ra, không có người làm chứng chỉ có lời khai của bị cáo và bị hại. Do đó, cần xem xét các tình tiết để tránh hình sự hóa khi người bị hại cũng có phần lỗi”, luật sư viện dẫn.

Ngoài ra, trong hồ sơ vụ án được công khai tại phiên tòa phúc thẩm còn có đơn xin rút hồ sơ của Ngữ, nhưng anh ta lại phủ nhận việc đã nộp cho cơ quan CSĐT. Đáng nói, lời khai của Ngữ trước sau bất nhất và ngay trong các lời khai có trong hồ sơ vụ án cũng có sự mâu thuẫn. Vì thế, bị cáo và luật sư cho rằng, Ngữ không thành thật khi khai báo những tình tiết có trong vụ án cho các cơ quan chức năng cũng như tại tòa.

Theo đại diện VKS, việc bị cáo liên tục kêu oan cần được xem xét để không làm oan sai. Đặc biệt, đã có thêm 5 văn bản mới xuất hiện phải được xem xét, vì vậy cần hủy án sơ thẩm để điều tra lại. Xét thấy vụ án còn nhiều điểm chưa sáng tỏ, TAND TP.Đà Nẵng tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm của TAND quận Thanh Khê.

Dùng dằng một bản án tình

Ngày 2/7/2015, VKSND quận Thanh Khê ra quyết định đình chỉ vụ án hình sự. Nhưng ngày 16/12/2015, VKSND TP.Đà Nẵng lại có quyết định hủy bỏ quyết định đình chỉ vụ án và yêu cầu truy tố đối với bị can theo quy định của pháp luật. Ngày 11/1/2016, VKSND quận Thanh Khê ra cáo trạng truy tố Lê Thị Ngọc Mai với tội danh “Cướp tài sản”.

Trong hai ngày 16 và 17/3/2016, TAND quận Thanh Khê đưa vụ án ra xét xử lần 2. Lần này, bị cáo kêu oan và khai rằng, không cướp dây chuyền vàng mà do Ngữ tự nguyện lấy sợi dây chuyền bị đứt và chiếc nhẫn bỏ vào bì thư đưa cho bị cáo mang về cất để ngày mai đi làm lại.

Theo bị cáo, nguyên nhân xảy ra xô xát với người tình do Ngữ ghen khi chị về quê mà không có anh đi cùng. Giữa bị cáo và Ngữ đến thời điểm xảy ra sự việc không hề có mâu thuẫn nên không có lý do gì bị cáo dùng dao uy hiếp cướp vàng của anh Ngữ.

Bị cáo còn khai, khi biết bị cáo có ý định “dứt tình” để đi lấy chồng, Ngữ đã cố tìm cách quấy rầy, nhắn tin uy hiếp, đe dọa đến tính mạng của bị cáo như cho người đánh, dùng xăng đốt… Ngoài ra, bị cáo Mai còn cho rằng những lời khai cũng như các bút tích trong hồ sơ vụ án do bị cáo bị ép cung.

Trước tòa, Ngữ vẫn khăng khăng bị Mai uy hiếp để cướp số tài sản. Không chỉ vậy, Ngữ còn trưng ra chiếc áo sơ mi với những vết rách mà như anh khai, do bị Mai cầm 2 con dao rạch.

Song, khi thẩm phán hỏi vì sao bị rạch áo đang mặc nhưng trên cơ thể không có dấu vết gì thì Ngữ không trả lời được. Khi được hỏi tại sao khi bị Mai kề dao vào cổ mà không la lên cầu cứu, Ngữ cho rằng do quá run và sợ “ảnh hưởng uy tín công việc”.

Tại phiên tòa, luật sư bào chữa cho bị cáo tiếp tục viện dẫn: Trong vụ án này, nếu chỉ “cắt khúc” hành vi của chị Mai sẽ rất dễ quy tội cướp. Nhưng nếu đặt hành vi ấy trong bối cảnh sự việc, trong chuỗi sự kiện và diễn biến tâm lý của người phụ nữ bị xúc phạm, trong mối quan hệ tình cảm éo le giữa hai người, trong diễn tiến sự việc sau đó (hôm sau chị Mai cầm vàng đi tìm anh Ngữ để nói chuyện)… có thể thấy, câu chuyện chỉ là trục trặc trong quan hệ tình cảm giữa hai người. Rõ ràng bản chất của sự việc này không phải tội phạm.

HĐXX TAND quận Thanh Khê xét thấy bị cáo không có ý định chiếm đoạt tài sản và do anh này nói cầm về. Xét lời khai ban đầu của bị cáo thừa nhận trong khi xô xát với anh Ngữ đã làm đứt sợi dây chuyền rơi xuống đất nên nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản là phù hợp với thực tế xảy ra.

Hành vi này đã cấu thành tội “Cưỡng đoạt tài sản”. Vì vậy, HĐXX TAND quận Thanh Khê chuyển tội danh từ “Cướp tài sản” sang tội “Cưỡng đoạt tài sản” và tuyên án Mai chịu 3 năm tù treo.

Theo Vân Anh – Lê Vũ

Pháp luật Việt Nam