1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

CSGT Thanh Hóa nổ súng vào người vi phạm giao thông là sai luật

(Dân trí) - "Việc nổ súng chỉ được áp dụng khi không còn biện pháp nào khác. Hành vi của người vi phạm không thuộc các trường hợp theo quy định tại Pháp lệnh về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ dẫn đến chiến sỹ phải nổ súng như vậy."

Liên quan đến vụ việc Đại úy Trần Ngọc Hoàng (Đội CSGT - Công an tỉnh Thanh Hóa) nổ súng khiến 2 người bị thương, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với luật sư Vi Văn Diện - Giám đốc Công ty Luật Thiên Minh, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội.

Xin ông cho biết quan điểm về vụ việc CSGT Thanh Hóa nổ súng khiến 2 người bị thương.

Hành vi nổ súng vào người vi phạm giao thông của chiến sỹ cảnh sát Trần Ngọc Hoàng về mặt pháp lý là không đúng quy chế, quy trình và quy định của pháp luật. Việc sử dụng súng, cho dù là công cụ hỗ trợ, nơi công cộng, đường sá đang có đông người tham gia giao thông không những gây nguy hiểm cho chính đối tượng vi phạm mà còn nguy hiểm cả cho sức khỏe tính mạng của những người tham gia giao thông khác.
 
CSGT Thanh Hóa nổ súng bắn người vi phạm giao thông là sai luật

Trong trường hợp bắn trúng hoặc bắn trượt đều nguy hiểm, bởi người tham gia giao thông có thể do giật mình, hoảng sợ mà dẫn đến tai nạn chết người.

Trong những trường hợp như thế nào thì CSGT được phép nổ súng, thưa ông?

Việc nổ súng chỉ được áp dụng khi không còn biện pháp nào khác. Các trường hợp được phép nổ súng được quy định rất chi tiết, cụ thể tại Điểm 3, Điều 22, Pháp lệnh về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Trường hợp 2 người vi phạm giao thông nêu trên có cần thiết phải nổ súng?

Hành vi của người vi phạm không thuộc các trường hợp theo quy định tại Điểm 3, Điều 22, Pháp lệnh về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ dẫn đến chiến sỹ phải nổ súng như vậy.

Xét về hành vi vi phạm của người tham gia giao thông, cho dù họ có là người sai, người vi phạm theo quy định của Luật giao thông đường bộ, chỉ với hành vi không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, đánh võng cũng chưa tới mức xem xét hành vi đó dưới góc độ tội phạm nguy hiểm để phải nổ súng.

CSGT có cách xử lý nào khác trong trường hợp này?

Đại úy Trần Ngọc Hoàng có thể yêu cầu hỗ trợ bởi những trạm, chốt, cảnh sát khác để xử lý người vi phạm nhưng đã không làm. Đó là còn chưa nói tới sáng kiến “quăng lưới” bắt xe của chính Công an Thanh Hóa.

Rõ ràng, Đại úy Trần Ngọc Hoàng đã vi phạm quy định về sử dụng công cụ hỗ trợ. Theo tôi, để tránh tình trạng các chiến sỹ công an lạm dụng việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trong thi hành công vụ, cần phải xác minh điều tra và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, cần phải khởi tố vụ án theo quy định.

Xin cảm ơn ông!
 

Pháp lệnh về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Điều 22. Quy định nổ súng

…….

3. Các trường hợp nổ súng gồm:

a) Đối tượng đang sử dụng vũ lực, vũ khí, vật liệu nổ trực tiếp đe dọa đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác;

b) Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc đe dọa sự an toàn của công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, mục tiêu quan trọng được bảo vệ theo quy định của pháp luật;

c) Đối tượng đang thực hiện hành vi cướp súng của người thi hành công vụ;

d) Đối tượng đang sử dụng vũ khí gây rối trật tự công cộng có thể gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng;

d) Đối tượng đang đánh tháo người bị giam, người bị dẫn giải do phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, tái phạm nguy hiểm; người bị giam, giữ, bị dẫn giải, bị áp giải do phạm tội đặc biệt nghiêm trọng đang chạy trốn hoặc chống lại;

e) Được phép bắn vào phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện giao thông đường thủy nội địa để dừng phương tiện đó trong các trường hợp sau, trừ phương tiện giao thông của các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế:

- Đối tượng điều khiển phương tiện đó tấn công hoặc đe doạ trực tiếp đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác;

- Khi biết rõ phương tiện đó do đối tượng phạm tội điều khiển cố tình chạy trốn, trừ trường hợp trên phương tiện có chở khách hoặc có con tin;

- Khi biết rõ trên phương tiện cố tình chạy trốn có đối tượng phạm tội hoặc vũ khí, vật liệu nổ trái phép, tài liệu phản động, bí mật nhà nước, ma túy số lượng lớn, tài sản đặc biệt quý hiếm, bảo vật quốc gia, trừ trường hợp trên phương tiện có chở khách hoặc có con tin;

g) Động vật đang đe dọa đến tính mạng và sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác.

 
Tiến Nguyên