Công an TPHCM: "Thích Tâm Phúc" dùng giấy tờ giả nhưng không xử lý hình sự
(Dân trí) - Công an TPHCM đã giám định và xác định, các giấy tờ, bằng khen mà Thích Tâm Phúc treo tại nhà là giả. Tuy nhiên, cơ quan công an không ra quyết định khởi tố và xử lý hình sự người này.
Tại buổi họp báo về các vấn đề kinh tế - xã hội của TPHCM chiều 10/8, phóng viên Dân trí đã đặt câu hỏi cho Công an TPHCM về tiến độ điều tra, làm rõ các hành vi của người tự xưng là "đại đức Thích Tâm Phúc" gây bất bình trong dư luận những ngày qua. Ngoài ra, những phản ánh về việc người này sử dụng các giấy tờ, bằng khen giả đã được xác minh ra sao?
Ông Lê Mạnh Hà, Phó Phòng Tham mưu, Công an TPHCM, cho biết, sau chỉ đạo của UBND TPHCM, Công an thành phố đã tổng hợp toàn bộ tình hình và báo cáo theo quy định.
Theo đó, người tự xưng là Thích Tâm Phúc học tại chùa Hoằng Pháp (huyện Hóc Môn) trong giai đoạn 2000-2010. Người này mới làm lễ quy y, nhưng chưa xuất gia.
Đến năm 2010, Nguyễn Minh Phúc về địa phương, tự lập chùa Ngộ Chân Tử và tự xưng là "đại đức Thích Tâm Phúc". Cơ quan chức năng đã mời người này làm việc, xử phạt, yêu cầu tháo dỡ biển chùa và không sinh hoạt tôn giáo tại nhà.
"Đương sự tiếp tục sinh hoạt tôn giáo trái phép, thông qua việc thành lập các công ty, doanh nghiệp ngụy trang. Cơ quan công an đã đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát, thu hồi tất cả giấy phép nói trên", ông Hà chia sẻ.
Liên quan đến hành vi làm giả con dấu, tài liệu, giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ giả, Công an TPHCM phân tích, năm 2019, Công an huyện Củ Chi đã kiểm tra, phát hiện tại nhà người này treo nhiều huân chương, bằng khen các loại cùng 3 giấy tờ bằng tiếng nước ngoài, có con dấu. Qua công tác giám định, tất cả giấy tờ này là giả.
"Người này khai nhận được người khác tặng để treo trong nhà. Do không xác định được bị hại, không phát hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản hay lợi dụng để trục lợi nên công an đã thu hồi các giấy tờ trên, xử lý vi phạm hành chính, không ra quyết định khởi tố do không đủ cơ sở xử lý hình sự", đại diện Công an TPHCM phân tích.
Ông Lê Mạnh Hà thông tin thêm, vừa qua, dư luận bức xúc bởi người này có hành vi mặc áo giống nhà sư, đi vào quán nhậu. Một số Youtuber đã quay phim, chụp hình đăng tải để tăng tương tác.
"Có một bộ phận người thường xuyên xúi giục Thích Tâm Phúc có phát ngôn, hành động đi ngược với truyền thống Phật giáo, tạo dư luận xấu. Căn cứ mức độ, mục đích, tính chất, Công an TPHCM tiếp tục xác minh, củng cố chứng cứ để xử lý theo quy định", ông Lê Mạnh Hà khẳng định.
Theo thông tin từ huyện Củ Chi, người đàn ông này tên thật là Nguyễn Minh Phúc (sinh năm 1983). Ông Phúc đang thường trú tại ấp Làng Cát, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi. Ông giả danh tu sĩ Phật giáo, tự xưng pháp danh là "Thích Tâm Phúc".
Từ năm 2010 tới nay, Nguyễn Minh Phúc tự dựng bảng tên chùa tại nơi ở, thành lập 6 công ty, lợi dụng danh nghĩa để vận động, quyên góp gây quỹ không đúng mục đích. Ông Phúc cũng nhiều lần bị chính quyền địa phương nhắc nhở, chấn chỉnh vì làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự.
Năm 2019, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo huyện Củ Chi có văn bản khẳng định, người xưng là "Thích Tâm Phúc" không xuất trình được giấy tờ chứng nhận thọ giới là Chứng điệp Sa Di, Chứng điệp Tỳ Kheo, Chứng nhận Tăng Ni do Ban Tăng sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp.
Cùng thời điểm này, UBND huyện Củ Chi đã phối hợp Ban Thi đua - Khen thưởng TPHCM xác minh các hình thức khen thưởng cấp Nhà nước tặng cho tập thể và cá nhân ông Nguyễn Minh Phúc. Qua đó, các cơ quan nhận thấy các bằng khen, giấy khen do ông Phúc tự khai đều không có trong hồ sơ lưu trữ.
Ngày 25/7 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Ngô Minh Châu đã chỉ đạo Công an TPHCM chủ trì, phối hợp Ban Tôn giáo thành phố, UBND huyện Củ Chi cùng các bên liên quan khẩn trương kiểm tra, làm rõ nhân thân người có tên Nguyễn Minh Phúc nêu trên. Nếu người này có hành vi vi phạm pháp luật thì phải xử lý nghiêm theo quy định, báo cáo Thường trực Thành ủy và UBND thành phố.
Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp các cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý Nhà nước, chủ động phát hiện, xử lý theo chức năng, nhiệm vụ các trường hợp lợi dụng để tuyên truyền, xuyên tạc, gây ảnh hưởng tình hình an ninh, trật tự.