1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Công an Hà Nội: Tấn công mạnh tội phạm "tín dụng đen"

Thực tế, hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh tài chính đã giảm đáng kể, nhưng chỉ huy Phòng Cảnh sát hình sự - CATP Hà Nội, cơ quan thường trực thực hiện Kế hoạch 231 của Giám đốc CATP nhận định, các cơ sở kinh doanh tài chính có biểu hiện hoạt động phức tạp và ngày càng tinh vi, nhằm đối phó với cơ quan chức năng.

Nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an và Giám đốc CATP Hà Nội về cao điểm tấn công trấn áp tội phạm trong đó có tội phạm “tín dụng đen”, đánh thẳng, đánh mạnh các ổ nhóm, ngay từ những ngày đầu năm 2019, hàng loạt vụ việc liên quan đến “tín dụng đen” đã bị Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) và Công an các quận, huyện, thị xã của CATP Hà Nội triệt xóa. 

Công an Hà Nội: Tấn công mạnh tội phạm tín dụng đen - 1

CAQ Nam Từ Liêm khám xét khẩn cấp nhà một đối tượng cho vay nặng lãi

Những chuyên án lớn

Sau một thời gian xác lập chuyên án, ngày 25-1, Phòng CSHS - CATP Hà Nội đã triệt phá ổ nhóm núp bóng doanh nghiệp tổ chức cho vay nặng lãi, bắt giữ 11 đối tượng và thu giữ hơn 11 tỷ đồng... Cầm đầu đường dây tội phạm này là Triệu Đình Hoan (SN 1979) trú tại KĐT Văn Quán, phường Văn Quán, quận Hà Đông (Hà Nội).

Theo tài liệu của cơ quan điều tra, năm 2010, Hoan mở Công ty Cổ phần đầu tư Hải Linh (Công ty Hải Linh) với chức danh là Chủ tịch hội đồng quản trị và đặt trụ sở tại xóm Chùa, thôn Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, kinh doanh trong lĩnh vực xuất bản phần mềm, lập trình máy vi tính, hoạt động cấp tín dụng…

Song thực chất Công ty Hải Linh là tổ chức núp bóng doanh nghiệp để cho vay nặng lãi. Khách hàng của Hoan chủ yếu là các doanh nghiệp, hoặc cá nhân vay với mục đích đáo nợ ngân hàng. Tỷ lệ lãi suất Hoan cho vay dao động từ 2.000 đồng/ triệu đồng/ ngày, đến 5.000 đồng/ triệu đồng/ ngày.

Khách vay chỉ cần ghi thông tin cá nhân trong giấy tờ do Hoan soạn sẵn, nhưng không ghi tiền lãi suất và thống nhất cứ 10 ngày khách phải đóng lãi một lần. Nếu khách không trả đúng kỳ hạn, Hoan sẽ cộng dồn số tiền lãi vào tiền gốc và tiếp tục tính lãi của số tiền mới. Trong vụ án này, cơ quan công an cũng thu giữ hơn 11 tỷ đồng; 3 chiếc xe ô tô Mercerdes Benz các loại; 1 bộ máy tính cùng giấy tờ, sổ sách và nhiều điện thoại di động các loại có liên quan đến hành vi cho vay nặng lãi...

Cùng ngày, Cơ quan CSĐT - CAQ Nam Từ Liêm cũng đã triệt xóa ổ nhóm  cho vay lãi nặng do Đào Xuân Thắng cầm đầu. Thắng cùng với Trần Văn Quý và Nguyễn Tiến Dũng, quản lý trên trang mạng internet “ag...” cho 626 người vay dưới dạng “bốc bát họ” với tổng số tiền hơn 10 tỷ đồng, đã thu lãi được hơn 2,2 tỷ đồng, trong đó tại địa bàn quận Nam Từ Liêm là 41 người “bốc bát họ”...

Chỉ huy CAQ Nam Từ Liêm cho biết, qua công tác trinh sát, Đội CSHS - CAQ Nam Từ Liêm phát hiện ổ nhóm đối tượng có hành vi thu tiền “rải họ” trên địa bàn quận Nam Từ Liêm và một số địa bàn khác tại các quận Đống Đa, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Ba Đình... Khoảng 16h ngày 25-1, khi đối tượng trong nhóm này đang “thu họ” của chị Phùng Thị Khanh tại phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội và đường Tân Mỹ, phường Mỹ Đình 1, đã bị CAQ Nam Từ Liêm phát hiện, bắt giữ. 

Quá trình điều tra xác định, trong khoảng thời gian từ tháng 3-2018 đến nay, nhóm của Đào Xuân Thắng, Trần Văn Quý, Nguyễn Tiến Dũng, Đỗ Quý Tín, Nguyễn Văn Hoàng và Phạm Hồng Sơn đã hoạt động cho vay nặng lãi dưới dạng “bốc bát họ” bằng cách mở các cửa hàng cầm đồ và cho thuê xe tự lái. Bên cạnh đó, các đối tượng đã mua tài khoản quản lý cho vay, thu hồi nợ trên trang mạng internet “ag...” để quảng cáo, quản lý cho vay lãi nặng trên địa bàn nhiều quận thuộc thành phố Hà Nội. Những người có nhu cầu vay tiền dưới dạng “bốc bát họ”, khi liên hệ gặp các đối tượng phải cung cấp giấy tờ tùy thân và viết giấy vay tiền. Các đối tượng cho người vay với số tiền từ 5 triệu đồng - 200 triệu đồng với tỉ lệ 10 ăn 8. Theo đó, người vay 10 triệu đồng thì được cầm về 8 triệu đồng, phải nộp luôn tiền lãi là 2 triệu đồng, sau đó trong vòng 30 ngày người vay phải nộp đủ tiền họ là 10 triệu đồng.

Công an Hà Nội: Tấn công mạnh tội phạm tín dụng đen - 2

Các đối tượng trong ổ nhóm cho vay nặng lãi do Đào Xuân Thắng cầm đầu bị CAQ Nam Từ Liêm triệt xóa

Quyết liệt phòng ngừa “tín dụng đen” 

Tính đến ngày 15-2, trên địa bàn thành phố có 1.997 cơ sở cầm đồ, kinh doanh tài chính, trong đó cơ sở cầm đồ giảm nhưng cơ sở kinh doanh tài chính lại tăng, tiềm ẩn nhiều phức tạp về hoạt động “tín dụng đen”. Theo Thượng tá Nguyễn Bình, Trưởng phòng CSHS - CATP Hà Nội, từ khi có Kế hoạch 231 - đấu tranh phòng ngừa với tội phạm “tín dụng đen” và trước tình hình tội phạm liên quan đến tín dụng đen ngày càng có nhiều biến tướng phức tạp, Ban Giám đốc CATP Hà Nội đã chỉ đạo đơn vị tập trung xác minh, làm rõ và triệt xóa ổ nhóm tội phạm “tín dụng đen”, không để hình thành điểm nóng”, gây bất ổn về ANTT trên địa bàn thành phố. 

Trong những ngày đầu năm 2019, lực lượng CSHS toàn thành phố đã tổng kiểm tra phát hiện 80 cơ sở có vi phạm, hiện đang xác minh 8 cơ sở kinh doanh tài chính có dấu hiệu cho vay nặng lãi. Trong đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm toàn thành phố đã triệt phá 201 ổ nhóm tội phạm hình sự, trong đó có 8 ổ nhóm tội phạm có tổ chức. Liên quan đến hoạt động tín dụng đen đã triệt phá 5 ổ nhóm tội phạm có tổ chức. 

Tiếp tục thực hiện ý kiến chỉ đạo của Giám đốc CATP Hà Nội, tấn công mạnh hoạt động của tội phạm “tín dụng đen” theo Kế hoạch 231, Phòng CSHS đang phối hợp với Công an các quận, huyện, thị xã trên toàn thành phố mở các đợt kiểm tra, nhằm phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi cho vay lãi nặng, cưỡng đoạt tài sản từ cho vay nợ tiền bạc liên quan đến “tín dụng đen”. 

Theo Trưởng phòng CSHS - CATP Hà Nội, quá trình quản lý, đấu tranh với các cơ sở, cá nhân kinh doanh tài chính dưới hình thức “tín dụng đen”, các đơn vị trong CATP đã kịp thời phát hiện những phương thức, thủ đoạn hoạt động mới trong lĩnh vực này và chủ động tham mưu với lãnh đạo cấp trên, đề xuất các biện pháp, giải pháp sát thực tế, nên đã đấu tranh, triệt phá được nhiều ổ nhóm, đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật. Phòng CSHS cũng đã đề nghị công an các quận, huyện, thị xã coi công tác đấu tranh với tội phạm “tín dụng đen” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. 

Theo chỉ huy Phòng CSHS, qua theo dõi nhận thấy hầu hết các đơn vị trong CATP đã trao đổi thông tin trong quá trình điều tra cơ bản, rà soát, thống kê, lên danh sách đầy đủ các cơ sở, cá nhân hoạt động kinh doanh tài chính không phép trên địa bàn. Một số đơn vị đã triển khai thực hiện có hiệu quả các đối sách cụ thể như tổ chức kiểm tra, thu hồi giấy phép các cơ sở kinh doanh không phép. 

Số lượng cơ sở kinh doanh cầm đồ, kinh doanh tài chính và các cá nhân hoạt động “rải họ”, “bốc họ”... trên địa bàn thành phố hiện nay không hề nhỏ. Trong khi đó, lực lượng công an cơ sở còn phải giải quyết nhiều công việc khác, nên chưa bố trí đủ lực lượng và thời gian để chỉ đạo tập trung giải quyết dứt điểm các cơ sở kinh doanh, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật, nhất là số đối tượng “anh chị” đứng sau các ổ nhóm hoạt động liên quan đến “tín dụng đen”.

Chỉ huy Phòng CSHS cũng nhìn nhận, hoạt động cho vay “tín dụng đen” càng ngày càng có nhiều biến tướng khó lường. Những người vay tiền của các đối tượng cho vay nặng lãi thường là thanh -  thiếu niên sống dựa vào gia đình, vay tiền ăn chơi, không có khả năng chi trả dẫn tới lãi mẹ đẻ lãi con, thành món nợ khổng lồ dẫn tới mất tài sản vì “tín dụng đen”.

Theo Văn Trường

An ninh thủ đô