1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Quảng Nam:

Công an cảnh báo 7 thủ đoạn của tội phạm lừa đảo

(Dân trí) - Công an tỉnh Quảng Nam vừa đưa ra 7 cảnh báo về các thủ đoạn lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của các đối tượng để người dân cũng như cơ quan chức năng cảnh giác.

Theo Công an tỉnh Quảng Nam, năm 2018, tình hình hoạt động của tội phạm tiếp tục diễn biến phức tạp, gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản của người dân. Ngoài các thủ đoạn truyền thống như lợi dụng sở hở, mất cảnh giác của bị hại để trộm cắp, cướp giật, trên địa bàn tỉnh đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều những thủ đoạn phức tạp, tinh vi của các loại tội phạm “phi truyền thống” liên quan đến công nghệ số, tin tặc, thẻ ngân hàng.

Công an cảnh báo 7 thủ đoạn của tội phạm lừa đảo - 1

 

Công an tỉnh đã tổ chức tuyên truyền, cảnh báo nhưng vẫn còn nhiều người nhẹ dạ, cả tin, lơ là mất cảnh giác để rồi trở thành nạn nhân của loại tội phạm này.

Giả danh cán bộ để lừa đảo: Trong năm 2018, trên địa bàn các huyện Thăng Bình, Quế Sơn, thị xã Điện Bàn và TP Tam Kỳ tiếp tục xuất hiện thủ đoạn lừa đảo, đối tượng từ 1-2 người ăn mặc lịch sự tìm đến các gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, không có con cái ở nhà, ở nơi vắng vẻ và ít người qua lại tự xưng là cán bộ nhà nước, đồng thời thông báo với chủ nhà việc họ nằm trong diện được Nhà nước hỗ trợ số tiền lớn để sửa nhà, dưỡng già.

Đối tượng yêu cầu chủ nhà phải đưa trước một số tiền để lo thủ tục. Tin lời, người bị hại dẫn đối tượng vào nhà để lấy tiền. Lợi dụng sơ hở của chủ nhà, đối tượng thực hiện hành vi trộm cắp tài sản hoặc sau khi nhận được tiền liền tìm cách bỏ trốn.

Tấn công mạng, khống chế chiếm đoạt tài sản: Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) phát hiện chiến dịch phát tán mã độc tống tiền GandCrab tấn công nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Mã độc tống tiền GandCrab được phát tán thông qua bộ công cụ khai thác lỗ hổng RIG, khi bị lây nhiễm, toàn bộ các tệp tin dữ liệu trên máy người dùng sẽ bị mã hóa và phần mở rộng của tập tin bị đổi thành *.GDCB hoặc .CRAB, đồng thời mã độc sinh ra tệp CRAB-DECRYPT.txt nhằm yêu cầu và hướng dẫn người dùng trả tiền chuộc từ 400-1.000 USD bằng cách thanh toán qua tiền điện tử DASH để giải mã dữ liệu. Mã độc tống tiền GandCrab rất nguy hiểm, có thể đánh cắp thông tin và mã hóa toàn bộ dữ liệu trên máy tính. Tin tặc khai thác và tấn công sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng khác.

Bán hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ: Các đối tượng sử dụng giấy giới thiệu của Công ty có đăng ký kinh doanh bán hàng gia dụng (hầu hết các công ty có địa chỉ tại Hà Nội) và giấy giới thiệu do Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam cấp, đến liên hệ với UBND cấp xã xin tổ chức sự kiện “Tri ân khách hàng” và được Chủ tịch UBND cấp xã ký giấy giới thiệu đến các thôn trên địa bàn để tổ chức sự kiện theo đề nghị và yêu cầu báo cáo để lực lượng Công an xã biết, theo dõi, quản lý khi tổ chức.

Tuy nhiên, các đối tượng trực tiếp liên hệ với Trưởng Ban nhân dân thôn để lấy danh sách, ghi họ tên người dân vào giấy mời của nhiều công ty, sau đó, nhờ Ban Nhân dân thôn gửi cho các hộ dân và thông báo đến nhà văn hóa thôn để tham gia sự kiện đổi hàng, nhận quà miễn phí và không báo cáo lực lượng Công an địa phương biết theo dõi, quản lý theo sự chỉ đạo của UBND xã.

Sau khi người dân tập trung đến địa điểm tổ chức theo lời mời, các đối tượng tiến hành bán hàng kèm theo quà tặng miễn phí với cách thức: Lượt thứ nhất có 1 sản phẩm cho một người mua, người mua đặt cọc số tiền 2,5 triệu đồng, sau đó được nhận lại số tiền đã đặt cọc và mặt hàng đã mua.

Tương tự lượt thứ hai là 2 người, lượt thứ ba là 4 người, lượt thứ tư là 8 người (tăng theo cấp số nhân) đến khi đông người đặt tiền mua hàng thì các đối tượng giao hàng, kèm theo quà tặng và 1 phong bì (bên trong có 50.000đ); lợi dụng lúc người dân đang nhận hàng và chưa kiểm tra phong bì thì các đối tượng nhanh chóng rời khỏi địa điểm bán hàng.

Giả vờ mua hàng để chiếm đoạt tài sản: Các đối tượng trộm cắp thường đi theo nhóm, đến các cửa tiệm vàng, điện thoại di động, đồng hồ… hoặc nơi giao dịch mua bán để hỏi mua hàng. Một hoặc một số đối tượng đi vào cửa tiệm giả như khách mua hàng, sau đó tạo ra nhiều hoàn cảnh, lý do khác nhau như mua hàng giá trị nhỏ nhưng đưa tiền mệnh giá lớn, đổi hàng, đổi tiền làm người bán hàng sơ hở, mất cảnh giác để  lấy trộm tiền hoặc cướp giật tài sản rồi chạy ra nơi có đồng bọn đã đậu sẵn xe chờ từ trước để tẩu thoát.

Lôi kéo tham gia đầu tư tiền ảo trên mạng xã hội để lừa đảo chiếm đoạt tài sản: Các đối tượng thông qua mạng xã hội Zalo, facebook… lập các nhóm để mời gọi và hướng dẫn về cách kiếm tiền bằng đầu tư tiền ảo (Trade Coin). Đối tượng tự giới thiệu rằng bản thân mình và một số người làm theo sự hướng dẫn đã kiếm được rất nhiều tiền từ việc đầu tư (đào) tiền ảo ở sàn giao dịch nước ngoài nhờ vào việc đối tượng lập trình được một mã (code) chạy tự động (auto).

Để lấy lòng tin của bị hại, đối tượng đã đăng hình ảnh thể hiện lãi suất từ tài khoản của những người làm theo cách đối tượng hướng dẫn lên nhóm Zalo trên. Khi thấy “con mồi” mắc bẫy, đối tượng yêu cầu bị hại lập một tài khoản và nộp tiền vào (được quy đổi ra tiền ảo bằng cách dùng tiền Việt Nam để mua) để đối tượng gắn mã chạy thử.

Bằng thủ thuật tinh vi, đối tượng làm cho số tiền ảo trên tài khoản của bị hại tăng lên từng ngày. Sau đó, đối tượng đề nghị bị hại đầu tư thêm tiền để nhận lãi suất lớn hơn kẻo bỏ phí cơ hội làm giàu.

Tin theo lời đối tượng và nhận thấy việc kiếm tiền quá đơn giản, bị hại tiếp tục dùng tiền Việt Nam mua tiền ảo nộp vào tài khoản của mình. Nộp tiền xong, bị hại cung cấp lại mật khẩu, nhờ đối tượng gắn mã để chạy tài khoản. Nhận được mật khẩu của bị hại, đối tượng chuyển toàn bộ số tiền trên tài khoản của bị hại qua một tài khoản khác do đối tượng lập ra để quy đổi thành tiền thật và chiếm đoạt. Sau đó, đối tượng khóa số điện thoại cá nhân và khóa tài khoản Zalo, facebook của mình.

Giả danh công an để lừa đảo: Năm qua, trên địa bàn cả nước nói chung và tỉnh Quảng Nam diễn ra tình trạng một số tổ chức, cá nhân lợi dụng tự xưng hoặc giả mạo là cán bộ của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an để gọi điện, trao đổi trực tiếp với Công an các đơn vị, địa phương chào bán sách bằng hình thức mua, chuyển tiền và nhận tài liệu qua đường bưu điện.

Tuy nhiên, sau khi chuyển tiền các cơ quan, doanh nghiệp không nhận được tài liệu và tham gia tập huấn như đã hứa. Việc lợi dụng danh nghĩa đơn vị Công an là hành vi vi phạm pháp luật, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến uy tín của lực lượng Công an.

Sử dụng mạng xã hội để lừa đảo: Đối tượng gửi cho người dùng mạng xã hội Facebook bất kỳ một đường link. Khi chủ tài khoản nhấn chuột vào sẽ bị đối tượng lấy mật khẩu và tài khoản. Có mật khẩu, đối tượng đăng nhập để đổi mật khẩu rồi đổi hòm thư đăng ký tài khoản Facebook. Tiếp đó, đối tượng truy cập vào lịch sử cuộc trò chuyện của chủ tài khoản, học cách nói chuyện giống như chủ tài khoản rồi liên hệ với bạn bè, người thân của chủ tài khoản để mượn tiền hoặc mua thẻ cào. Bị hại tưởng người thân của mình đang gặp khó khăn đã nạp tiền, và bị đối tượng chiếm đoạt.

C.Bính

Công an cảnh báo 7 thủ đoạn của tội phạm lừa đảo - 2