1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Cô giáo lĩnh 5 năm tù không chấp nhận cáo buộc "chiếm đoạt"

Hoàng Lam

(Dân trí) - Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Lê Thị Dung khai trong quá trình điều tra, cơ quan cảnh sát điều tra lúc dụ dỗ, lúc quát nạt. Bị cáo cho rằng đó là hành vi bức cung.

Sáng 12/6, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An mở phiên tòa hình sự phúc thẩm xét xử vụ án Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ đối với bị cáo Lê Thị Dung (52 tuổi, cựu Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) và bị cáo Nguyễn Thị Hương (58 tuổi, cựu kế toán của trung tâm).

Phiên tòa được mở do có đơn kháng cáo kêu oan của bị cáo Lê Thị Dung và kháng nghị hủy bản án sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra, xét xử lại của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An.

Bị cáo bổ sung nội dung kháng cáo

Tại phiên tòa, bị cáo Dung giữ nguyên nội dung kháng cáo và bổ sung nội dung kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, do thời điểm kháng cáo chưa nhận được bản án.

Cô giáo lĩnh 5 năm tù không chấp nhận cáo buộc chiếm đoạt - 1

Phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ đối với bị cáo Lê Thị Dung và Nguyễn Thị Hương (Ảnh: TA).

Theo bị cáo Dung, tất cả khoản chi cho bản thân và cán bộ, nhân viên là đúng quy chế chi tiêu nội bộ. Quy chế này được xây dựng công khai, được gửi cho cấp trên, có hiệu lực thi hành, không vi phạm pháp luật.

"Tất cả đều hưởng như bị cáo. Không thể gọi là hành vi Lợi dụng chức vụ quyền hạn khi chưa chứng minh được bị cáo vi phạm quy định nào", bị cáo nói.

Cô giáo lĩnh 5 năm tù không chấp nhận cáo buộc chiếm đoạt - 2

Bị cáo Lê Thị Dung (trái) và bị cáo Lê Thị Hương tại phiên tòa phúc thẩm (Ảnh: T.A).

Bị cáo Dung cho rằng việc bị cáo Hương biết sai nhưng vẫn làm và chỉ bị tuyên phạt 24 tháng tù, cho hưởng án treo; trong khi bản thân bị cáo bị tuyên phạt 5 năm tù là "vô cùng bất công"...

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An giữ quyền công tố tại phiên tòa giữ nguyên nội dung kháng nghị.

Vận dụng, tham khảo Thông tư 28 để ban hành quy chế chi tiêu nội bộ

Bị cáo Lê Thị Dung cho rằng, cấp sơ thẩm căn cứ Thông tư 28/2009/TT-BGDDT về chế độ làm việc cho giáo viên phổ thông để buộc tội là không đúng vì thông tư này không quy định với Trung tâm Giáo dục thường xuyên. Bị cáo vận dụng, tham khảo Thông tư 28 để ban hành quy chế chi tiêu nội bộ bởi bị cáo cũng là giáo viên.

Tất cả các khoản chi cho lãnh đạo, cán bộ, giáo viên, bao gồm cả quy đổi nội dung hỗ trợ bí thư chi bộ, đi học cao học... thành tiết dạy để thanh toán đã được quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ. Quy chế này được xây dựng công khai, được 100% cán bộ, giáo viên đồng ý, không có ý kiến phản đối.

Cô giáo lĩnh 5 năm tù không chấp nhận cáo buộc chiếm đoạt - 3

Lực lượng cảnh sát hỗ trợ tư pháp kiểm tra giấy tờ và hướng dẫn những người tham dự phiên tòa (Ảnh: Hoàng Lam).

Trả lời câu hỏi của chủ tọa phiên tòa, bị cáo cho biết bí thư chi bộ đã được thanh toán phụ cấp trách nhiệm theo Quyết định 169/QĐ-TƯ. Tuy nhiên, bí thư chi bộ cũng có tiết dạy như bí thư đoàn thanh niên hay các tổ trưởng chuyên môn nên được hưởng thanh toán theo quy chế chi tiêu nội bộ.

Bị cáo cho rằng, nội dung thanh toán học cao học có trong quy định nhưng quy định nào thì bị cáo không nhớ.

Trước câu hỏi của kiểm sát viên giữ quyền công tố tại phiên tòa về số tiền giám định thiệt hại có dừng lại ở 48 triệu không? Bị cáo khẳng định không có thiệt hại vì đó là công sức lao động của cá nhân và giáo viên nhà trường. Bị cáo không chấp nhận cấp sơ thẩm quy kết bị cáo là "chiếm đoạt".

"Đã được nhận phụ cấp của bí thư chi bộ, tài liệu, học phí của cán bộ đi học, việc quy đổi theo tiết dạy để thanh toán thêm lần nữa, nhận thức của bị cáo như thế nào?", kiểm sát viên hỏi. Bị cáo cho rằng đây không phải là hỗ trợ.

Bị cáo khẳng định việc quy đổi các nội dung này sang tiết dạy để thanh toán là đúng, bởi theo quy định giờ làm việc 40 giờ/tuần, quy đổi để tính ngày đi làm. Tuy nhiên đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An phản bác lập luận này vì trong ngành giáo dục, nhà nước quy định giờ dạy, tiết dạy để thanh toán tiền công, không phải quy định giờ làm việc như công chức, viên chức khác.

Chiều nay, phiên tòa tiếp tục với phần xét hỏi, tranh luận.

Từ ngày 1/10/2012 đến năm 2017, với vai trò Giám đốc, Bí thư Chi bộ Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên (thời điểm này chưa sáp nhập Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp), bị cáo Lê Thị Dung đã xây dựng, ban hành quy chế chi tiêu nội bộ không đúng quy định của pháp luật dẫn đến việc lập chứng từ kế toán sai, thanh toán sai quy định.

Trong đó, năm học 2014-2015 và 2015-2016, bị cáo Dung thanh toán sai quy định số tiền hơn 44,7 triệu đồng. Số tiền này được chuyển vào tài khoản cá nhân bị cáo.

Việc thanh toán sai thể hiện ở các nội dung bí thư chi bộ, học cao học... đã được thanh toán nhưng bị cáo Dung vẫn quy đổi ra tiết dạy để thanh toán tiền thừa giờ cho bản thân là thanh toán trùng (thanh toán hai lần) cho cùng một nội dung.

Bị cáo Dung bị Tòa án nhân dân huyện Hưng Nguyên tuyên phạt 5 năm tù, bị cáo Nguyễn Thị Hương bị tuyên phạt 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.