1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Cô dâu Việt Nam ở Trung Quốc - ghi chép từ một vụ án mạng

Trên cả thế giới nói chung và tại Trung Quốc, Đài Loan nói riêng, có một lượng lớn cô dâu Việt Nam đang hàng ngày hàng giờ trải qua những hạnh phúc và đau khổ, thuận lợi và khó khăn… không ai giống ai. Những câu chuyện về họ có thể được kể lại, cũng có thể chẳng ai biết đến. Như hai chị em ruột thịt Trang và Lịch, mỗi người lại có một số phận riêng khi làm dâu nơi đất khách quê người.

Chuyện cô dâu Việt Nam ở xứ người, nhất là ở Trung Quốc, Đài Loan đã không còn là chủ đề xa lạ với người dân trong nước. Những cuộc hôn nhân thành công thì ít, thất bại thì nhiều cùng vô số hệ lụy đi kèm. Những cô dâu Việt người thì đối mặt với cuộc sống nhiều vênh lệch văn hóa nơi đất khách, người thì cay đắng trở về sau nhiều nỗi truân chuyên. Song có lẽ đây là lần đầu tiên một cô dâu Việt Nam phải đứng trước vành móng ngựa bởi tội sát hại mẹ chồng rồi bỏ trốn.

Cô gái đó tên là Hà Thị Trang, mới kết hôn cùng một người đàn ông vùng Tứ Xuyên tên là Long Kiến Dũng vào tháng 9 năm 2012.

Hà Thị Trang và em gái Hà Thị Lịch đều tìm đến hôn nhân với người nước ngoài. Sau khi Trang kết hôn vào tháng 9 năm 2012, em gái cô cũng kết hôn vào tháng 4 năm 2013, chồng của Lịch cũng là người vùng Tứ Xuyên, hiện tại Lịch đang có mang tháng thứ 6. Hai cuộc hôn nhân của hai chị em ruột nơi đất khách quê người đã đi theo hai hướng hoàn toàn khác nhau chỉ bởi một hành động bất cẩn của Trang trong tích tắc.

Gia đình nhà chồng Trang ở Tứ Xuyên vốn rất nghèo khó. Là con trai duy nhất trong gia đình có một mẹ già và ba người chị gái, đã 32 tuổi nhưng Kiến Dũng vẫn chưa thể kết hôn. Anh ta tới vùng Quảng Đông, Quảng Tây làm thợ xây, chính ở đây, anh đã làm quen với Hà Thị Trang, một cô gái Việt Nam 25 tuổi đang làm phục vụ trong một quán cơm. Sau một thời gian quen biết, hai bên quyết định tiến tới hôn nhân. Theo yêu cầu của Trang, Kiến Dũng tới Việt Nam gặp mặt gia đình cô. Gia cảnh nhà Trang cũng nghèo khó như nhà Kiến Dũng. Sau đó, Kiến Dũng chuẩn bị 4 vạn nhân dân tệ (tức khoảng 130 triệu tiền Việt) để làm lễ thành hôn với Trang. Sau khi cưới, hai vợ chồng chung sống tại Tứ Xuyên. Cả thôn đều đến chúc mừng Kiến Dũng đã cưới được một người vợ nước ngoài!

Cưới nhau xong, Kiến Dũng vẫn tiếp tục đi sang các vùng lân cận làm thuê, vài ba ngày hay một tuần mới về nhà một lần. Cô dâu mới Hà Thị Trang, ngôn ngữ không thông thạo, lại lạ nước lạ cái, hầu như chỉ toàn ở nhà với bà mẹ chồng 64 tuổi. Một thời gian sau, người trong thôn bắt đầu truyền tai nhau rằng, mọi việc đều do mẹ chồng làm hết, còn cô dâu Việt Nam thì “rong chơi cả ngày”. Chẳng hiểu thực hư ra sao, bởi trong cái thôn nghèo này, cũng chẳng có trò gì giải trí ngoài việc xem tivi và tìm người cùng thôn tán chuyện. Nhưng mâu thuẫn mẹ chồng – nàng dâu thì ngày càng lộ rõ, bởi mẹ chồng đã đòi giữ hết giấy tờ tùy thân của Trang, đề phòng cô bỏ trốn.

Trước đó, không chỉ một lần mẹ chồng Trang đã phàn nàn với hàng xóm láng giềng rằng con trai bà bỏ ra ngần ấy tiền để cưới về một cô vợ, thật không dễ dàng gì, lại không dám để cô làm việc ngoài đồng, chiều chuộng đến vậy mà chẳng hiểu sao cô con dâu cả ngày cứ buồn vui thất thường. Người trong thôn nhắc nhở bà rằng, một cô con dâu phải bỏ tiền ra để cưới về, thì cũng có thể sẽ lấy tiền rồi bỏ trốn. Từ đó, khoảng cách mẹ chồng nàng dâu ngày càng xa, không chỉ vì ngôn ngữ bất đồng mà còn vì hai bên dè chừng nhau.

Bị cáo Hà Thị Trang bị xét xử trước tòa.
Bị cáo Hà Thị Trang bị xét xử trước tòa.

Em gái Trang là Lịch cũng được gả đến Tứ Xuyên, nhưng là một vùng khác. Đến thăm chị một lần, hai chị em ngồi nói chuyện với nhau rất lâu. Mẹ chồng đương nhiên chẳng hiểu hai cô gái nói gì, nhưng qua sắc mặt và giọng nói của Trang, bà biết cô đang thể hiện sự không hài lòng với cuộc sống hiện tại. Trước đó, bà đã nghe con trai nói rằng em gái của Trang được gả đến một gia đình giàu có hơn gia đình mình, có thể Trang biết vậy sẽ có ý so sánh. Tuy nhiên, cách nghĩ của Kiến Dũng rất đơn giản, anh cho rằng chỉ cần không bắt vợ phải ra đồng làm việc, kiếm sống, thì vợ sẽ hài lòng. Tâm trạng của Trang sẵn sự bất mãn, không được giải tỏa, lại thêm việc suốt ngày ở nhà tiếp xúc với mẹ chồng, nên cô càng buồn chán. Hôm đó, sau khi em gái ra về, Trang buồn bực đi nấu cơm tối, nhưng cô chỉ nấu cơm cho một mình cô. Mẹ chồng thấy thế, liền lên tiếng quát mắng.

Ngày 17 tháng 3 năm 2013, sau hai ngày đi làm thuê bên ngoài, Kiến Dũng trở về ngôi nhà nhỏ trong thôn. Đến cổng, anh ta lên tiếng gọi vợ như mọi khi nhưng không thấy một lời đáp lại. Đẩy cánh cửa phòng bước vào, anh chết đứng khi nhìn thấy mẹ mình hai tay hai chân bị trói chặt nằm trên giường, từ đầu chảy ra một vũng máu lớn, thân thể bà đã lạnh ngắt, rõ ràng đã chết từ lâu, còn Hà Thị Trang thì không chút bóng dáng. Sự việc nhanh chóng được báo cho cảnh sát, và chẳng bao lâu sau, cảnh sát đã tìm thấy Trang ở Thành Đô, cô đang trên đường bỏ trốn.

Theo lời khai của Trang, sau khi kết hôn, trước gia cảnh nghèo khổ và những mâu thuẫn thường xuyên với mẹ chồng, cô đã không chỉ một lần nung nấu ý định bỏ trốn, nhưng chưa có dịp thực hiện. Hôm đó, sau khi cãi nhau với mẹ chồng, cô quyết tâm tìm bằng được giấy tờ tùy thân của mình để lên đường tự giải thoát khỏi cuộc hôn nhân không vừa ý. Mười một giờ đêm hôm đó, nhân lúc mẹ chồng đang ngủ say trong phòng, Trang vào phòng bà lấy giấy tờ tùy thân, bị bà phát hiện, cô bèn lấy dây thừng trói hai tay hai chân bà lại để chạy trốn, nhưng bà chống lại quá quyết liệt, hai bên giằng co dữ dội. Trong lúc giằng co nhau, đầu bà bị va đập và chảy máu. Sau khi lấy được giấy tờ, Trang vội vàng bỏ trốn về hướng Thành Đô. Cô không ngờ được rằng, bà mẹ chồng bị cô trói lại trên giường đã vì vết thương chảy máu trên đầu mà bỏ mạng. Nhưng lúc này, mọi sự hối hận đều đã trở nên quá muộn màng!

Còn cô em gái của Trang, tuy con đường ban đầu đến với hôn nhân không được tự do tự tại như Trang, nhưng cho đến nay, có thể nói cuộc sống làm dâu xứ người của cô chưa có điều gì vướng mắc. Ở cùng thôn chồng cô, đã có vài người lấy vợ Việt Nam, qua giới thiệu, bố chồng và chồng đi sang Việt Nam một tháng gặp gia đình Lịch. Sau đó, hai bên quyết định đi tới hôn nhân. Hà Thị Lịch lên đường sang Tứ Xuyên, Trung Quốc để bắt đầu hành trình làm dâu xứ người. Ban đầu, ngôn ngữ bất đồng nên mọi giao tiếp đều hết sức khó khăn. Tuy nhiên, cả hai vợ chồng đều hết sức nhẫn nại, thậm chí còn đi mua sách vở về để Lịch có thể học nói, học viết. Cho đến nay, không chỉ giao tiếp với người trong nhà mà cô còn có thể nói chuyện một cách đơn giản với hàng xóm láng giềng. Tin tức về người chị đến với cô đúng lúc cô đang mang bầu 6 tháng, quả là một cú sốc lớn. Tuy nhiên, trước sự tò mò của mọi người và truyền thông, cả hai vợ chồng chỉ im lặng.

Trên cả thế giới nói chung và tại Trung Quốc, Đài Loan nói riêng, có một lượng lớn cô dâu Việt Nam đang hàng ngày hàng giờ trải qua những hạnh phúc và đau khổ, thuận lợi và khó khăn… không ai giống ai. Những câu chuyện về họ có thể được kể lại, cũng có thể chẳng ai biết đến. Như hai chị em ruột thịt Trang và Lịch, mỗi người lại có một số phận riêng khi làm dâu nơi đất khách quê người. Kết cục của Trang hẳn là điều mà bản thân cô và không ai có thể ngờ tới khi mới cách đây hơn một năm cô kết hôn với Kiến Dũng. Và vẫn còn đó những rào cản vô hình mà vô cùng ghê gớm về ngôn ngữ, về văn hóa trước mắt bao nhiêu cô dâu Việt Nam – những rào cản không phải ai cũng có đủ can đảm và kiên trì để vượt qua.

Theo Lê Lan

Cảnh sát toàn cầu