TPHCM:
Chuyên viên ATM “rút ruột” ngân hàng gần 4 tỷ đồng
(Dân trí) - Lợi dụng việc mình được giữ chìa khóa khay tiền, chìa khóa két sắt tại các cây ATM, Nguyên đã dùng thủ thuật tinh vi qua mắt ngân hàng, qua mắt camera tại văn phòng, rút tiền trong khay gần 4 tỷ đồng để trả tiền thua độ bóng đá.
Theo cáo trạng, tháng 8/2007, Lý Chí Nguyên được tuyển dụng làm việc tại một ngân hàng TMCP có chi nhánh ở quận Gò Vấp. Đến tháng 12/2010, Nguyên được giao nhiệm vụ là chuyên viên ATM quản lý 35 máy ATM trên địa bàn.
Theo quy trình, hàng ngày, Nguyên kiểm tra số lượng tiền tại các máy ATM và báo cho ngân quỹ đề xuất đưa tiền vào máy. Nguyên là người trực tiếp đề xuất, sau khi được duyệt chi, Nguyên nhận chìa khóa khay tiền, chìa khóa két sắt của máy ATM từ thủ kho.
Sau đó, Nguyên cùng một số nhân viên khác gồm kiểm sát viên, chuyên viên phát triển mạng đưa về bàn chạy tiền (gần bàn làm việc của Nguyên) để cùng đếm, phân loại mệnh giá, cho vào khay và dán niêm phong, khóa khay lại. Nguyên giữ chìa khóa.
Tại máy ATM, Nguyên là người trực tiếp mở khóa két sắt và rút các khay tiền cũ ra, thay các khay tiền mới vào, rồi khóa két sắt lại. Sau đó, chuyên viên phát triển mạng sẽ thao tác trên máy, in số tiền dư trong khay cũ, nhập số tiền mới đúng với số tiền đã kiểm đếm thể hiện như biên bản nạp tiền tại ngân hàng và in chứng từ lưu.
Do máy ATM không đếm được số tiền thực tế nhập vào nên khi thao tác với nội dung nhập bao nhiêu thì trên chứng từ sẽ thể hiện số tiền tương ứng (không đúng với thực tế đưa vào máy). Sau đó, Nguyên cùng chuyên viên phát triển mạng sẽ đưa các khay cũ về ngân hàng.
Đến tháng 12/2012, Nguyên nảy sinh ý định chiếm đoạt số tiền bằng cách rút bớt số lượng tiền nhập vào khay trước khi chuyển đến nhập vào máy ATM. Sau khi nhận tiền, phân loại, sắp với khay, dán tem nêm phong, trong thời gian chờ xe đưa đến máy ATM, Nguyên nhanh chóng kéo khay tiền mệnh giá 500.000 đồng về phía gầm bàn làm việc của mình (khuất tầm quét của camera).
Lúc này, Nguyên dùng chìa mở ổ khóa, bật nắp khay tiền làm đứt tem niêm phong và lấy một xấp tiền để lên CPU máy tính hoặc thùng đựng giấy dưới gầm bàn. Sau đó, Nguyên đậy nắm khay, khóa ổ khóa lại và đẩy về vị trí cũ.
Mỗi lần lấy tiền, Nguyên ghi lại số tiền, vị trí đặt máy ATM trên điện thoại di động của mình. Khi lấy các khay tiền mệnh giá 500.000 đồng cũ về, Nguyên sẽ bù lại số tiền, mà trước đó đã rút bớt vào, trước khi chuyển qua bàn chạy tiền kiểm đếm và nộp lại thủ quỹ, để tránh bị phát hiện.
Ngày 11/3/2013, ngân hàng kiểm tra đột xuất, có sự chứng kiến của Nguyên tại 5 máy ATM, phát hiện 4 máy bị thiếu hụt tổng số tiền 900 triệu đồng.
Cùng ngày, đại diện ngân hàng đưa Nguyên đến công an phường 10, quận Gò Vấp để trình báo. Qua kiểm tra, tổng số tiền bị thiếu hụt tại 20 máy ATM là 3,929 tỷ đồng. Nguyên đã xác định số tiền trên là do mình chiếm đoạt trong thời gian 3 tháng.
VKSND TPHCM đề nghị mức án từ 15 – 16 năm tù, tuy nhiên, HĐXX nhận định rằng hành vị phạm tội của Nguyên làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội, ảnh hưởng đến hoạt động của ngân hàng, cần phải có biện pháp xử lý nghiêm.
Do đó, HĐXX quyết định tuyên phạt bị cáo Nguyên 19 năm tù. Về trách nhiệm dân sự, Tòa tuyên buộc Nguyên bồi thường cho ngân hàng số tiền 3,729 tỷ đồng đã chiếm đoạt. Trước đó gia đình Nguyên đã bồi thường được 200 triệu đồng.
Công Quang – Quốc Anh