1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Chuyên gia tâm lý nói gì về những vụ án liên quan đến tình ái?

Hải Nam

(Dân trí) - PGS.TS Trần Thành Nam, chuyên gia tâm lý, cho rằng, khi bị ai đó từ chối tình cảm, phía đối phương sẽ mất khả năng kiểm soát dẫn đến những cảm xúc tiêu cực như ấm ức, hụt hẫng, xấu hổ, tức giận...

Sau vụ việc Trần Lê Huy (31 tuổi, ở quận Long Biên, Hà Nội) tấn công hàng loạt phụ nữ ở các quận nội thành, nhiều độc giả đã phẫn nộ trước quá trình gây án của nam thanh niên này. Trước đó, hàng loạt vụ án liên quan đến tình ái cũng đã xảy ra.

Những hành vi đê hèn

"Hành vi đê hèn, đáng căm giận. Mong kẻ thủ ác nhận được hình phạt thích đáng", đọc giả MadMan bình luận trên báo Dân trí.

Đồng quan điểm với độc giả này, Hoàng Đỗ cũng cho rằng những kẻ như Huy là quá nguy hiểm và cần bị "cách ly, loại bỏ khỏi xã hội".

Trong khi đó, cũng có không ít người đưa ra nhận định thủ phạm có vấn đề về tâm lý. "Cơ quan chức năng cần đưa anh ta đi khám, giám định để có hình thức xử lý phù hợp", Xuân Huy bình luận trên Facebook.

Nhưng vụ việc liên quan đến tình ái, cụ thể là đối tượng gây án nuôi lòng thù hận, quyết tâm trả thù sau khi bị từ chối tình cảm như trên, không phải là mới. Trước đó, nhiều vụ án thương tâm đã xảy ra, các nạn nhân bị sát hại dã man chỉ vì không đón nhận tình cảm đơn phương của kẻ gây án.

Liên quan vụ án, tại trụ sở điều tra, Huy khai động cơ gây án vì sự hận thù trong lòng với "phái yếu", sau khi anh ta liên tục bị nhiều cô gái từ chối tình cảm.

Công an TP Hà Nội cho biết, chưa đầy nửa tháng, Huy đã gây ra thương tích cho 10 người, trong đó có 9 nạn nhân là phụ nữ.

Theo đó, sáng 25/10, Huy ném gạch vào một phụ nữ ở phố Thái Phiên, quận Hai Bà Trưng. Hai ngày sau, tên này tiếp tục dùng gạch ném vào đầu một người phụ nữ khác ở phố Ngô Quyền, quận Hoàn Kiếm. Đến tối 2/11, tại phố Hoàng Như Tiếp, quận Long Biên, Huy dùng bóng đèn túyp vụt vào mặt một nữ sinh lớp 9 khiến nạn nhân gãy sống mũi.

Chiều ngày hôm sau, nghi phạm cầm gậy gỗ đánh vào đầu một người phụ nữ tại cửa Trung tâm thương mại Tràng Tiền rồi bỏ chạy. Khi chạy đến phố Thái Phiên, thủ phạm lại cứa cổ chị Y. (21 tuổi) bằng dao nhưng nạn nhân may mắn không bị nguy hiểm tính mạng.

Chưa dừng lại, cũng trong ngày 3/11, Huy còn gây thương tích cho 2 người phụ nữ khác tại quận Hoàn Kiếm.

Chuyên gia tâm lý nói gì về những vụ án liên quan đến tình ái? - 1

Trần Lê Huy. (Ảnh: Công an Hà Nội).

Theo tìm hiểu của phóng viên, có không ít vụ án liên quan đến tình ái đã xảy ra. Khi bị từ chối tình cảm, phía đối phương sẵn sàng ra tay gây án.

Hồi cuối tháng 12/2013, Công an huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, nhận tin báo về một vụ án mạng xảy ra tại xã Tràng Sơn, huyện Đô Lương. Nạn nhân là một cô gái 18 tuổi tên T.T.Q., còn hung thủ là Trần Anh Tú (18 tuổi). Anh ta tự sát sau khi gây án nhưng không thành công.

Tại trụ sở điều tra, Tú khai bản thân có tình cảm đơn phương với chị Q. trong suốt một năm. Nhiều lần tỏ tình, mong muốn được trở thành bạn trai của cô gái nhưng liên tục bị từ chối, Tú đã nuôi hận thù trong lòng.

Đêm 25/12/2013, Tú đến nhà chị Q. để chơi. Trong lúc nói chuyện, thanh niên 18 tuổi bất ngờ rút con dao giấu trong người, đâm một nhát vào ngực "bạn gái trong mộng". Ngay sau đó, Tú cũng tự đâm dao vào ngực tự vẫn. Kẻ gây án và nạn nhân cùng được đưa đi cấp cứu nhưng cô gái 18 tuổi không qua khỏi do vết đâm vào trúng tim.

Đến năm 2016, TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình, cũng xôn xao vì một vụ án mạng kinh hoàng đã xảy ra. Nạn nhân bị sát hại một cách tàn nhẫn tại nhà riêng.

Theo đó, Lê Văn Tú (30 tuổi, ở huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) quen chị V.T.N.H. (37 tuổi, ở TP Ninh Bình) qua mạng xã hội. Cả 2 nhen nhóm tình cảm yêu đương nên người phụ nữ 37 tuổi xin cho Tú vào làm công nhân một công ty tại TP Ninh Bình.

Sau khi xem xét lại mối quan hệ, chị H. quyết định chấm dứt với Tú. Tuy nhiên, yêu cầu này không được nam thanh niên quê Hà Nam đồng ý.

Ngày 11/10/2016, Tú đến nhà riêng của chị H. đòi nối lại tình cảm. Chị H. khi đó cương quyết đoạt tuyệt mối quan hệ "máy bay - phi công". Trong cơn cuồng tình, Tú lấy dây trói tay chị H., dùng một tay bóp cổ, tay còn lại cầm dao đâm nhiều nhát vào ngực trái của chị H. khiến nạn nhân tử vong tại chỗ.

Sau khi gây án, hung thủ lấy xe máy, tiền và giấy tờ của chị H. bỏ trốn. Hai ngày sau, kẻ thủ ác đến trụ sở công an đầu thú, khai nhận động cơ gây án là bị từ chối tình cảm. Tú sau đó nhận mức án tù chung thân về tội Giết người và Cướp tài sản.

Chuyên gia tâm lý lên tiếng

Trao đổi với phóng viên báo Dân trí, PGS.TS Trần Thành Nam, chuyên gia tâm lý, cho rằng việc bị từ chối trong các mối quan hệ yêu đương, thường gây tổn thương rất lớn.

"Khi bị từ chối, cơ thế chúng ta ở trong trạng thái như 'stress cấp' với sự thay đổi của các chất dẫn truyền thần kinh. Điều này khiến cá nhân mất khả năng kiểm soát những cảm xúc tiêu cực như: Ấm ức, hụt hẫng, xấu hổ, tức giận... dẫn đến những hành vi xung đột", tiến sĩ tâm lý Trần Thành Nam phân tích.

Theo ông Nam, khi con người ở trong trạng thái trên, tùy theo tính cách và những giá trị đã được hình thành trước đó, người ta sẽ có những cách ứng xử khác nhau.

Chuyên gia tâm lý nói gì về những vụ án liên quan đến tình ái? - 2

PGS.TS Trần Thành Nam (Ảnh: Viện Tâm lý Việt Pháp).

"Những người nóng tính, có hành vi hung hăng, lòng tự trọng thấp thường nhìn nhận sự từ chối theo hướng bị coi thường, hạ nhục. Từ đó, những hành vi như trả đũa bằng bạo lực sẽ nảy sinh. Trong khi đó, với người với tính cách yếu đuối, họ sẽ thu mình lại, tự trách bản thân, chìm trong suy nghĩ tiêu cực là bản chẳng có giá trị gì, và có thể sẽ rơi vào trầm cảm", chuyên gia tâm lý nói.

Tuy nhiên, ông Nam khẳng định dù thế nào, sự lựa chọn khi hành động phụ thuộc vào chúng ta. "Chúng ta có thể không hoàn toàn kiểm soát được nỗi đau của việc bị từ chối tình cảm, nhưng luôn có thể kiểm soát được hành động của mình, biến những cảm xúc tiêu cực thành hành động với những giá trị tích cực", ông Nam nhấn mạnh.

Chuyên gia tâm lý cho rằng để làm được điều đó, việc giáo dục các giá trị từ khi còn nhỏ tuổi là rất quan trọng.

"Khi bị từ chối, đừng để điều đó đè nặng lên bản thân. Đừng xem nó như một thước đo giá trị con người. Đừng phản ứng bằng cách trả thù theo kiểu 'không ăn được thì đạp đổ'. Hãy để nó đi qua, không cần quan tâm đến nó vì chúng ta vẫn đang tiếp tục tiến về phía trước", PGS.TS Trần Thành Nam đưa ra lời khuyên.