Chuyện đời tướng cướp câm điếc
Không có cha, mồ côi mẹ từ thuở lọt lòng, lại bị câm điếc bẩm sinh, Tô Minh Tuấn (SN 1984) sống cùng bác ruột tại huyện Việt Yên (Bắc Giang). Được bác ruột thương yêu nuôi nấng bù đắp cho những thiệt thòi, nhưng Tuấn thay vì báo hiếu lại trở thành kẻ cướp giật chuyên nghiệp.
Nhắc đến tên cầm đầu nhóm cướp câm điếc Tô Minh Tuấn (trú ở cùng với bác tại đường Trần Nhân Trung, thị trấn Bích Động, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) ở cái thị trấn này, không ai không biết.
Tuấn thường tụ tập một nhóm bạn có cùng hoàn cảnh bị câm điếc như mình lêu lổng không chịu làm ăn và sinh sống bằng cướp giật. Gần đây, Tuấn lại lập thêm một “thành tích” mới, đó là vào trại giam lần thứ hai trong khi vừa mãn hạn tù cách đây chưa đầy 3 tháng.
Thấy ở bờ đê Yên Viên vắng vẻ, ít người qua lại nên cả bọn chọn làm nơi “làm ăn”. Rồi thời cơ cũng đến, Tuấn thấy có hai cô gái đi xe khá chậm đeo túi xách, bèn phóng xe máy áp sát giật túi rồi rồ ga bỏ chạy. Nhưng chẳng may cho Tuấn trong lần hành sự này, đã gặp ngay hai nữ trinh sát công an, nên Tuấn bị truy đuổi và tóm gọn ngay sau đó.
Khi Tuấn bị bắt, các điều tra viên vô cùng ngạc nhiên khi biết hắn bị câm điếc bẩm sinh, mồ côi cha mẹ, sống với bác ruột, chưa từng có tiền án, tiền sự. Thấy Tuấn có hoàn cảnh éo le, lại bị câm điếc nên hai nữ trinh sát viết đơn xin giảm án cho Tuấn. Nhờ vậy mà Tuấn chỉ bị mức án 30 tháng tù giam, sau khi thụ án được 24 tháng thì Tuấn được giảm án và ra trại ngày 28.3 vừa qua.
Mãn hạn tù, Tuấn lại “ngựa quen đường cũ”, tìm đến đám bạn hư hỏng và tiếp tục con đường cướp giật. Lần này hắn chọn Lạng Sơn làm địa bàn hoạt động. Tuấn thường rong ruổi xe máy trên đường và tìm những phụ nữ mang theo túi xách để cướp.
Chiều ngày 6.7.2013, khi phát hiện hai phụ nữ điều khiển xe máy ở huyện Chi Lăng, Tuấn đã ra tay cướp túi xách. Nhưng cũng chỉ chạy được khoảng 30km thì Tuấn bị bắt giữ - lần thứ 2.
Tuổi thơ bất hạnh của “tướng cướp câm điếc”
Tuấn vốn không cha, mẹ của Tuấn trong khi làm thuê ở Quảng Ninh đã quen một người đàn ông trong mỏ than thổ phỉ mà hai người làm thuê, khi bà có chửa Tuấn, người đàn ông đó đã khăn gói bỏ đi. Mẹ Tuấn phải sinh con một mình trong cảnh nghèo túng, khi sinh ra Tuấn lại không được bình thường như những đứa trẻ khác.
Mẹ Tuấn chẳng có tiền đi chạy chữa cho con mình, đồng lương làm thuê ở mỏ than chỉ đủ cho hai mẹ con sống kham khổ. Rồi trong một cơn bạo bệnh, bà đã qua đời để lại Tuấn còn nhỏ xíu, vất vưởng ở khu lao động của những người làm thuê.
Ông Tô Minh Sơn tâm sự về đứa cháu bất trị của mình.
Bác ruột của Tuấn là ông Tô Minh Sơn đã cất công lặn lội xuống Quảng Ninh để rồi tìm thấy đứa cháu nhem nhuốc trong bụi than, đem về nuôi nấng. Thương đứa cháu mồ côi, bác của Tuấn dành tình cảm thương yêu cháu như chính những đứa con mình đẻ ra.
Hồi nhỏ Tuấn tỏ ra khá hiền lành, chăm chỉ, nhưng lớn lên một chút thường tỏ ra không nghe lời. Thương cháu, ông Sơn xin cho Tuấn và học lớp dành cho người câm điếc của tỉnh, nhưng chỉ được 3 năm thì Tuấn bị trả về. Ông lại cạy cục xin cho cháu đi học việc ở một số nơi, nhưng Tuấn chỉ được vài bữa lại bỏ. Cuối cùng thì ông bác cũng hết cách, đành nhìn đứa cháu muốn làm gì thì làm, chẳng thể quản nổi vì nói gì Tuấn cũng chẳng nghe.
Ông Sơn tâm sự: “Ngày tìm thấy cháu trên đất khách, tôi đã ứa nước mắt khi nhìn thấy cháu mình còi cọc, nhem nhuốc. Tôi không bao giờ dám đánh mắng hay nặng lời với nó vì sợ nó tủi thân”.
Rồi khi nghe tin cháu mình bị bắt vì cướp giật, ông lại lặn lội tìm gặp cháu khuyên giải cháu hối cải. Mãn hạn tù, Tuấn về nhà được mấy hôm lại bỏ đi mặc cho ông bác hết sức khuyên can. Rồi vừa mấy hôm trước nghe tin cháu bị bắt lần nữa, hai vợ chồng ông lại như chết điếng.
Bà Nguyễn Thị Nhuận (vợ ông Sơn) tâm sự: “Vợ chồng tôi cũng chẳng biết làm gì hơn ngoài việc hy vọng nó sớm quay đầu, chứ nuôi nấng nó từ bé mà nó thành ra thế này thì thật là khổ cho cháu, cho cả gia đình”.
Theo Nguyễn Huệ
Lao Động