Luật sư trả lời

Chung sống với người có gia đình bị xử lý thế nào?

Chị gái tôi hiện nay đang chung sống như vợ chồng với anh T (đã có vợ và một con gái). Việc đó có vi phạm pháp luật không? Nếu vi phạm sẽ bị xử lý như thế nào? (Thu Huyền – Hải Phòng)

Trả lời: Điểm b Khoản 1 Điều 8 Nghị định số 87/2001/NĐ-CP ngày 21/11/2001 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình quy định như sau: Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi: “Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng”, ngoài ra phải chịu hình phạt bổ sung là buộc chấm dứt quan hệ hôn nhân trái pháp luật đó.

 

Việc chị gái bạn chung sống như vợ chồng với anh T khi biết rõ anh T đã có vợ là vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình. Hành vi đó có thể bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền, trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội vi phạm chế độ một vợ một chồng theo Điều 147 Bộ luật Hình sự năm 1999. Bạn nên phân tích, khuyên chị gái không nên tiếp tục chung sống với anh T trái pháp luật như vậy nữa.

 

Có được đem gửi di chúc ở nơi khác không?

 

Tôi đã lập di chúc phân chia tài sản cho các con. Nhưng do điều kiện hoàn cảnh tôi không muốn giữ di chúc đó tại nhà mình. Vậy có quy định nào cho phép được gửi bản di chúc đó ở cơ quan khác không? Nếu có thì tôi có thể gửi bản di chúc này tại đâu? (Nguyễn Thị Hoà - Thạch Thất, Hà Tây)

 

Trả lời: Theo quy định tại Nghị định số 75/2000/NĐ-CP ngày 8/12/2000 của Chính phủ về công chứng, chứng thực, nếu bà không muốn giữ bản di chúc tại nhà vì một số lý do nào đó, bà có thể yêu cầu Phòng Công chứng nhận lưu giữ di chúc của mình. Khi nhận lưu giữ di chúc, công chứng viên sẽ niêm phong bản di chúc trước mặt bà, ghi giấy nhận lưu giữ và giao giấy đó cho bà. Đối với di chúc đã được Phòng Công chứng nhận lưu giữ thì về nguyên tắc, việc sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc huỷ bỏ di chúc đó phải được thực hiện tại Phòng Công chứng đang lưu giữ di chúc; trong trường hợp đặc biệt vì lý do khách quan, thì có thể được thực hiện tại Phòng Công chứng khác hoặc cơ quan khác có thẩm quyền công chứng, chứng thực; Phòng Công chứng hoặc cơ quan này phải gửi một bản chính cho Phòng Công chứng đang lưu giữ di chúc lần đầu. Việc công bố di chúc lưu giữ tại Phòng Công chứng được thực hiện theo quy định pháp luật khi công chứng viên biết được việc chết của người lập di chúc hoặc khi có yêu cầu của người có liên quan đến nội dung di chúc. Việc công bố di chúc phải được lập thành văn bản.

 

Để sang Đức đăng ký kết hôn

 

Bạn trai tôi là người Việt Nam định cư ở Đức. Anh ấy muốn xin cho tôi xuất cảnh có thời hạn sang Đức để đăng ký kết hôn. Vậy xin hỏi tôi cần phải có những giấy tờ gì? (Nguyễn Thu Hà - Ba Đình, Hà Nội)

 

Trả lời: Theo Nghị định số 05/2000/NĐ-CP ngày 3/3/2000 của Chính phủ về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và một số văn bản pháp luật liên quan, để làm thủ tục xuất cảnh có thời hạn sang Đức đăng ký kết hôn, ngoài việc làm các thủ tục cần thiết để xuất cảnh theo quy định (có hộ chiếu), bạn cần có thêm một số giấy tờ theo yêu cầu của Đại sứ quán Đức tại Việt Nam, trong đó có: (i) Giấy bảo lãnh của bạn trai bạn đã được sự đồng ý của nước sở tại cho phép công dân Việt Nam sang kết hôn; (ii) Giấy xác nhận độc thân của bạn trai bạn do chính quyền sở tại cấp. Những giấy tờ này được gửi kèm với hồ sơ xin xuất cảnh của bạn và nộp cho Đại sứ quán Đức tại Việt Nam. Cơ quan này sẽ xem xét hồ sơ và cấp thị thực nhập cảnh cho bạn.

 

Chuyển đổi đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp

 

Nhà tôi có mảnh đất nông nghiệp, nay được chuyển đổi sang đất phi nông nghiệp. Vậy xin hỏi chế độ thu tiền sử dụng đất khi được phép chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp như thế nào? (Hà Chương, Yên Phong, Bắc Ninh)

 

Trả lời: Tại tiết b, khoản 4, điều 36 Luật đất đai năm 2003 có quy định: “Khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất trong trường hợp quy định tại các điểm c, d, đ khoản 1, điều này thì người sử dụng đất phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định sau đây:

 

Nộp tiền sử dụng đất theo loại đất sau khi được chuyển mục đích sử dụng trừ đi giá trị quyền sử dụng đất của loại đất trước khi chuyển mục đích sử dụng tính theo giá đất do Nhà nước quy định tại thời điểm được phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với trường hợp chuyển đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất, đất nuôi trồng thuỷ sản, đất làm muối sang đất phi nông nghiệp có thu tiền sử dụng đất”.

 

Trường hợp hộ gia đình, cá nhân khi được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp thì phải nộp tiền sử dụng đất theo diện tích đất phi nông nghiệp (loại đất sau khi chuyển mục đích sử dụng) trừ đi giá trị quyền sử dụng đất của diện tích đất nông nghiệp (loại đất trước khi chuyển mục đích sử dụng) tính theo giá đất do UBND tỉnh, thành phố quy định tại thời điểm được phép chuyển mục đích sử dụng đất.