Đắk Nông:
Chốt án 7 năm tù với Phó Chánh thanh tra nhận tiền, “làm ngơ” xe quá tải
(Dân trí) - Sau nhiều lần phải hủy bỏ phiên tòa để điều tra bổ sung, ngày 23/11, TAND tỉnh Đắk Nông mở phiên tòa xét xử sơ thẩm lần 2 và tuyên đúng mức án 7 năm tù đối với bị cáo Lê Đình Trọng (nguyên Phó chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải tỉnh Đắk Nông) về tội “Nhận hối lộ” .
Đối với bị cáo Nguyễn Trọng Toàn (trú xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định), HĐXX tuyên phạt 3 năm 6 tháng tù (giảm 2 năm 6 tháng so với phiên tòa sơ thẩm lần 1) về tội “Đưa hối lộ”.
Tại phiên xử lần này, TAND tỉnh Đắk Nông triệu tập 5 cán bộ là Thanh tra giao thông tỉnh Đắk Nông, là nhân chứng trong vụ án để xét hỏi, làm rõ các nội dung liên quan đến Trạm kiểm tra tải trọng lưu động số 56.
Công bố cáo trạng, đại diện VKS giữ nguyên quan điểm truy tố đối với bị cáo Lê Đình Trọng và Nguyễn Trọng Toàn về tội “Đưa và nhận hối lộ”. Vị đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Nông đề nghị mức án từ 7- 8 năm tù giam đối với bị cáo Trọng về tội nhận hối lộ và 12 - 18 tháng tù giam đối với bị cáo Toàn về tội đưa hối lộ.
Trước đó, khi bị TAND tỉnh Đắk Nông tuyên phạt 7 năm tù giam về tội “Nhận hối lộ” trong phiên tòa xét xử sơ thẩm lần 1, nguyên Phó chánh Thanh tra giao thông đã kháng cáo lên cấp cao hơn. TANDTC tại TP.HCM sau đó đã tuyên hủy một phần bản án và cho điều tra, xét xử lại. Tại phiên tòa sơ thẩm lần 2 ngày 15/9, sau nhiều ngày tranh luận, HĐXX đã tuyên trả lại hồ sơ, điều tra bổ sung, làm sáng tỏ một số nội dung.
Theo cáo trạng, khoảng đầu năm 2013, kiểm tra xe quá tải trọng trên tuyến Quốc lộ14, Đội thanh tra giao thông (TTGT) do Lê Đình Trọng làm đội trưởng đã phát hiện và bắt giữ 4 xe container của Công ty TNHH Hiệp Toàn (trụ sở quận 9, TP.HCM) chở quá tải. Sau 4 ngày tạm giữ, các xe trên được cho đi mà không bị xử phạt với lý do các xe này vi phạm lần đầu. Sau đó, Toàn làm quen và lấy số điện thoại của Trọng để nhờ giúp đỡ khi có xe vi phạm trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.
Từ cuối năm 2013 đến tháng 4/2014, Toàn nhiều lần gọi điện thoại cho Trọng để đặt vấn đề nhờ Trọng giúp đỡ khi xe của Toàn đi qua địa phần tỉnh Đắk Nông. Do được Toàn báo trước nên ngày 20/3/2014, Trọng không chỉ đạo tiến hành kiểm tra tải trọng 3 xe vận chuyển gỗ của Toàn.
Sau đó, từ tháng 4/2014 giữ cương vị Trạm trưởng Trạm kiểm tra tải trọng lưu động (TCLĐ) số 56 đặt trên tuyến Quốc lộ 14, Trọng đã hai lần gọi điện cho Toàn yêu cầu đòi tiền “chung chi” với tổng số tiền 20 triệu đồng để Trọng bỏ qua các lỗi vi phạm.
Ngày 1/4/2014, Toàn nhờ người gửi vào tài khoản cho Trọng 5 triệu đồng. Tiếp đó, ngày 15/5/2014, Toàn nhờ vợ mình chuyển 15 triệu đồng vào tài khoản cho Trọng. Do từng nghe Toàn nói Trọng có quyền kiểm tra xử lý xe trên đường nên khi chuyển tiền, vợ Toàn tự ghi nội dung chuyển tiền là “thanh toán tiền luật trên đường”.
Từ tháng 3/2014 đến tháng 10/2014, Công ty Hiệp Toàn vận chuyển gần 200 chuyến xe container chứa gỗ, dầu ăn từ Đắk Nông về TP. Hồ Chí Minh và ngược lại đều quá tải trọng mà không bị kiểm tra xử lý.
Cùng thời gian trên, Nguyễn Xuân Chung (nhân viên doanh nghiệp vận tải Phước Hòa, tỉnh Đắk Lắk) đã hai lần chuyển vào tài khoản của Nguyễn Tấn Mẫn (Nguyên Trạm phó trạm cân lưu động do Trọng phụ trách) tổng số tiền 29 triệu đồng để Mẫn bỏ qua lỗi vi phạm quá tải. Từ ngày 4/10/2014, doanh nghiệp vận tải Phước Hòa đã vận chuyển 173 chuyến xe quá tải trọng cho phép nhưng không bị kiểm tra xử lý.
Khi sự việc bị phát hiện, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Nông đã mời Nguyễn Tấn Mẫn lên làm việc. Tuy nhiên, sau đó Mẫn đã bất ngờ nhảy từ tầng 2 trụ sở cơ quan điều tra xuống đất tử vong. Trong quá trình điều tra vụ án, gia đình của bị cáo Trọng đã giao nộp 20 triệu đồng.
Dương Phong