Chồng và cháu gái bà Trương Mỹ Lan xin giảm nhẹ hình phạt
(Dân trí) - Sau phán quyết của bản án sơ thẩm, bị cáo Chu Lập Cơ, Trương Huệ Vân cùng nhiều bị cáo khác đồng loạt có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Ngày 4/5, 23/86 bị cáo đã có đơn kháng cáo trong vụ án Trương Mỹ Lan (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và đồng phạm gây thiệt hại cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) hơn 677.000 tỷ đồng.
Theo đó, bị cáo Chu Lập Cơ (chồng bà Lan), Trương Huệ Vân (cháu bà Lan), Trần Thị Mỹ Dung, Hồ Bửu Phương, Dương Tấn Trước, Nguyễn Cao Trí và 16 bị cáo khác có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Trước đó, bà Trương Mỹ Lan có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Bà chủ Tập đoàn Vạn Thịnh Phát trình bày nhiều nguyên nhân khách quan trong việc tham gia tái cơ cấu SCB dẫn đến có rủi ro, nhưng bị cáo không chiếm đoạt tiền của ngân hàng. Đồng thời, bà cũng đề nghị cấp phúc thẩm xem xét lại các tội danh bị xét xử...
Ngoài các bị cáo, về phía bị hại, SCB cũng kháng cáo đối với bản án tuyên. Bên cạnh đó, một số người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan như Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai, Công ty cổ phần T&H Hạ Long và Công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh có đơn kháng cáo về phần tiền phải trả cho Trương Mỹ Lan.
Trước đó, ngày 11/4, TAND TPHCM đã tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan án tử hình về tội Tham ô tài sản, 20 năm tù về tội Đưa hối lộ và 20 năm tù về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Tổng hợp hình phạt là tử hình đối với bị cáo Lan.
Bị cáo Chu Lập Cơ bị tuyên phạt 9 năm tù, bị cáo Trương Huệ Vân, bị tuyên phạt 17 năm tù
Các bị cáo còn lại, HĐXX tuyên từ 3 năm tù treo đến 20 năm tù. Trong đó, có 17 bị cáo được HĐXX tuyên án treo và trả tự do ngay tại tòa, nếu các bị cáo không bị tạm giam vì tội phạm khác.
Về trách nhiệm dân sự, HĐXX buộc bị cáo Trương Mỹ Lan bồi thường cho SCB hơn 673.800 tỷ đồng, vì bản chất bị cáo sử dụng toàn bộ số tiền này; tuyên bị cáo Lan phải chịu hơn 673 tỷ đồng án phí dân sự sơ thẩm.
Tòa sơ thẩm buộc Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai hoàn trả hơn 2.882 tỷ đồng đã nhận từ bị cáo Trương Mỹ Lan để đảm bảo thi hành nghĩa vụ cho bị cáo Lan.
Đồng thời, tòa tuyên tiếp tục kê biên 475 bất động sản liên quan đến Công ty Quốc Cường Gia Lai để đảm bảo nghĩa vụ của công ty.
Tòa quyết định tiếp tục kê biên, tạm giữ đối với các bất động sản, cổ phần, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sổ tiết kiệm, các tài sản khác của công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đứng tên sở hữu hoặc giao cho các cá nhân đứng tên hộ, của các bị cáo, những người liên quan khác để đảm bảo thi hành án nghĩa vụ tương ứng.
Bên cạnh đó, tòa tuyên tiếp tục kê biên hàng loạt các tài sản có liên quan tới vụ án cũng như kiến nghị làm rõ nhiều nội dung khác.
Mặc dù bị cáo Trương Mỹ Lan không thừa nhận hành vi phạm tội, HĐXX có đủ cơ sở xác định bà Lan đã nắm giữ cổ phần hơn 91,5% của Ngân hàng SCB, nắm quyền chi phối gần như tuyệt đối tại SCB. HĐXX nhận định lời khai của bị cáo Lan và luật sư bào chữa cho rằng bà Lan chỉ nắm 15%, còn lại là của cổ đông nước ngoài và nhờ bạn bè đứng tên là không có căn cứ, không có cơ sở chấp nhận.
Theo HĐXX, các bị cáo bất chấp quy định của pháp luật, thậm chí giải ngân trước, hợp thức hóa hồ sơ sau. Bị cáo Trương Mỹ Lan trở thành người có quyền quyết định cao nhất tại SCB, đủ dấu hiệu về mặt chủ thể có chức vụ, quyền hạn của tội Tham ô tài sản.
Hậu quả do bị cáo Lan và đồng phạm gây ra là đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại đặc biệt lớn với SCB, đẩy nhà băng vào tình trạng mất thanh khoản, gây hoang mang cho khách hàng, người dân. Hành vi của 86 bị cáo mang tính có tổ chức, trong đó Trương Mỹ Lan là chủ mưu, cầm đầu, chỉ đạo hành vi phạm tội.