1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Chợ vũ khí tràn ngập trên mạng: Cả kẻ bán, người mua đều có thể bị truy tố hình sự

(Dân trí) - Theo quy định, các loại công cụ hỗ trợ chỉ được trang bị cho những lực lượng có chức năng. Tuy nhiên, hiện nay việc chào hàng, mua bán các dụng cụ hỗ trợ, vũ khí nguy hiểm lại đang diễn ra hết sức rầm rộ và dễ dàng.

Nguy hiểm hơn, trong một thế giới Facebook có triệu triệu người tham gia, những Public Group (nhóm công cộng), Community (cộng đồng), Company (công ty), Tools/ Equipment (công cụ/ thiết bị)… hiện diện một cách công khai với những Name (tên) khiến ai nhìn thấy cũng không khỏi giật mình: Nơi trao đổi buôn bán mã tấu, đao, kiếm, công cụ hỗ trợ; Mua bán công cụ hỗ trợ; Chuyên bán súng K54, K59, hoa cải và công cụ hỗ trợ… Và, chính sự dễ dàng trong việc mua bán, trao đổi “mặt hàng” này có thể sẽ tạo điều kiện cho tội phạm ngày càng gia tăng ở mức độ nguy hiểm.

Ở đó họ mua bán những gì?



Ở đó họ mua bán những gì?

Một câu hỏi quá dễ dàng để có câu trả lời. Tại các tài khoản Facebook, giới thiệu về mình được bắt đầu bằng lời chào: “Bạn có nhu cầu mua, bán nhưng không biết phải làm sao. Hãy để lại thông tin và số điện thoại, chúng tôi sẽ chủ động liên lạc với các bạn theo một cách an toàn nhất vì việc mua bán này liên quan đến pháp luật”. Đáp lại lời chào là những chủ tài khoản Facebook đưa ra câu hỏi: “Mình mua K54 giá bao nhiêu? Sms (gửi tin nhắn) báo giá, liên hệ 0977914xxx”; “Cần mua K59 hoặc K54, địa chỉ email: phucmanh61@xxx...”; “Súng bắn đạn cao su giá bao nhiêu?”; “Cần mua 1 con dao và 1 khẩu súng K54 giá bao nhiêu?”…

Và tại các tài khoản Facebook nêu trên có từ hàng trăm đến cả chục nghìn người quan tâm, like (thích) và phản hồi. Chưa hết, “ăn theo” các tài khoản có sẵn, không ít “đầu nậu” cũng tiện thể rao bán luôn những thứ mình có với nội dung: “Đang buôn súng K54, súng điện 5.000v, ai cần mua gửi tin nhắn số điện thoại, nhắn số lượng, chủng loại, địa bàn hàng về là Hải Phòng, Quảng Ninh… Nhằm đảm bảo riêng tư và an toàn, lưu ý không để lại thông tin trong phần bình luận, sau khi giao dịch sẽ bẻ sim, xóa Facebook vĩnh viễn nhằm… bịt đầu mối”. Thế là những cuộc trao đổi, mua bán hàng cấm âm thầm diễn ra đằng sau những gì chúng ta có thể nhìn thấy bằng mắt thường trên các giao diện tài khoản Facebook mà việc kiểm soát là vô cùng khó khăn. Có những cuộc “giao dịch” bất thành, người mua thắc mắc thì được kẻ bán hồi tin với nội dung: “Công cụ bạn đang cần chúng tôi chưa đáp ứng được, khi có hàng chúng tôi sẽ liên lạc lại”…

Rời Facebook, vẫn trong địa hạt không gian số Internet, chỉ cần gõ cụm từ “mua bán công cụ hỗ trợ” chỉ trong 0,27 giây cho ra đến cả trăm từ khóa đáp ứng những thông tin về mua bán, trao đổi các công cụ hỗ trợ, vũ khí thô sơ hay chẳng thiếu dụng cụ gì trong diện hàng cấm mua bán, sử dụng như: súng điện, súng bắn đạn cao su, roi điện, dùi cui điện, bình xịt hơi cay, kiếm, đao, mã tấu, dao găm, dao bấm, ba-ton, đèn pin siêu sáng, kèm chức năng chích điện với dòng điện lên đến 2.500Kv gây co giật, có thể nhanh chóng khống chế người đối diện…

Tiếp tục đi sâu tìm hiểu, có rất nhiều loại vũ khí nguy hiểm được sản xuất “nhái” theo các dụng cụ nhân vật trong các bộ phim bạo lực sử dụng để chiến đấu có độ sát thương cao cũng được rao bán như bộ móng vuốt kim loại, “mặt nạ” cầm tay, “tay gấu” (nắm đấm kim loại), kiếm Nhật… Ngoài ra, chỉ từ 1 trang quảng cáo lại tiếp tục kết nối (link) dẫn đến những trang rao vặt khác có nội dung tương tự. Trực tiếp đưa ra yêu cầu vào sms (tin nhắn) của chủ tài khoản để lấy thông tin từ nguồn gốc, xuất xứ, giá cả… thì nhận được phản hồi với giá của các công cụ hỗ trợ thường là “made in China”, có giá không hề rẻ dao động từ vài trăm, vài triệu, thậm chí là vài chục triệu đồng.

Những con số đáng báo động

Bất chấp những quy định cấm, từ các địa chỉ số trên Internet, lan sang các tài khoản Facebook khiến sự dễ dàng trong việc mua bán, trao đổi các loại công cụ hỗ trợ, vũ khí nguy hiểm ít nhiều có thể tạo điều kiện cho tội phạm gia tăng mức độ nguy hiểm. Trực tiếp tìm hiểu những “địa chỉ” cấm này mới thấy rõ sự công khai, thách thức sự cơ quan chức năng trực tiếp là các chủ tài khoản Facebook, sau gián tiếp là những “khách hàng” có nhu cầu (?) Mặt hàng cấm này nói riêng và tình hình tội phạm, các vi phạm pháp luật liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ diễn ra rất phức tạp, tính chất nghiêm trọng là những con số có thật. Trước những diễn biến về việc mua bán công cụ hỗ trợ, vũ khí nguy hiểm tràn ngập trên mạng, năm 2014, theo tổng kết lực lượng cảnh sát cả nước phát hiện bắt giữ 952 vụ, 1.301 đối tượng sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Xảy ra 467 vụ, 560 đối tượng sử dụng trái phép vũ khí, công cụ hỗ trợ làm chết 56 người, bị thương 294 người, trong đó tang vật thu giữ có hàng trăm công cụ hỗ trợ và vũ khí thô sơ. Loại vũ khí, công cụ hỗ trợ tội phạm thường sử dụng gây án bao gồm: các loại súng tự chế, súng bán đạn cay, súng hơi cay, dùi cui điện…

Thực tế hầu hết công cụ hỗ trợ và vũ khí nguy hiểm được các “đầu nậu” bán trôi nổi trên thị trường, hoặc chào bán trên Internet, giờ xuất hiện trên cả trang mạng xã hội Facebook hiện nay có xuất xứ từ Trung Quốc, được nhập lậu qua các đường biên giới tuồn vào nội đô. Trong nhiều năm qua, dưới sự ra quân của Tổ công tác 141 Công an TP Hà Nội tuần tra kiểm soát trên các tuyến đường thuộc TP Hà Nội đã phát hiện, thu giữ hàng nghìn tang vật là các công cụ hỗ trợ và các vũ khí nguy hiểm như dao, kiếm, bình xịt hơi cay, dùi cui… Hầu hết các vụ việc vi phạm về tàng trữ, sử dụng công cụ hỗ trợ đều là các đối tượng, nhóm đối tượng manh động, liều lĩnh, có thái độ bất hợp tác với lực lượng chức năng. Nếu các đối tượng tàng trữ công cụ hỗ trợ không bị ngăn chặn xử lý kịp thời rất có thể những vụ phạm pháp hình sự sẽ xảy ra, hậu quả của nó là khôn lường bởi không có chuyện người dân bình thường lại đi tàng trữ, sử dụng công cụ hỗ trợ trái phép cả. Mặt khác, trên thực tế đã có không ít vụ cướp tài sản, cố ý gây thương tích, chống người thi hành công vụ… xảy ra, và công cụ hỗ trợ là một trong những phương tiện gây án của các đối tượng.

Ngăn chặn từ gốc

Bên cạnh việc kiểm soát, ngăn chặn, xử lý các trường hợp tàng trữ, sử dụng công cụ hỗ trợ, vũ khí thô sơ trái phép tránh gây hậu quả nghiêm trọng, cơ quan chức năng cần phát hiện, chặn đứng “nguồn cung” - ngoài việc kiểm soát kỹ ở những cửa khẩu thì một “cánh cửa” khác là “thị trường… mạng” đang diễn ra tràn lan như hiện nay cũng cần phải được thường xuyên kiểm tra, phát hiện kịp thời đối với các website, các tài khoản Facebook quảng cáo, rao bán công cụ hỗ trợ, vũ khí thô sơ để áp dụng những biện pháp xử phạt nghiêm, qua đó góp phần hạn chế những thứ vũ khí nguy hiểm đến tay những người nguy hiểm.

Khi mà việc mua bán và sử dụng công cụ hỗ trợ vẫn diễn ra dễ dàng, công khai trên mạng Internet và được mở rộng phạm vi sang các trang mạng xã hội thì không ai dám chắc chuyện gì sẽ xảy ra khi gặp phải những đối tượng có sẵn công cụ hỗ trợ trái phép trong tay. Chính vì vậy, Sở Thông tin - Truyền thông các tỉnh thành, Trung tâm Internet Việt Nam cần tiến hành rà soát, gỡ bỏ các website có nội dung quảng cáo, rao bán các loại vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ trái phép. Việc kinh doanh các mặt hàng quân dụng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự ở nhiều hành vi; khi các hộ kinh doanh tự ý mua, bán những sản phẩm này, hoàn toàn có thể truy cứu theo Tội kinh doanh trái phép hoặc Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm. Theo luật sư Chu Mạnh Cường, Trưởng VP Luật sư Danh Chính, Đoàn Luật sư TP Hà Nội nhận định: Dù bất cứ dưới hình thức sử dụng, mua bán nào, đặc biệt là tràn ngập trên mạng Internet, mạng xã hội như hiện nay thì những đối tượng tàng trữ, buôn bán và sử dụng các loại công cụ hỗ trợ trái phép rất cần được pháp luật xử nghiêm để tạo tính răn đe cho xã hội.

Tại Điều 3, Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12 ngày 30-6-2011 quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (có hiệu lực từ ngày 1-1-2012) quy định các loại vũ khí bao gồm: Vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao và các loại vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự. Vũ khí quân dụng gồm: Súng cầm tay hạng nhỏ là vũ khí được thiết kế cho cá nhân sử dụng gồm súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng trung liên và các loại súng khác có tính năng, tác dụng tương tự; vũ khí thô sơ gồm các loại dao găm, kiếm, giáo, mác, lưỡi lê, đao, mã tấu, quả đấm, quả chùy, cung, nỏ. Khoản 1, Điều 3 Nghị định số 47/CP ngày 12-8-1996 quy định rõ: Nghiêm cấm tổ chức và cá nhân sản xuất, sửa chữa, mua, bán, mang ra nước ngoài, mang từ nước ngoài vào, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng, biếu tặng, trao đổi các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trái phép.

Nếu người bán hàng mua trực tiếp từ những đối tượng trộm cắp quân dụng có thể xem xét họ về hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Nếu chỉ là hàng giả, hàng nhái thì có thể xem xét về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả. Người nào tàng trữ trái phéo vũ khí là hành vi trái pháp luật có thể bị khởi tố theo quy định tại Điều 233, Bộ luật Hình sự: Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí thô sơ hoặc công cụ hỗ trợ. Những đối tượng tàng trữ, buôn bán và sử dụng các loại công cụ hỗ trợ trái phép rất cần được pháp luật xử nghiêm, tạo tính răn đe cho xã hội.

Theo Quân Trần
An ninh Thủ đô