Cho thông quan nhiều lô phế liệu, 2 cán bộ Hải quan TPHCM lãnh án
(Dân trí) - Ngày 11/7, TAND TPHCM mở phiên tòa xét xử và tuyên phạt Mai Phước Việt (sinh năm 1970, ngụ quận Tân Phú), Lê Bảo Thành (sinh năm 1983, ngụ quận Bình Thạnh) 3 năm tù treo về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Hai bị cáo này cùng là nguyên cán bộ kiểm hóa thuộc Chi cục Hải quan Cảng Sài Gòn khu vực 4 - Cục Hải quan TPHCM. Theo hồ sơ vụ án, qua công tác nắm tình hình, Cục điều tra chống buôn lậu – Tổng Cục Hải quan phát hiện lô hàng xuất khẩu phi mậu dịch cá nhân theo tờ khai số 97160037690/H21 ngày 23/3/2016 mở tại Chi cục Hải quan Cảng Sài Gòn khu vực 4 mang tên ông L.Q.H. (ngụ quận Bình Tân, TPHCM), hàng hóa khai báo là kệ công nghiệp bằng sắt tháo rời, hàng mới 100%, trọng lượng 22.850 kg, trị giá 21.600 USD, thuế suất 0%.
Hàng hạ tại cảng ICD Transimex để mở tờ khai hải quan, sau đó chuyển qua Cảng Cát Lái để xuất khẩu đi Hàn Quốc. Tờ khai trên đã hoàn tất thủ tục hải quan (đã thông quan). Kiểm tra thực tế lô hàng trên, Cục điều tra chống buôn lậu – Tổng Cục Hải quan phát hiện hàng hóa là đồng phế liệu, trọng lượng 22.710 kg, thuế suất 22%.
Tháng 11/2016, Cục điều tra chống buôn lậu – Tổng Cục Hải quan đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, chuyển hồ sơ sang cơ quan cảnh sát điều tra - Công an TPHCM để điều tra theo thẩm quyền. Theo kết luận định giá tài sản, lô hàng trên trị giá gần 1,8 tỉ đồng.
Mở rộng điều tra, cơ quan chức năng phát hiện trước đó ông L.Q.H. đứng tên mở 13 tờ khai hải quan khác. Tất cả những tờ khai hải quan này đều làm thủ tục thông quan tại Chi cục Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 4 và đã xuất khẩu hàng hóa đi nước ngoài. 13 tờ khai này ghi hàng hóa là trục máy cán thép và kệ công nghiệp bằng sắt, thuế suất 0%; nhưng thực tế là mặt hàng phế liệu đồng và phế liệu kim loại hỗn hợp, có thuế suất 22%. Kết quả xác minh cho thấy hai công chức hải quan tiến hành kiểm hóa và ký thông quan 14 tờ khai là Mai Phước Việt và Lê Bảo Thành.
Ngoài vụ án trên, Cục điều tra chống buôn lậu – Tổng Cục Hải quan cũng phát hiện bà L.T.H. đứng tên mở 7 tờ khai hải quan tại Chi cục Hải quan cảng Sài gòn khu vực 4. Trong đó 1 tờ khai bị tạm giữ, 6 tờ khai đã xuất khẩu. Hàng hóa khai báo trong các tờ khai là trục của máy cán thép và kệ công nghiệp bằng sắt, thuế suất 0%.
Thực tế hàng hóa là phế liệu đồng và phế liệu kim loại hỗn hợp, thuế suất 22%. Tất cả 7 tờ khai này do Mai Phước Việt trực tiếp kiểm hóa, ký thông quan, trong đó có 2 tờ khai kiểm hóa cùng Lê Bảo Thành. Lô hàng bị tạm giữ trị giá gần 1,5 tỉ đồng.
Cơ quan điều tra xác định hai bị cáo Việt, Thành đã không làm đúng nhiệm vụ được giao, gây hậu quả nghiêm trọng, dẫn đến thất thu số tiền thuế hơn 858 triệu đồng.
Đối với Cao Văn Đỏ, Trần Đức Dũng, Ngô Thế Anh, khai đã thực hiện kiểm hóa theo quy định, quá trình điều tra không xác định được trị giá hàng hóa vi phạm và số tiền thất thu thuế cho Ngân sách Nhà nước đối với các lô hàng mang tên Lê Thúy Huỳnh và Lý Quốc Hưng đã xuất khẩu trót lọt. Do đó, không có căn cứ để xử lý đối với các công chức hải quan này.
Đối với Đỗ Tấn Tài là người phân công công chức thực hiện việc kiểm tra hàng hóa. Việc các công chức được phân công thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao, Tài không biết, nên không có căn cứ để xử lý.
Đối với Lê Thúy Huỳnh và Lý Quốc Hưng là người đứng tên mở tờ khai hải quan. Tuy nhiên, quá trình điều tra không có cơ sở xác định Huỳnh và Hưng thực hiện việc mở tờ khai hải quan để xuất khẩu trái phép hàng hóa đi nước ngoài.
Tại phiên tòa, ban đầu các bị cáo cho rằng mình làm đúng theo quy định, tuy nhiên sau khi HĐXX đưa ra nhiều chứng cứ thì các bị cáo mới thừa nhận hành vi thiếu trách nhiệm của mình trong việc thất thu thuế.
Sau khi nghị án, HĐXX nhận định các bị cáo có nhân tốt, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, quá trình công tác đạt được nhiều thành tích, hoàn cảnh gia đình khó khăn. Xét thấy không nhất thiết phải tách các bị cáo ra khỏi xã hội. Từ đó, HĐXX tuyên phạt 2 bị cáo cùng 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo và thời gian thử thách là 5 năm.
Xuân Duy