1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Chiến sỹ an ninh và cuộc đấu trí với những viên đạn bọc đường

Nước da sạm đen vì rám nắng, Thiếu tá Đắc kể cho chúng tôi những lần đấu trí giữa trinh sát an ninh với những kẻ giấu mặt để đưa sự thật các vụ án kinh tế ra ánh sáng.

Một trong số đó phải kể đến việc đấu tranh với hoạt động buôn lậu xăng dầu trên biển do Nguyễn Trường Sơn và đồng bọn thực hiện. Với thành tích này, Thiếu tá Nguyễn Toàn Đắc, cán bộ Phòng An ninh giao thông vận tải, Cục An ninh kinh tế tổng hợp, Tổng cục An ninh (Bộ Công an), một trong những cá nhân điển hình tham dự giao lưu trong dịp 70 năm thành lập lực lượng Công an nhân dân đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba. Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, hành vi phạm tội không chỉ xâm phạm trật tự quản lý kinh tế mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến cơ chế, chính sách của Nhà nước về quản lý tiêu thụ xăng dầu, làm lũng đoạn thị trường giá cả trong nước, làm thiệt hại về thuế nhà nước lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Khoảng năm 2013, Thiếu tá Đắc và đồng đội phát hiện một số đối tượng lợi dụng hoạt động vận tải biển để buôn lậu xăng dầu với quy mô lớn. Nhận thấy đây là hành vi có dấu hiệu phạm tội, nếu không được phát hiện và ngăn chặn kịp thời sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cơ chế, chính sách của nhà nước về quản lý tiêu thụ xăng dầu, làm lũng đoạn thị trường giá cả trong nước, thiệt hại về thuế nhà nước hàng tỷ đồng, anh đã báo cáo lãnh đạo đơn vị lập án đấu tranh.

Thiếu tá Đắc nhớ lại: “Hoạt động buôn lậu của các đối tượng diễn ra ngang nhiên, trắng trợn, gây bức xúc trong dư luận. Ngoài ra, vào thời điểm đó cũng có nhiều thông tin cho rằng, có sự tiếp tay của nước ngoài bán xăng dầu lậu cho Việt Nam với âm mưu phá hoại nền kinh tế nước ta...”. Chính điều đó đã thôi thúc Thiếu tá Đắc cùng đồng đội quyết tâm đưa sự thật vụ án ra ánh sáng.

Những ngày chuyên án được xác lập cũng là quãng thời gian Thiếu tá Đắc cùng đồng đội lặn lộn ở địa bàn. Sau nhiều tháng dầm mưa, dãi nắng, anh cùng đồng đội bước đầu xác định được hoạt động của Công ty Hoàng Sơn, địa chỉ số 9 Triệu Quốc Đạt, thành phố Thanh Hóa. Các đối tượng buôn lậu sử dụng tàu biển có tải trọng lớn để mua dầu ở nước ngoài, vận chuyển về Việt Nam tiêu thụ, số lượng xăng dầu do các tàu này vận chuyển về Việt Nam khoảng 2 chuyến/tháng, trọng lượng từ 5.000 - 10.000 tấn.

Thiếu tá Nguyễn Toàn Đắc.
Thiếu tá Nguyễn Toàn Đắc.

Thiếu tá Đắc cho biết: Nguyễn Trường Sơn và Nguyễn Thanh Phương mua dầu lậu của các đối tượng người nước ngoài. Sau khi đã thống nhất số lượng, chủng loại và giá, Sơn và Phương chuyển tiền và tổ chức giao, nhận hàng trên biển theo một tọa độ đã định trước. Để đối phó cơ quan chức năng, che giấu hành vi phạm tội, hai vợ chồng Sơn - Phương đã thành lập thêm Công ty TNHH Thương mại và Vận tải xăng dầu An Bình và thuê Hoàng Kiếm Bình làm giám đốc với nhiệm vụ là điều các tàu đi nhận hàng.

Tiến hành giao dịch, các đối tượng sử dụng 1 tàu có trọng tải 5.300 tấn và 1 tàu quốc tịch nước ngoài để vận chuyển về Việt Nam mỗi lần khoảng 2.000 - 5.000 tấn xăng hoặc dầu. Mỗi tháng trung bình mua và vận chuyển khoảng 2 chuyến. Tàu hàng được neo đậu tại vùng biển giáp ranh giữa Nam Định và Thanh Hóa. Rồi từ đó, hàng được chuyển tải lên các tàu con vào bờ.

Sau đó, được đối tượng Phương hợp thức hóa chứng từ xuất bán cho các công ty tại các tỉnh như Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên, Nghệ An để trốn thuế. Theo ước tính của cơ quan an ninh, trung bình 1 tháng nhóm đối tượng trên nhập lậu vào thị trường nội địa khoảng 5 đến 10 nghìn tấn xăng dầu.

Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự; quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh tạm giam trong thời hạn 4 tháng đối với các đối tượng: Nguyễn Trường Sơn, Nguyễn Thanh Phương, Nguyễn Ngọc Châu và Nguyễn Văn Tha về tội buôn lậu. Riêng đối tượng Hoàng Kiếm Bình do không có mặt tại địa phương nên đã ra quyết định truy nã và phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ và Công an Thanh Hóa tiến hành truy bắt...

Thiếu tá Đắc nhớ lại: Để nắm chắc quy luật hoạt động của nhóm đối tượng buôn lậu, anh cùng đồng đội có mặt trên những chuyến tàu, khu vực Cửa Hới - Thanh Hóa để khảo sát luồng lạch nơi các đối tượng di chuyển tàu con ra nhận hàng, bí mật giám sát việc giao nhận xăng dầu trên biển. Rồi kế đó là tìm hiểu kỹ lưỡng phương thức hoạt động giao nhận hàng cũng như các phương thức che giấu cơ quan chức năng hoặc chống lại cơ quan chức năng khi bị phát hiện.

Thiếu tá Đắc cùng đồng đội chẳng thể quên những ngày thuê nhà dân ngay sát mép bờ sông, bí mật nắm bắt quy luật hoạt động của các thủy thủ, nhân viên kho hàng của Công ty Hoàng Sơn. Trong những tình huống nghiệp vụ ấy, Thiếu tá Đắc luôn thể hiện bản lĩnh của một trinh sát an ninh, mưu trí đối mặt với tội phạm. Đó là sự linh hoạt của người trinh sát trong những tình huống nghiệp vụ, luôn giành thế chủ động trong từng tình huống.

Vụ án khám phá thành công, không chỉ làm rõ hành vi buôn lậu xăng dầu của Nguyễn Trường Sơn, giúp các cơ quan bảo vệ pháp luật xử lý đúng người, đúng tội mà còn thu hồi cho nhà nước hàng trăm tỷ đồng tiền trốn thuế qua hoạt động tiêu thụ xăng dầu, trấn áp được các đối tượng buôn lậu xăng dầu quy mô lớn khác, ổn định thị trường tiêu thụ xăng dầu trong nước.

Thiếu tá Nguyễn Toàn Đắc là con nhà nòi (bố anh cũng là cán bộ đang công tác tại Công an tỉnh Hà Nam). Cũng vì thế mà có lẽ cái máu nghề nghiệp ngấm vào anh từ lúc nào không hay. Sau khi tốt nghiệp Học viện An ninh nhân dân, Thiếu tá Đắc chuyển công tác từ Phòng An ninh kinh tế Công an tỉnh Hà Nam về Cục An ninh kinh tế tổng hợp.

Lĩnh vực anh được giao phụ trách là nắm tình hình an ninh kinh tế, an ninh nội bộ trên lĩnh vực hàng hải, một mảng hoàn toàn mới, với một khối lượng công việc đồ sộ. Vừa làm, vừa học hỏi, Thiếu tá Đắc cùng đồng đội đã có mặt ở khắp các tỉnh của dải đất hình chữ S thân yêu. Từ sự bỡ ngỡ ban đầu, những kiến thức về hàng hải đã dần trở nên quen thuộc.

Trong những năm qua, Thiếu tá Đắc cùng đồng đội đã tham gia rất nhiều vụ án, góp phần cùng đơn vị giữ vững an ninh kinh tế. Kỷ niệm qua từng vụ án rất nhiều nhưng anh ấn tượng nhất việc điều tra vụ án xảy ra tại Công ty Hải Thuận, do Trần Hữu Trung làm giám đốc. Đối tượng này ký hợp đồng kinh tế trị giá 58 tỷ đồng với một doanh nghiệp nhà nước để thực hiện dự án đóng 2 tàu vận tải. Nhưng sau khi có tiền, Trung không thực hiện dự án mà lấy toàn bộ số tiền trên để thực hiện mục đích cá nhân. Khi phát hiện sự việc, Thiếu tá Đắc đã tỉ mỉ xác minh, làm rõ hành vi lừa đảo của đối tượng này. Sau khi nhận tiền, Trung chuyển khoản cho một cá nhân khác.

Thiếu tá Đắc nhớ lại: Vụ án khó khăn không kể xiết. Cái khó nhất là phải chứng minh, làm rõ được những sai phạm của các cá nhân và tập thể, trong đó có cả ngân hàng. Theo quy định, sau khi nhận tiền, ngân hàng phải phong tỏa và đứng ra bảo lãnh nhưng một cán bộ ở trong đó lại câu kết với doanh nghiệp, thực hiện hành vi lừa đảo.

Hay lần bắt giữ đối tượng Đỗ Đình Côn ở Nam Định, nguyên kế toán trưởng Công ty TNHH Hoàng Anh Vinashin. Khoảng 24 giờ hôm đó, Thiếu tá Đắc nhận lệnh của lãnh đạo đơn vị xác minh địa chỉ của Côn, phục vụ cho việc bắt giữ đối tượng vào sáng hôm sau. Đó là những ngày mùa đông miền Bắc chìm trong những đợt không khí lạnh kéo dài. Giữa đêm khuya, một mình một xe, Thiếu tá Đắc lao vào bóng đêm dày đặc. Gió đông hun hút, những con đường liên thôn, liên xã tịnh không một bóng người qua lại. Khi anh xác định được danh tính của đối tượng thì trời đã gần sáng.

Lặng lẽ cống hiến, những ngày này Thiếu tá Đắc cùng đồng đội tiếp tục có mặt trên khắp các tuyến đường, góp phần cùng đồng đội giữ vững an ninh trên lĩnh vực mình phụ trách.

Theo Xuân Mai

Cảnh sát toàn cầu