Chi cục thuế quận 3 “giúp” Hứa Thị Phấn trốn thuế hơn 177 tỉ đồng?
(Dân trí) - Có 2 cách để tính thuế trong thương vụ bà Phấn bán căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch cho ngân hàng Đại Tín. Theo cách thứ nhất, bà Phấn phải đóng 202,4 tỉ đồng tiền thuế, cách thứ 2 thì chỉ đóng 25,2 tỉ đồng. Chi cục thuế Quận 3 đã tính thuế cho bà Phấn theo cách thứ 2.
Ngày 11/5, TAND TPHCM tiếp tục thẩm vấn về hành vi sai phạm của bị cáo Hứa Thị Phấn (cố vấn cấp cao của ngân hàng Đại Tín - Trustbank) và đồng phạm về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, cố ý làm trái... trong việc nâng khống giá trị căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch từ khoảng 154 tỉ đồng lên 1.260 tỉ đồng, gây thiệt hại cho Trustbank hơn 1.105 tỉ đồng.
Quá trình thẩm vấn, 7/9 bị cáo liên quan đến hành vi phạm tội trên đều thừa nhận có sai phạm, nhưng cùng trình bày lý do là làm theo chỉ đạo của bị cáo Hứa Thị Phấn, hoặc theo chỉ đạo của cấp trên là các nguyên lãnh đạo Trustbank. 2 bị cáo còn lại là Hứa Thị Phấn vắng mặt tại phiên xử, bị cáo Bùi Thị Kim Loan (nguyên kế toán công ty TNHH Phú Mỹ, trợ thủ đắc lực của Hứa Thị Phấn) chưa được HĐXX thẩm vấn.
Về hiện trạng căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch, đại diện ngân hàng thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam (CB Bank) cho biết, sau khi Phạm Công Danh mua TrustBank, đổi tên thành ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB), thì nhận quyền quản lý căn nhà. Khi ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua VNCB với giá 0 đồng, đổi tên thành CB Bank cho đến nay, căn nhà do CB Bank quản lý và sử dụng.
Tại tòa, bị án Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc VNCB) cho biết: khi VNCB tiếp nhận Trustbank, do ngân hàng mất thanh khoản nên VNCB đã định giá lại tài sản này nhằm mục đích bán. Dù định giá căn nhà chỉ 160 tỉ đồng nhưng vẫn không bán được.
Cáo trạng xác định bà Hứa Thị Phấn mua căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch từ công ty Lam Giang với giá 450 tỉ đồng và bán lại cho ngân hàng Đại Tín với giá 1.260 tỉ đồng. Thương vụ này, Hứa Thị Phấn đã nộp 25,2 tỉ đồng tiền thuế. Tuy nhiên, theo cơ quan chức năng, bà Phấn đã kê khai nộp thuế sai lệnh, số tiền thuế phải nộp đối với thương vụ kể trên là 202,4 tỉ đồng, tức chênh lệch hơn 177 tỉ đồng.
Trả lời HĐXX, đại diện Chi cục thuế Quận 3 cho rằng thuế bà Phấn đóng là thuế thu nhập cá nhân từ việc chuyển nhượng bất động sản. Có 2 cách tính thuế: thứ nhất là tính thuế suất 25% trên chênh lệch giữa giá chuyển nhượng và giá vốn; thứ 2 là tính thuế suất 2 % trên giá chuyển nhượng so với giá nhà nước.
Vị này lý giải sau khi được hướng dẫn nếu người nộp thuế cung cấp đầy đủ các hóa đơn, chứng từ theo quy định để xác định giá vốn và có đơn yêu cầu áp dụng tính thuế theo cách thứ nhất thì mới áp dụng. Còn trường hợp không xác định được giá vốn, không có đề nghị của người nộp thuế thì tính theo cách thứ 2 (tức là 2% trên giá chuyển nhượng).
Khi HĐXX truy vấn về việc Chi cục thuế Quận 3 đã yêu cầu bà Phấn cung cấp chứng cứ gì để chứng minh giá vốn thì vị này không chỉ ra được.
Theo đại diện Chi cục thuế Quận 3, lý do áp dụng cách tính 2% là do đương sự không nộp hóa đơn chi phí khác, vị này cũng không chỉ ra được đó là những chi phí gì. Trong khi đó, HĐXX cho rằng ngoài phí công chứng thì không còn chi phí nào khác.
"HĐXX làm bài tính rất đơn giản Chi cục thuế Quận 3 tính thuế theo cách 2 đã làm lợi cho bị cáo Hứa Thị Phấn gần 200 tỉ đồng vì giá bà Phấn nhận chuyển nhượng từ công ty Lam Giang chỉ 450 tỉ" - chủ tọa phiên tòa nói.
Đồng thời, thẩm phán Toản cũng cho rằng chi cục thuế có nghĩa vụ phải thu thuế cho nhà nước chứ không phải đợi người nộp thuế đề nghị, vì người nộp thếu thường có tâm lý muốn trốn thuế nhà nước.
Tuy nhiên, đại diện Chi cục thuế Quận 3 vẫn giữ nguyên quan điểm đã thu thuế đúng quy định.
Liên quan đến khoản thuế này, hồ sơ vụ án thể hiện, theo giám định thuế của Bộ Tài chính ngày 27/2/2015, số thuế TNCN bị cáo Phấn đã kê khai nộp đối với việc chuyển nhượng căn nhà có sai lệch. Cụ thể, số thuế TNCN bị cáo kê khai nộp là 25,2 tỉ đồng, nhưng số thuế qua giám định phải nộp là cao hơn mức trên 177 tỉ đồng.
Xuân Duy