1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Chỉ có sạp báo vẫn lừa được hàng trăm tỷ đồng

Chỉ ở nhà quanh quẩn bên sạp báo nhưng Nhã vẫn “hạ gục” nhiều người giàu có với tổng số tiền chiếm đoạt hơn trăm tỷ đồng. Khi tận tai nghe từng lời khai của “nữ quái”, các bị hại mới cay đắng “ngộ” ra mình bị đưa vào kế hoạch lừa đảo từ lâu mà không hề hay biết.

Nguyễn Thị Nhã thực sự là “cao thủ” lừa đảo

Nguyễn Thị Nhã thực sự là “cao thủ” lừa đảo

Nhận làm con nuôi để giăng “bẫy”

Ngày 30-9, Nguyễn Thị Nhã (SN 1985, trú ở tổ 1, phường Hoa Lư, TP Pleiku, Gia Lai) bị đưa ra Tòa án Hà Nội xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Trái ngược với khoản tiền đặc biệt lớn cũng như thủ đoạn lừa đảo rất tinh vi, bị cáo lại có bề ngoài khá quê mùa. Một trong 7 bị hại đáng nói nhất của vụ án là bà Hồ Thị Minh P, trú ở phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy.

Sau vài năm thuê nhà tại địa chỉ số 4, ngõ 381/47 phố Nguyễn Khang để mở sạp bán báo lấy tiền ăn học, Nhã dần lấy được cảm tình của bà P, người hàng xóm tốt bụng. Viện lý do xa gia đình, hàng ngày, cứ lúc nào rảnh rỗi, đối tượng lại tâm sự với bà P. Khi nhận thấy người phụ nữ này nhất mực yêu thường mình, Nhã liền nhấn thêm một bước nữa nhận bà P làm mẹ nuôi.

Năm 2010, đối tượng dần “bập” sâu vào tệ nạn lô đề và lâm vào  cảnh túng thiếu triền miên. Tiền lời, rồi cả tiền gốc bỏ ra mở sạp báo, Nhã dần “nướng” hết vào trò “đỏ đen”. Kể từ đó, Nhã bắt đầu thực hiện một kế hoạch lừa đảo rất tinh vi mà người đầu tiên đối tượng cho “dính bẫy” chính là bà P.

Khi ấy, Nhã vờ cho bà P góp vốn kinh doanh các sản phẩm về báo chí với lãi suất cực kỳ hấp dẫn, cứ bỏ ra 100 triệu đồng thì cuối tháng sẽ có 4 triệu đồng tiền lãi. Những tháng đầu, Nhã đều trả lãi cho mẹ nuôi sòng phẳng. Tuy nhiên, thực tế  không hề có lợi nhuận kếch xù như vậy.

Để che giấu sự không bình thường, Nhã lấy chính tiền vốn mà mẹ nuôi cung ứng để đập vào tiền lãi hàng tháng. Vì thế, trong thời gian đầu góp vốn với con nuôi (từ tháng 10-2010 đến tháng 5-2012), bà P đã giao cho Nhã hơn 1 tỷ đồng để được nhận lại tiền lãi hậu hĩnh. Sau đó, Nhã lấy lý do mở rộng kinh doanh sang buôn bán thẻ điện thoại và thẻ game để “dụ” mẹ nuôi tiếp tục bơm tiền kinh doanh.

Điều lạ là mặc dù chẳng thấy con nuôi buôn bán ồn ào gì, song bà P vẫn đưa thêm tiền cho Nhã để nay lấy lô thẻ điện thoại của hãng này, mai lấy lô thẻ điện thoại hãng khác. Sau cùng khi nhận ra bị con nuôi cho “leo cây” vào cuối năm 2012, bà P đã giao cho “nữ quái” hơn 8,5 tỷ đồng. Đau đớn hơn, bà P còn huy động thêm 850 triệu đồng của người quen để giao cho con nuôi làm ăn, nhưng cũng mất hút.

“Muốn bắt phải thả”

Cùng thời điểm “hạ gục” mẹ nuôi, đối tượng còn cho cả con gái ruột của bà P tên Lê Thị Kiều T, ở phường Thành Công, quận Ba Đình “sập bẫy” với tổng số tiền bị lừa lên đến gần 28 tỷ đồng. Cụ thể, lấy lý do là chị em nuôi, Nhã tiết lộ cho chị T biết về  lợi nhuận cực lớn trong kinh doanh thẻ điện thoại. Theo đó, đối với các lô hàng là thẻ điện thoại Mobiphone,            Vinaphone và Viettel có mệnh giá 100.000 đồng, nhưng khi mua chỉ phải bỏ ra giá 88.000 đồng và sẽ bán với giá từ 94.000 – 95.000 đồng. Còn với thẻ game, mặc dù ấn định giá trị sử dụng là 150.000 đồng, nhưng mua chỉ mất 100.000 đồng và sẽ bán được 120.000 đồng.

Để chiếm đoạt được tiền của chị nuôi, Nhã cam kết cứ sau 10 ngày xuất vốn, chị T sẽ nhận về cả gốc lẫn lãi đầy đủ. Và thực tế, trong 3 lần đầu góp hơn 3 tỷ đồng (giữa năm 2012), chị T đều nhận được  lợi ích đúng như lời Nhã cam kết. Sau những lần làm ăn ấy, chị T hoàn toàn bị thuyết phục về khả năng làm ăn của em gái nuôi.

Vì thế, tính đến cuối năm 2012, chị T đã giao cho Nhã tổng cộng 21,9 tỷ đồng. Trong quá trình góp vốn cho Nhã, chị T thấy việc kinh doanh “phát đạt” nên rủ thêm bạn là chị Trần Thị Thúy Th, ở phường Văn Chương, Đống Đa góp 6 tỷ đồng nữa.

Tại tòa, bị cáo khai thực tế không có bất kỳ lô hàng thẻ điện thoại nào được đem ra mua bán. Để các bị hại tin là thật, đối tượng luôn dùng tiền của người này trả cho người kia vào đúng hạn. Chưa hết, nhằm củng cố thêm độ tin cậy, thỉnh thoảng Nhã lại đến một số cửa hàng điện tử mua sắm tivi, tủ lạnh và cả xe máy cho người góp vốn với lý do công ty phát hành thẻ tặng quà vì mua hàng số lượng lớn.

Mặt khác, Nhã còn rêu rao, sở dĩ có được mối làm ăn béo bở ấy là do đối tượng có “cái ô” rất to trong Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam. Đối với một số người quen  không hứng thú với việc góp vốn, Nhã quay sang hỏi vay tiền và hứa trả lãi cao tới 30% theo chu kỳ vay, thông thường là 10 ngày.

Bằng thủ đoạn đó, từ giữa năm 2010 đến cuối năm 2012, Nhã đã lừa đảo chiếm đoạt được hơn 100 tỷ đồng của 7 bị hại. Về số tiền lừa đảo, bị cáo khai đã “nướng” gần hết vào lô đề, số còn lại dùng vào việc trả lãi cho những người góp vốn hoặc vay mượn.

Quá trình xét xử, Tòa án Hà Nội khẳng định tuy bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ và thành khẩn khai báo, song do số tiền chiếm đoạt đặc biệt lớn, chưa khắc phục hậu quả nên cần phải áp dụng mức án cao nhất trong tội lừa đảo. Từ đó, HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội tuyên phạt Nguyễn Thị Nhã tù chung thân.

Theo Trịnh Tuyến
An ninh thủ đô