1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

TP.HCM:

Cảnh sát đặc nhiệm: Tuần tra 24/24 giờ

Công an TP.HCM đang tổ chức và “xốc” lại lực lượng cảnh sát đặc nhiệm để trấn áp tội phạm

Gần đây, liên tục xảy ra nhiều vụ cướp, cướp giật táo tợn gây bất an trong xã hội và đời sống người dân. Có rất nhiều nguyên nhân đưa đến hệ quả này nhưng trong đó có lý do là công tác phòng ngừa, trấn áp loại tội phạm này của công an chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Cuộc sống thay đổi, công tác phòng, chống tội phạm cũng phải đổi thay cho phù hợp. Vì vậy, nhiều người đặt vấn đề cần tổ chức lại lực lượng hình sự đặc nhiệm để đủ sức đẩy lùi nạn cướp, cướp giật đang lộng hành.

Tại TP.HCM, bọn cướp, cướp giật từng run rẩy khi nghe đến lực lượng săn bắt cướp (SBC), những “người hùng” tạo được dấu ấn tốt trong lòng người dân suốt thời gian dài. Sau này TP không còn SBC mà thay vào đó là Đội cảnh sát hình sự đặc nhiệm (HSĐN) để phòng, chống loại tội phạm này. Tuy nhiên, thời gian gần đây bọn cướp, cướp giật lại lộng hành nên nhiều người đặt câu hỏi: Phải chăng HSĐN chưa đủ sức làm chúng… sợ?

Trinh sát HSĐN chuẩn bị tuần tra đường phố về đêm. Ảnh: TR.DUNG
Trinh sát HSĐN chuẩn bị tuần tra đường phố về đêm. Ảnh: TR.DUNG

Lực lượng tinh nhuệ

Hiện Công an TP.HCM cũng tổ chức nhiều lực lượng khác có nhiệm vụ tuần tra, phòng chống tội phạm như cảnh sát 113, cảnh sát cơ động… Tuy nhiên, hoạt động trấn áp tội phạm đường phố của lực lượng này hiệu quả chưa cao mà thường tập trung vào việc xử phạt vi phạm hành chính, vi phạm trật tự an toàn giao thông.

Tháng 4-2008, Đội cảnh sát HSĐN thuộc Phòng CSĐT tội phạm về TTXH (PC45) Công an TP.HCM chính thức ra mắt. Theo công bố, thành phần nòng cốt của đội là các cán bộ, chiến sĩ của Đội phòng, chống cướp giật đường phố.

Theo đó, chức năng của Đội HSĐN là tuần tra 24/24 giờ, truy bắt tội phạm vừa gây án, đồng thời xác lập chuyên án đối với những băng nhóm tội phạm có tổ chức nguy hiểm, cướp giật, cướp có vũ khí với phương châm là “chặn bắt tội phạm tốt hơn là đuổi bắt” nhằm đảm bảo an toàn cho người dân... Mỗi cảnh sát HSĐN được cấp một thẻ đặc biệt để xuất trình khi làm nhiệm vụ và họ được kiểm tra, câu lưu kẻ tình nghi.

Theo Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TP.HCM, Đội HSĐN kế thừa nhưng không phải là “bản sao” của SBC trước đây. Các trinh sát HSĐN là những cán bộ tinh nhuệ, hành động bí mật, bất ngờ, được nổ súng khi cần.

Sau khi thành lập, đội đã bắt giữ được hàng trăm tên cướp, tội phạm đường phố, tội phạm ma túy; khám phá nhiều vụ án lớn, phức tạp. Như trong vụ khám phá băng nhóm ba người dùng súng cướp tiệm vàng Anh Sang ở Nhà Bè tháng 8-2008, các trinh sát đã mất nhiều ngày đêm mai phục, lặn lội ở nhiều tỉnh, thành miền Tây, sang cả Campuchia… để bắt kẻ gây án; HSĐN đã triệt phá băng Đạt “trắng” chém người ở phường 13, quận Tân Bình; phối hợp Công an quận Bình Thạnh phá băng cướp dùng mũ bảo hiểm tấn công nạn nhân cướp xe máy, lập chuyên án triệt phá băng nhóm người Indonesia rải đinh đâm thủng vỏ xe ô tô để trộm (tháng 6-2009)…

Sau hai năm thành lập, Đội HSĐN đã được tặng thưởng huân chương Chiến công do Chủ tịch nước trao tặng (4-2010) và Thượng tá Trần Văn Ngọc (lúc đó là trung tá) - Phó Trưởng phòng PC45, từng là đội trưởng HSĐN, được Thủ tướng tặng bằng khen.

Quân mỏng, chưa bao quát hết

Sau năm 2010, tội phạm cướp, cướp giật tại TP.HCM diễn biến phức tạp vì nhiều lý do, trong đó có nhiều người sau khi cai nghiện tập trung về tiếp tục đi gây án. Cùng thời điểm này, quân số Đội HSĐN lại ít, chưa bao trùm được toàn địa bàn TP.HCM, nhất là những địa bàn ngoại ô.

Khi đi tìm câu trả lời: Vì sao hoạt động HSĐN lại chùng xuống như vậy? Nhiều cảnh sát đặc nhiệm giãi bày: Họ không ngại đối diện với nguy hiểm rình rập mà họ thấy “chạnh lòng” với mức thu nhập hiện nay nên chưa thực sự yên tâm công tác.

Trong khi cuộc sống ngày càng khó khăn, vật giá leo thang thì ngoài lương căn bản họ chỉ được phụ cấp thêm vài trăm ngàn đồng/tháng. Có nhiều lúc lãnh lương, thưởng ra chỉ đủ trả nợ cho những chi phí khi đeo bám người tình nghi, ăn bờ ngủ bụi.

Ba kẻ cướp giật ở quận 10 bị trinh sát HSĐN bắt giữ. Ảnh: H.TUYẾT
Ba kẻ cướp giật ở quận 10 bị trinh sát HSĐN bắt giữ. Ảnh: H.TUYẾT

Một trinh sát cho biết chuyện khôi hài là không có tiền để đầu tư cho xe để đua tốc độ với bọn cướp. “Tội phạm hiện nay toàn sử dụng xe “độ” để đi gây án. Khi cướp được tài sản, chúng lại dùng tiền đi cướp được để tân trang xe. Còn xe trinh sát thì không có tiêu chuẩn “độ xe” nên rất khó khi “đua tốc độ” với tội phạm. Các anh em trong đội vẫn rất tâm huyết với trọng trách, cố gắng hoàn thành các nhiệm vụ được giao nhưng khó khăn cũng làm anh em chùng lòng” - một trinh sát tâm sự.

Xốc lại hoạt động HSĐN

Trước nạn cướp, cướp giật diễn biến phức tạp, Công an TP.HCM đã lên kế hoạch, “tuyên chiến” với tội phạm đường phố. Bước đầu, HSĐN đã bắt giữ nhiều băng nhóm tội phạm nguy hiểm, chặn đứng nhiều băng nhóm tội phạm khi chúng chưa kịp gây án…

Sau khi Công an TP.HCM lên kế hoạch, hàng loạt vụ án gây bức xúc trong dư luận được HSĐN phá thành công. Trong vụ án cướp giật táo tợn ở cầu Sài Gòn mà ống kính của người đi đường ghi lại, HSĐN đã truy bắt hai kẻ gây án sau hơn một tháng truy tìm, giải tỏa bức xúc của dư luận.

Cùng với đó, các trinh sát HSĐN ngày đêm “cày nát” các tuyến đường, liên tục triệt phá nhiều băng nhóm cướp giật, tội phạm nguy hiểm trên đường phố, có ngày bắt hàng chục tên tội phạm nghiện ma túy liều lĩnh, sẵn sàng chống lại cảnh sát; chặn bắt một băng nhóm tám người chuyên dàn cảnh quẹt xe để trộm cắp trên các tuyến đường…

Gần đây, Phòng PC45 triển khai kế hoạch “phòng, chống tội phạm xâm phạm sở hữu tài sản trên đường phố và nơi công cộng” mà Đội HSĐN là nòng cốt. Chỉ trong đêm 16 rạng sáng 17-12, HSĐN kết hợp cùng Công an quận Thủ Đức đã chặn bắt bốn người chuẩn bị đi cướp. Khi chặn bắt bốn người này, bọn chúng đã dùng bình xịt hơi cay chống trả... Lực lượng phối hợp này cũng chặn đứng một băng nhóm bốn người mang mã tấu chuẩn bị “huyết chiến” với một nhóm khác...

Tiêu điểm

Nhiều người đề nghị phục hồi mô hình săn bắt cướp ở TP.HCM như trước đây vì hoạt động hiệu quả, tạo được dấu ấn trong lòng người dân. Thực tế là mô hình SBC vẫn đang tồn tại với tên gọi cảnh sát đặc nhiệm hình sự và lực lượng này kế thừa tất cả những ưu điểm của lực lượng SBC. Hiện TP.HCM đang từng bước tổ chức lại, phát huy khả năng của HSĐN để hoạt động hiệu quả hơn.

Thiếu tướng PHAN ANH MINH, Phó Giám đốc Công an TP.HCM

 

Theo HOÀNG TUYẾT
PLHCM