1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Tây Ninh:

Cảnh giác với những chiêu lừa ở vùng quê

(Dân trí) – Thời gian gần đây tại nhiều vùng quê trên địa bàn tỉnh Tây Ninh liên tục xảy ra các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng nhiều hình thức như: giả thua độ lừa tiệm cầm đồ, giả "đại gia" lừa tiền phụ nữ, rồi cả giả sư đi lừa tiền...

Giả thua độ lừa tiệm cầm đồ

Bắt đầu từ tháng 3/2013, các tiệm cầm đồ tại Tây Ninh liên tục trình báo về việc cầm nhầm rất nhiều điện thoại iPhone giả. Các đối tượng lừa đảo thường tổ chức thành từng nhóm nhỏ chừng 3, 4 người đến tiệm cầm đồ mà chúng đã chọn để cầm điện thoại iPhone với lý do đá gà bị thua, cần tiền gấp để trả.

Một lúc sau, chúng quay trở lại chuộc đồ, nói là mới thắng cược đá gà nên có tiền. Chuộc đồ xong, nhóm này đi được một lúc lại quay trở lại. Lần này, chúng dẫn thêm một người khác đến tiệm để cầm điện thoại, lấy tiền đá gà. Điệp khúc này cứ lặp đi lặp lại nhiều lần và lần sau thường là nhóm này dẫn thêm người mới. Điện thoại iPhone mà chúng cầm trong những lần này đều là điện thoại thật, để chủ tiệm kiểm tra kỹ càng.

Lê Văn Bông, một trong những đối tượng cầm đầu của băng nhóm lừa đảo này
Lê Văn Bông, một trong những đối tượng cầm đầu của băng nhóm lừa đảo này

Khi thấy chủ tiệm đã quá quen với việc này, chờ đến cuối giờ chiều, cả nhóm hơn 10 người sẽ tập trung về tiệm và nhờ cầm nhiều điện thoại iPhone cùng lúc (thường là hơn 10 cái). Sau đó, lấy lý do là điện thoại giá trị cao, trời lại sắp tối, chúng yêu cầu niêm phong bảo quản trước khi cầm. Sau khi để cho chủ tiệm kiểm tra máy, nhóm này lấy lại và tự niêm phong bằng cách quấn băng keo xung quanh và ký tên vào. Trong quá trình này, chúng đánh tráo các điện thoại iPhone thật bằng điện thoại giả.

Giả “đại gia” lừa tiền phụ nữ

Từ năm 2012, một băng nhóm lừa đảo gồm 8 đối tượng (6 nam, 2 nữ) do Đỗ Thị Bé Năm cầm đầu đã tổ chức nhiều màn diễn ngoạn mục nhằm lừa đảo những phụ nữ độc thân, thôi chồng hoặc hôn nhân đang trục trặc, có nhiều tiền, vàng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đã bị triệt phá.

Khi tìm được số điện thoại của “con mồi”, Bé Năm sẽ giả vờ gọi đến rồi bảo nhầm số, từ đó lấy cớ gọi trò truyện, hỏi thăm hoàn cảnh với con mồi. Sau đó, Bé Năm chủ động hẹn “con mồi” đi uống cà phê rồi giả như tình cờ giới thiệu các “đại gia” (là thành viên nam trong nhóm giả dạng) cho “con mồi” làm quen. Chúng thường giới thiệu là người giàu có, làm nghề cho mượn tiền góp, thầu độ đá banh, ghi đề…

Sau khi làm quen xong, các đại gia “rởm” trên tán tỉnh, đưa “con mồi” đi ăn uống, mua sắm… để tạo lòng tin. Sau đó, lựa dịp đi chơi chung, các “đại gia” chở “con mồi” vào một căn nhà khang trang mà chúng thuê sẵn để tạo màn kịch đánh bài. Tại đây, đồng bọn của chúng sẽ ngồi đánh bài cùng vị “đại gia” và “đại gia” giả vờ thu hết tiền rồi quay sang “con mồi” mượn tiền để chơi tiếp.

Hết tiền thì vị “đại gia” này mượn đến trang sức và các tài sản có giá trị khác. Sau khi lột sạch tài sản của nạn nhân, bọn chúng tìm cớ giải tán đám bạc rồi trốn mất, để lại “con mồi” trong căn nhà thuê.

Giả sư đi lừa tiền nhà khá giả

Mấy ngày gần đây, ở huyện Tân Châu xuất hiện một nhà sư mặc áo cà sa, đầu để trần, đi chân đất, tay cầm bình bát lân la đến các cửa hàng hoặc những gia đình buôn bán khá giả để vận động đóng góp tiền xây chùa. Vị sư này tự xưng pháp danh Thích Thiện Tài, tự là Minh Đạo. Nhiều người cả tin đã đóng góp tiền cho vị sư này.

Tuy nhiên, nhiều người dân thấy nghi ngờ vì khi đến nhà dân hóa duyên thì vị sư này đi lại khoan thai, chậm chạp, nói năng nhẹ nhàng. Còn trong các ngõ vắng thì vị sư lại đi rất nhanh, tư thế không đàng hoàng. Có lúc lại thấy vị sư này trốn vào vườn cao su…

Thấy lạ, người dân đã trình báo công an. Khi Công an xã Tân Thành (huyện Tân Châu) mời nhà sư này lên làm việc thì nhà sư này khai tên là Thạch Ngọc Hùng và không có giấy tờ gì chứng minh mình là người tu hành. Khi Công an xã liên hệ với chính quyền địa phương Hùng thường trú thì địa phương cho biết Hùng không tu hành gì cả, là đối tượng lười lao động, cờ bạc, rượu chè và lừa đảo.

Tuyết Nhung - Tùng Nguyên