TP.HCM
Cảnh giác với chiêu lừa bán iPhone “xịn” giá “bèo”
(Dân trí) - Với chiêu thức vừa nhặt được chiếc iPhone mà không biết sử dụng nên nhờ người khác tắt nguồn dùm, sau đó gạ bán luôn món đồ vừa nhặt được cho người đó với giá “bèo”. “Ham của rẻ” hàng chục nạn nhân đã dính bẫy kẻ lừa đảo chuyên nghiệp.
Nạn nhân dính cú lừa iPhone 4S mới đây nhất là anh Thái Nguyễn Trung Huy (30 tuổi, ngụ quận 6). Theo anh Huy chiều 31/8, trong lúc đang ngồi chơi thì một người phụ nữ khoảng trên 30 tuổi, nói giọng bắc tiến lại gần và nói “Cậu ơi tôi vừa mới nhặt được cái điện thoại cậu làm ơn tắt nguồn dùm với”. Cũng biết sơ qua về iPhone nên anh Huy đã tắt nguồn giúp bà ta.
Vì không biết xài, nên người phụ nữ này ngỏ ý muốn bán lại chiếc điện thoại vừa nhặt được cho anh Huy với gái 2 triệu đồng. Tưởng rằng mua được điện thoại “xịn” giá “bèo” nên anh Huy đem khoe với bạn thân của mình là anh Nguyễn Quang Lâm. Vừa thấy anh Huy đưa chiếc điện thoại ra, anh Lâm liền hỏi gấp: “Điện thoại này mua của ai? giá bao nhiêu? có phải của bà già nhặt rác vừa lượm được đem bán lại phải không?”.
Được biết, bạn anh Lâm cũng là nạn nhân của trò lừa đảo này nên khi nghe thông tin vừa bạn mình mua được Iphone giá rẻ là anh Lâm phản ứng liền. Sau khi nhờ một số người sành về iPhone 4S xem qua tất cả đều nhận định đây là hàng Trung Quốc, đến lúc này anh Huy vẫn chưa tin là mình bị lừa.
Trước đó 3 ngày, tại phường 14, quận 5, ông Ái Quân (45 tuổi, ngụ quận 5) cũng là nạn nhân của chiêu nhặt được iPhone và bán lại với giá rẻ. Ông Quân kể “Cách đây 3 ngày cũng có một phụ nữ khoảng 30 tuổi đến gần tôi và nói vừa nhặt được chiếc điện thoại và nhờ tôi tắt nguồn, sau đó bà ta nói không biết sử dụng nên bán cho tôi với giá 1,5 triệu đồng. Quá mừng vì mua được iPhone giá rẻ, tôi còn tặng thêm cho bà ta 200 nghìn nữa”.
Nhưng sau vài ngày sử dụng, điện thoại luôn bị trục trặc, đem ra tiệm sửa chữa thì người ta bảo là điện thoại Trung Quốc mà sửa gì cho tốn tiền, mua cái mới đi. Khi này ông Quân mới tá hỏa phát hiện mình đã bị lừa.
Cũng là nạn nhân như anh Huy và ông Quân nhưng anh Vĩnh( bảo vệ ngân hàng Agribank quận 5) không kể cho mọi người biết việc mình bị lừa. Sau khi nghe thông tin có nhiều nạn nhân khác anh mới chịu chia sẻ: “Cách đây khoảng 1 tuần, khi đó tôi đang ngồi trước cửa ngân hàng thì một phụ nữ bán vé số cũng nói giọng bắc xuất hiện với bộ dạng hớt hãi nói rằng “Chú ơi tôi vừa nhặt được chiếc điện thoại nhờ chú tắt nguồn dùm với”. Do không biết sử dụng iPhone nên tôi cũng không biết tắt nguồn chổ nào”.
Đang loay hoay không biết xử lý thế nào thì người phụ nữ này “gạ” bán lại chiếc điện thoại với giá 1 đến 2 triệu. Thấy rẻ anh Vĩnh bắt đầu thấy thích. Trong người không có tiền nhưng anh Vĩnh vẫn cố chạy đi mượn mọi người và mua lại chiếc điện thoại với giá 1,7 triệu đồng”. Hiện chiếc điện thoại “giá rẻ” vẫn đang còn cất giữ nhưng do liên tục gặp trục trặc nên anh Vĩnh bỏ ở nhà ít sử dụng đến.
Được biết chỉ trong vòng một tuần tại phường 14, quận 5 đã có 4 trường hợp bị lừa trong đó, ba nạn nhân kể trên đã mua hàng còn lại một người do có biết sơ qua về iPhone nên không sập bẫy.
Đặc biệt, tình trạng lừa bán iPhone vừa nhặt được cũng đã xuất hiện ở chợ Tân Định quận 1, chợ Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình) và tỉnh Tây Ninh. Bọn lừa đảo là một nhóm người tuổi từ 20 – 40, giả dạng dân quê mùa. Khi nhắm được “con mồi” bọn chúng sẽ tiếp cận để lừa bán điện thoại rởm.
Theo khuyến cáo của Đội phòng chống trộm cắp - lừa đảo thuộc Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (PC45) công an TP.HCM, mọi người nên thận trọng trước khi mua bán ngoài đường. Nên chú ý đến nguồn gốc mặt hàng, thái độ của người bán và không nên quá “ham của rẻ”. Kẻ gian chủ yếu nhắm vào tâm lí “ham rẻ” để lừa đảo.
Trung Kiên - Thảo Trần