1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Cán bộ nội vụ cầm đầu đường dây bằng giả

Sau khi mua 10.000 phôi giả, vị cán bộ phòng nội vụ sử dụng phần mềm in chứng chỉ giả bán ra khắp nước.

Chiều 31-5, Phòng An ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Gia Lai xác nhận Công an tỉnh Gia Lai vừa phối hợp nhiều đơn vị triệt phá được đường dây làm văn bằng, chứng chỉ giả xuyên quốc gia. Các đơn vị bắt giữ chín người để điều tra về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Việc bóc gỡ đường dây này bắt nguồn từ thông tin trên Facebook.

Theo điều tra ban đầu, trong tháng 2-2016, trên Facebook của Bùi Thị Mỹ Phương (huyện Chư Prông, Gia Lai) rao bán các loại văn bằng, chứng chỉ giả. Âm thầm điều tra, công an đã bắt quả tang Phương đang bán chứng chỉ C môn Anh văn cho một người với giá 800.000 đồng.

Bị bắt giữ, Phương khai nhận chỉ là môi giới cho Lê Quang Lâm ở Hà Nội. Theo đó, sau khi nhận tiền và thông tin của người mua văn bằng, chứng chỉ giả, Phương sẽ chuyển cho Lâm. Khoảng 10 ngày sau, Lâm chuyển lại “thành phẩm” qua bưu điện giao cho người mua, kiếm lời. Từ lời khai này, Công an tỉnh Gia Lai phối hợp đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an bắt Lâm và bạn gái nhưng hai người này chưa phải là người làm bằng giả. Họ cũng như Phương, chỉ là một “đại lý” cung cấp đồ giả cho khắp nước.

Cán bộ nội vụ cầm đầu đường dây bằng giả - 1

Ảnh trái: Nguyên cán bộ phòng nội vụ Hoàng Đức Huấn tại công an. (Ảnh do công an cung cấp) Ảnh phải: Các bị can cộm cán trong đường dây làm bằng giả.

Lần tiếp, công an bắt giữ Hoàng Đức Huấn (30 tuổi, trú huyện Đan Phượng, TP Hà Nội) và các đồng phạm.

Công an xác định Huấn là người cầm đầu đường dây làm giả văn bằng, chứng chỉ. Theo công an, anh ta là cán bộ phòng Nội vụ UBND huyện Đan Phượng. Cuối năm 2014, Huấn “đầu tư” máy in màu, phần mềm liên quan rồi đặt mua 10.000 phôi chứng chỉ giả với giá 120 triệu đồng từ một người lạ. Sau đó, Huấn dùng máy in màu và phần mềm liên quan in và bán chứng chỉ giả cho nhiều người. Từ việc mua bán này, Huấn tạo ra chân rết ở khắp các tỉnh, thành, sau đó chọn Lâm làm “đại lý” cấp 1 liên lạc với chân rết ở các tỉnh, thành. Các “chân rết” trực tiếp giao dịch với người có nhu cầu. Với việc tạo ra nhiều tầng nấc trung gian nên đường dây của Huấn tồn tại trong thời gian dài mới bị triệt phá.

Khám xét nơi ở của Huấn và những người liên quan, công an thu giữ hơn 22.000 phôi tài liệu, bằng cấp, chứng chỉ giả các loại.

Theo công an, từ vụ án này đã phát hiện ra 20 người ở Gia Lai mua và sử dụng chứng chỉ giả và đã kiến nghị đưa ra khỏi danh sách bầu cử một ứng cử viên đại biểu HĐND cấp phường ở TP Pleiku.

Theo LỮ QUỲNH LOAN

Pháp luật TP Hồ Chí Minh