Cán bộ Hải quan giúp doanh nghiệp chiếm tiền hoàn thuế, chỉ… rút kinh nghiệm
(Dân trí) - Nói về việc cán bộ của mình khai khống hàng xuất nhập khẩu giúp doanh nghiệp chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng tiền hoàn thuế, đại diện Hải quan An Giang cho đó là… rủi ro phải chấp nhận vì chủ trương tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và đơn vị này đã tổ chức… rút kinh nghiệm.
Sau gần 10 ngày xét xử sơ thẩm vụ án Lê Dũng và đồng phạm, ngày 16/6, phiên tòa tiếp tục phần xét hỏi. Trong 43 bị cáo có hơn 30 người đương nhiệm hoặc nguyên là lãnh đạo, cán bộ hải quan tỉnh An Giang, TP HCM; bị VKSND TP truy tố tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Ngoài ra, bị cáo Trần Thị Bích Tuyền (Giám đốc Công ty TNHH Lam Tuyền và TNHH Đại Đắc Tài) hầu tòa về tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Buôn lậu” và “Đưa hối lộ”. Nguyên Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Công nghệ Sài Gòn Lê Dũng và 5 thuộc cấp bị cáo buộc tội: “Buôn lậu”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Nhiều chủ doanh nghiệp, lao động tự do cũng bị truy tố tội: “Buôn lậu”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Môi giới hối lộ”.
Lê Dũng câu kết với Châu, Tuyền và nhiều bị cáo khác làm hồ sơ xin hoàn thuế giá trị gia tăng, từ đó chiếm đoạt hơn 80 tỉ đồng. Ngoài ra, Dũng còn ký 100 hợp đồng mua bán thuốc lá khống, chi trước tiền thuế, gây thiệt hại 52 tỉ đồng. Tuyền và đồng phạm lập nhiều hợp đồng mua, bán và thanh toán giả. Nhờ vậy, nhóm tội phạm chiếm đoạt hơn 116 tỉ đồng tiền hoàn thuế.
Để quá trình “làm việc” được thuận lợi, Tuyền “lót tay” công chức hải quan 16 tỉ đồng. 31 bị cáo nguyên là cán bộ hải quan ra tòa trong vụ án này đều nhận tiền lót tay từ nhóm tội phạm trên để hỗ trợ xác nhận thông quan cho các đối tượng phạm tội.
Trước chất vấn của HĐXX, đại diện Cục Hải quan An Giang cho biết sau khi vụ việc xảy ra, lãnh đạo Tổng Cục Hải quan kịp thời làm việc với đơn vị để kiểm điểm trách nhiệm, xử lý kỷ luật 3 lãnh đạo cục và một số cá nhân.
Tại tòa, đại diện Cục Hải quan An Giang cho biết: "Ngay sau khi vụ việc xảy ra, lãnh đạo Tổng cục Hải quan kịp thời làm việc với đơn vị và cán bộ chủ chốt của cục để kiểm điểm trách nhiệm từng cá nhân liên quan đến sự việc. Ba lãnh đạo cục và một số cá nhân làm việc tại hai chi cục đã bị xử lý kỷ luật".
Chủ tọa đặt vấn đề với đại diện này: “Cơ chế, quy định quản lý rủi ro đối với hàng xuất khẩu của ngành hải quan thế nào mà bị các đối tượng lợi dụng để thực hiện phạm tội?".
Đáp lại, đại diện Cục Hải quan An Giang giải thích chính sách, quy định đề ra nhằm tạo điều kiện giúp doanh nghiệp thông quan hàng hóa thuận lợi, thông quan trước, kiểm tra sau. Đây là chủ trương chung. Tuy vậy, ngành hải quan vẫn thiết lập những hàng rào kiểm soát là kiểm tra sau khi thông quan và kiểm tra trước khi hoàn thuế... Kết lại, đại diện này cho là đơn vị phải chấp nhận rủi ro; đồng thời rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện.
Phiên tòa dự kiến diễn kết thúc vào ngày 28/6.
Xuân Duy