Buồn thay tiếng vỗ tay nơi công đường
Phiên tòa dân sự xử vụ kiện đòi bồi thường từ phía phụ huynh đối với nhà trường ở Thanh Hóa, khi đại diện Viện kiểm sát nêu quan điểm nhà trường không có lỗi trong việc này thì tràng pháo tay biểu lộ đồng tình vang lên từ hàng ghế của các thầy cô giáo. Báo chí mô tả tiếng vỗ tay này là “chát chúa”.
Trong giờ ra chơi, một học sinh ném chiếc thước gỗ gẫy vào bạn nhưng trúng vào mắt em gái lớp 1 khiến em này bị mù vĩnh viễn. Đây chỉ là hành vi “nghịch dại” không may gặp tai nạn mà thôi, nhất thời và trong khoảnh khắc, khó mà kiểm soát được. Tuy nhiên, việc xảy ra trong giờ chơi, tại trường, thuộc sự quản lý của nhà trường nên trường không thể vô can.
Nhưng để phụ huynh buộc phải kiện nhà trường không ở chỗ tiền bạc hay quy trách nhiệm mà xuất phát từ cách ứng xử vô cảm từ phía nhà trường. Em học sinh bị nạn phải đi điều trị mà không có sổ bảo hiểm bởi cô giáo chủ nhiệm giữ sổ bận đi ăn đám cưới, sau hai ngày nữa mới chuyển được. Rồi, quá trình em bé học sinh điều trị, ra viện, nhà trường không một lời thăm hỏi, riêng Hội phụ huynh trợ giúp được 10 triệu đồng.
Do uất ức, đòi lẽ công bằng cho con mà người mẹ phải kiện ra tòa, đồng nghĩa với việc “chống lại” nhà trường và phải chấp nhận những hệ lụy khó tránh khỏi cho con mình sau này. Biết vậy nhưng vẫn phải làm cái việc chẳng thể đặng đừng, mặt tốt của vấn đề là như một sự cảnh báo về trách nhiệm của giáo viên trong quản lý và giáo dục học sinh tại trường và không để các trường hợp tương tự như vậy xảy ra nữa.
Cuối cùng, Tòa tuyên nhà trường phải chịu trách nhiệm bồi thường cho em học sinh hơn 100 triệu đồng. “Thắng” kiện, người mẹ kia cũng không thể vui nhưng với nhiều người thì đây là lẽ công bằng đã được xác lập. Quan trọng và đáng nói nhất, quyết định của Tòa đã biến tràng vỗ tay chát chúa kia trở thành tẽn tò và buộc những người thầy với tâm niệm “tất cả vì học sinh thân yêu” phải xem lại hành vi ứng xử của mình.
Tràng vỗ tay ấy đã biểu lộ suy nghĩ và hành vi của những “nhà giáo dục”, “tấm gương mẫu mực” và thước đo sự mô phạm cần có của đạo đức ngành sư phạm. Tiếc thay!
Theo Phaly
Pháp luật Việt Nam