Bộ Công an đề xuất xây dựng Luật Dẫn độ
(Dân trí) - Theo Bộ Công an, mục đích xây dựng Luật Dẫn độ là hoàn thiện pháp luật về dẫn độ theo hướng đồng bộ, hiện đại, bảo đảm chặt chẽ, khả thi, phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế.
Theo Bộ Công an, Luật Tương trợ tư pháp (Luật TTTP) được ban hành năm 2007 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2008. Trong đó, hoạt động dẫn độ được Luật TTTP thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tăng cường hội nhập quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp; nội luật hóa một số cam kết quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực tư pháp.
Tuy nhiên, Bộ Công an cho rằng, cùng với những yêu cầu mới phát sinh của quá trình hội nhập và hợp tác quốc tế, yêu cầu cải cách pháp luật, cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, sau hơn 15 năm thực hiện, Luật TTTP đã bộc lộ những hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động dẫn độ.
Chính vì vậy, thực tiễn công tác dẫn độ đặt ra yêu cầu bức thiết là phải xây dựng Luật Dẫn độ.
Cụ thể, trong bối cảnh hội nhập quốc tế và xu hướng toàn cầu hóa, không một quốc gia nào có thể tồn tại và phát triển một cách hoàn toàn biệt lập mà không có quan hệ với các quốc gia khác.
"Quá trình hội nhập với thế giới mang lại những lợi ích to lớn để các nước có cơ hội phát triển kinh tế, văn hóa xã hội nhưng đồng thời cũng mang đến những tác động tiêu cực.
Một trong số đó là việc gia tăng các tội phạm có tính chất nguy hiểm, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm quốc tế, tội phạm phi truyền thống. Thực tế này đòi hỏi pháp luật có liên quan phải tiếp tục được hoàn thiện, tạo cơ sở pháp lý hiệu quả cho hoạt động này", Bộ Công an cho biết.
Việc nghiên cứu tách Luật TTTP thành các luật riêng, theo Bộ Công an, Bộ Tư pháp được giao chủ trì phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu, rà soát và tách riêng Luật Tương trợ tư pháp thành 4 luật riêng, điều chỉnh từng lĩnh vực khác nhau, gồm: Luật Tương trợ tư pháp về dân sự, Luật Tương trợ tư pháp về hình sự, Luật Dẫn độ và Luật chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù.
Ngày 26/6, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 568/QĐ-TTg phân công Bộ Công an xây dựng Dự án Luật Dẫn độ, trình Chính phủ trong tháng 1/2025.
Theo Bộ Công an, mục đích xây dựng Luật Dẫn độ là hoàn thiện pháp luật về dẫn độ theo hướng đồng bộ, hiện đại, bảo đảm chặt chẽ, khả thi, phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế; thúc đẩy hợp tác quốc tế về dẫn độ, nâng cao hiệu quả truy bắt các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội bỏ trốn ra nước ngoài; bảo vệ sự tôn nghiêm của pháp luật, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân cũng như góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả; tạo nền tảng cho việc ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế về dẫn độ.
Luật Dẫn độ sẽ quy định nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục thực hiện dẫn độ đối với các yêu cầu dẫn độ gửi đi và các yêu cầu dẫn độ nhận được; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước Việt Nam trong hoạt động dẫn độ; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong hoạt động dẫn độ.
Theo dự kiến, Bộ Công an sẽ trình Chính phủ dự án Luật Dẫn độ trong tháng 1/2025 (trình Quốc hội khóa XV xem xét, cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV (tháng 5/2025) và thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025)).