1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Bộ Công an cấm nhận tiền, quà biếu của người bị tạm giữ, người bị tạm giam

(Dân trí) - Bộ Công an nghiêm cấm cán bộ, chiến sĩ tự ý tiếp xúc để lợi dụng vay, mượn, xin, mua, bán hoặc nhận tiền, quà biếu của người bị tạm giữ, người bị tạm giam và thân nhân của họ dưới bất kỳ hình thức nào hoặc đưa các đồ vật thuộc danh mục cấm vào cơ sở giam giữ.

Bộ Công an vừa công bố dự thảo lần 2 Thông tư quy định về thực hiện dân chủ trong tạm giữ, tạm giam của lực lượng Công an nhân dân để lấy ý kiến góp ý rộng rãi.

Thông tư này áp dụng đối với các trại tạm giam, nhà tạm giữ do lực lượng Công an nhân dân quản lý; sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ, công nhân Công an; người bị tạm giữ, người bị tạm giam; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam.

Bộ Công an cấm nhận tiền, quà biếu của người bị tạm giữ, người bị tạm giam - 1

(Ảnh minh hoạ)

Điều 3 dự thảo nhấn mạnh nguyên tắc thực hiện dân chủ trong tạm giữ, tạm giam là tôn trọng và bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, người bị tạm giam.

Nghiêm cấm mọi hành vi lợi dụng dân chủ để xâm hại lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; cản trở hoạt động của các cơ quan tư pháp, hoạt động của các cơ quan quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam.

Những nội dung phải thông báo công khai gồm: Quyền, nghĩa vụ của người bị tạm giữ, người bị tạm giam; nội quy cơ sở giam giữ; danh mục đồ vật cấm đưa vào buồng tạm giữ, buồng tạm giam. Tình hình chấp hành nội quy cơ sở giam giữ, sức khỏe của người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định của pháp luật.

Chế độ, tiêu chuẩn ăn, mặc, ở, sinh hoạt, chăm sóc y tế; chế độ sinh hoạt tinh thần, gặp thân nhân, hình thức xử lý kỷ luật người bị tạm giữ, người bị tạm giam có hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm nội quy cơ sở giam giữ,… cũng phải thông báo công khai.

Căn cứ đặc điểm, tính chất và nội dung phải công khai, các cơ sở giam giữ áp dụng một, một số hoặc tất cả các hình thức sau: Bằng văn bản niêm yết tại địa điểm tiếp công dân, nhà thăm gặp, phòng hỏi cung, nơi công cộng trong phạm vi cơ sở giam giữ; thông qua hệ thống truyền thanh của cơ sở giam giữ; thông báo trực tiếp cho từng cá nhân hoặc trước tập thể người bị tạm giữ, người bị tạm giam hoặc các hình thức phù hợp khác.

Người bị tạm giữ, người bị tạm giam được đề xuất ý kiến đối với bản thân cũng như đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam khác.

“Được quyền khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật; được kiến nghị với thủ trưởng cơ sở giam giữ đối với những biểu hiện tiêu cực, thiếu sót trong quản lý giam giữ, giáo dục người bị tạm giữ, người bị tạm giam của cán bộ, chiến sĩ công tác tại cơ sở giam giữ; những lời nói, cử chỉ, hành động sai trái, vi phạm pháp luật của người bị tạm giữ, người bị tạm giam khác”-dự thảo nêu.

Bộ Công an nghiêm cấm cán bộ, chiến sĩ tự ý tiếp xúc để lợi dụng vay, mượn, xin, mua, bán hoặc nhận tiền, quà biếu của người bị tạm giữ, người bị tạm giam và thân nhân của họ dưới bất kỳ hình thức nào hoặc đưa các đồ vật thuộc danh mục cấm vào cơ sở giam giữ; tra tấn, truy bức, dùng nhục hình, các hình thức đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo, hạ nhục con người hoặc bất kỳ hình thức nào khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, người bị tạm giam; giúp sức, che giấu cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam và người khác vi phạm nội quy cơ sở giam giữ, làm ảnh hưởng đến công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án.

Khi nào được hoãn chấp hành án tù để đi chữa bệnh?

Giải đáp thắc mắc của người dân xung quanh việc tạm hoãn chấp hành hình phạt tù để chữa bệnh, Bộ Công an cho biết, Điều 67 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Nghị quyết số 01/2007 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự, người bị xử phạt tù bị bệnh nặng có thể được hoãn chấp hành hình phạt tù cho đến khi sức khỏe được hồi phục.

Người bị xử phạt tù có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi thường trú cụ thể, rõ ràng, đồng thời sau khi bị xử phạt tù không có hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, không có căn cứ cho rằng họ bỏ trốn và thuộc trường hợp bị bệnh nặng, tức là bị bệnh đến mức không thể đi chấp hành án phạt tù được và nếu bắt đi chấp hành hình phạt tù sẽ nguy hiểm đến tính mạng thì được hoãn chấp hành hình phạt tù. Người bị xử phạt tù bị bệnh nặng được hoãn chấp hành hình phạt tù một hoặc nhiều lần cho đến khi sức khỏe hồi phục.

Nếu thuộc trường hợp này thì căn cứ Khoản 1 Điều 23 Luật Thi hành án hình sự có thể viết đơn đề nghị, kèm theo các giấy tờ liên quan như bản sao bản án, kết luận của bệnh viện cấp tỉnh trở lên về tình trạng bệnh tật của người bị kết án… gửi TAND đã ra quyết định thi hành án để xem xét, quyết định cho hoãn chấp hành hình phạt tù.

Thế Kha