1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Biết thân chủ giết người, luật sư vẫn không tố cáo (!?)

Theo các chuyên gia, cần miễn trừnghĩa vụ tố giác thân chủ cho luật sư, trừ các tội liên quan đến an ninhquốc gia bởi làm vậy sẽ đối nghịch với quyền lợi của thân chủ.

Có nên buộc luật sư (LS) phải tố giác thân chủ hay không đang là chủ đề gây tranh cãi. Ý kiến ủng hộ thì bảo LS cũng không thoát khỏi những quy định pháp luật về ràng buộc nghĩa vụ tố giác tội phạm của công dân. Tuy nhiên, hầu hết ý kiến phản đối cho rằng chức năng của LS là gỡ tội, nếu buộc họ phải tố giác thân chủ sẽ khiến họ bội tín với khách hàng, vi phạm BLTTHS. Việc tố giác hay không là ứng xử tự thân của người LS với tư cách là công dân.

Pháp Luật TP.HCM xin giới thiệu ý kiến của ba chuyên gia hình sự về vấn đề này.

Chỉ tố giác khi liên quan đến an ninh quốc gia

LS được khách hàng hoặc người nhà của khách hàng tin tưởng, tìm và cậy nhờ bào chữa hoặc bảo vệ cho mình hoặc người thân. LS bằng kinh nghiệm, chuyên môn nghiệp vụ lắng nghe khách hàng trình bày phải trái. Từ đó LS hướng dẫn khách hàng thủ tục pháp lý, đề ra phương án bào chữa bảo vệ tốt nhất cho họ theo pháp luật.

Có thể nói quan hệ giữa LS và khách hàng dựa trên nền tảng cơ bản là đạo đức nghề nghiệp, đạo đức con người trong mối quan hệ giữa người và người. Pháp luật ban hành phải dựa trên nền tảng đạo đức. Nếu không miễn trừ nghĩa vụ tố giác tội phạm của khách hàng đối với LS thì không đúng tinh thần nhân văn của luật.

Mặt khác, nghĩa vụ chứng minh tội phạm thuộc trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng. Cơ quan chức năng có thể tìm nguồn từ thông tin trên báo chí, từ các thông tin tố giác tội phạm của người dân. Cho nên theo tôi, đừng bắt người đang làm công việc bào chữa dù là chỉ định hay theo yêu cầu phải đi tố giác người mà mình đang nhận trách nhiệm bảo vệ họ.

Tôi nghĩ rằng trong quá trình tư vấn, hỗ trợ pháp lý, bào chữa…, phát hiện hoặc được nghe khách hàng thú nhận về một tội phạm khác thì việc LS cần làm là động viên, khuyên nhủ khách hàng đi tự thú. Với ba loại tội mà LS có nghĩa vụ tố giác như dự thảo ghi nhận, theo tôi chỉ giữ lại tội khủng bố vì có liên quan đến an ninh quốc gia…

LS PHẠM CÔNG HÙNG, nguyên thẩm phán TAND Tối cao

Luật sư tranh tụng tại một phiên tòa hình sự. Ảnh minh họa: T.TÙNG
Luật sư tranh tụng tại một phiên tòa hình sự. Ảnh minh họa: T.TÙNG

Cần miễn trừ cho LS

Điều 73 BLTTHS 2015 quy định: Người bào chữa không được tiết lộ thông tin về vụ án, về người bị buộc tội mà mình bào chữa, trừ trường hợp người này đồng ý bằng văn bản. Người bào chữa cũng không được sử dụng thông tin đó vào mục đích xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Trong khi đó, khoản 3 Điều 19 dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều BLHS 2015 quy định: Người bào chữa phải chịu trách nhiệm hình sự trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại Điều 389 của bộ luật này. Quy định này trái với BLTTHS 2015.

Theo tôi, cần miễn trừ cho LS nghĩa vụ phải tố giác thân chủ, đồng thời bổ sung vào Điều 73 BLTTHS 2015 cụm từ: “Trừ các tội liên quan đến an ninh quốc gia”. Bởi hiến pháp đã quy định việc bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và là quyền cao quý của công dân. LS cũng như mọi người khác đều phải có nghĩa vụ tuân theo Hiến pháp và pháp luật, tham gia bảo vệ an ninh quốc gia…

Ông ĐINH VĂN QUẾ, nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND Tối cao

Không nhất thiết phải quy định

Tuy LS là một nghề đặc thù nhưng bản thân LS cũng có những quyền và nghĩa vụ của một công dân. Trong quá trình trợ giúp pháp lý LS có thể phát hiện hành vi vi phạm pháp luật khác của thân chủ nhưng đó chỉ là một khía cạnh nhỏ, chưa phải là toàn bộ câu chuyện. Ngay cả cơ quan tiến hành tố tụng cũng phải mất cả một quá trình trinh sát, thu thập chứng cứ, trải qua các thủ tục tố tụng nghiêm ngặt mới có thể xác định được sự thật. Nếu ghi cụ thể trong luật thì dễ gây nên những mắc mứu giữa đạo đức nghề nghiệp và nghĩa vụ công dân cho dù tội danh tố giác loại tội gì…

Từ suy nghĩ đó, tôi cho rằng không cần ghi trong luật quy định này. Bởi vì khi có sự việc phạm tội xảy ra, trong quá trình điều tra xét hỏi, cơ quan chức năng nếu phát hiện có đồng phạm, có sự không tố giác thì họ sẽ xử lý theo quy định. Việc tố giác hay không là ứng xử tự thân của người LS với tư cách là công dân. Do đó, nếu quy định trong luật sẽ dẫn đến sự không phù hợp với vai trò LS vì nó đối địch với quyền lợi của thân chủ. Phải hiểu tố giác tội phạm là nghĩa vụ của bất cứ ai là công dân Việt Nam. Ngoài ra, người LS sẽ có tâm lý buộc phải đối phó với tư cách LS trước những quy định về nghĩa vụ tố giác trong luật.

Qua nghiên cứu tôi thấy một số nước như Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc không quy định nghĩa vụ LS về việc tố giác tội phạm của thân chủ.

Ông VŨ PHI LONG, nguyên Phó Chánh Tòa Hình sự TAND TP.HCM

Từ 83 rút xuống còn ba hoặc năm tội

Khoản 1 Điều 19 dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều BLHS 2015 quy định buộc LS phải tố giác tội phạm. Theo đó, người nào biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm.

Báo cáo tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thu hẹp phạm vi mà người bào chữa phải chịu trách nhiệm hình sự nếu không tố giác tội phạm từ 83 tội xuống còn ba hoặc năm tội, trong đó có tội phạm về khủng bố, rửa tiền và giết người...

Theo Phương Loan

Pháp luật TP Hồ Chí Minh