1. Dòng sự kiện:
  2. Nam shipper bị đánh tử vong
  3. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  4. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Bí mật vụ trộm đồng hồ của Nữ hoàng Marie Antoinette

Nguyễn Loan

(Dân trí) - Vụ đánh cắp đồng hồ vàng của Nữ hoàng Marie Antoinette tại Bảo tàng Jerusalem, Israel đã được cảnh sát đưa ra ánh sáng sau 25 năm chìm trong bế tắc, nhờ một diễn biến vô cùng bất ngờ.

Bí mật vụ trộm đồng hồ của Nữ hoàng Marie Antoinette - 1

Chiếc đồng hồ vàng của Nữ hoàng Marie Antoinette.

Vào sáng ngày 17/4/1983, nhân viên an ninh phát hiện Bảo tàng Jerusalem đã bị kẻ trộm "viếng thăm". Rachel Hasson, Giám đốc nghệ thuật của Bảo tàng nghệ thuật Hồi giáo tại Jerusalem, Israel, sốc nặng khi thấy trên sàn là kính vỡ, ổ khóa của tủ trưng bày những bảo vật bằng vàng, kim loại quý hiếm. 

Tổng cộng 106 chiếc đồng hồ đã bị đánh cắp, bao gồm đồng hồ của Nữ hoàng Marie Antoinette, đồng hồ hình khẩu súng lục từ thế kỷ 19 và đồng hồ "Sympathique" do Breguet thiết kế.

Mặc dù giá trị của bộ sưu tập đồng hồ đã được bảo hiểm với giá 700.000 đô la, nhưng giá trị thực tế của nó cao hơn rất nhiều.

Hai người phụ trách an ninh bảo tàng đang ngủ khi kẻ trộm xâm nhập, hệ thống báo động của bảo tàng bị hỏng. Cảnh sát không thể xác định được thủ phạm. Số lượng lớn các món đồ bị đánh cắp khiến cảnh sát kết luận một băng nhóm đã thực hiện vụ trộm. 

Vụ trộm dường như là một bí ẩn không bao giờ có lời giải cho đến khi một tội phạm chuyên nghiệp đã thú tội với vợ trước khi chết. Nhờ đó cơ quan điều tra đã thu hồi được gần như toàn bộ những chiếc đồng hồ bị mất cắp.

Bí mật vụ trộm đồng hồ của Nữ hoàng Marie Antoinette - 2

Nữ hoàng Marie Antoinette.

Đồng hồ vàng của Nữ hoàng Marie Antoinette

Trong số 106 chiếc đồng hồ trị giá hàng triệu đô la đã biến mất khỏi Bảo tàng Nghệ thuật Hồi giáo có một chiếc đồng hồ bỏ túi được làm cho Nữ hoàng Marie Antoinette năm 1783, được định giá hơn 30 triệu đô la.

Đó là chiếc đồng hồ Breguet số 160, là một tác phẩm nghệ thuật tinh xảo mang biệt danh "Nàng Mona Lisa của thế giới đồng hồ". Không chỉ có vẻ đẹp mê hoặc, nó còn có giá trị về công nghệ và lịch sử. Chiếc đồng hồ này là một trong 160 thiết kế của Abraham Louis Breguet (1747-1823), một huyền thoại trong ngành chế tác đồng hồ.

Bí mật vụ trộm đồng hồ của Nữ hoàng Marie Antoinette - 3

106 chiếc đồng hồ trị giá hàng triệu đô la đã biến mất khỏi Bảo tàng Nghệ thuật Hồi giáo (Ảnh: Getty và Smithsonianmag).

Năm 2004, một tên tội phạm người Israel có tên Naaman Diller đã qua đời vì bệnh ung thư. Hai năm sau đó, một nhà buôn nghệ thuật ở Tel Aviv liên hệ với bảo tàng và cho biết anh ta nhận được yêu cầu định giá những chiếc đồng hồ từ bộ sưu tập Salomons. 

Bảo tàng đã trả 40.000 đô la cho một phụ nữ Israel đang sống ở Mỹ để mua lại 40 món đồ bị đánh cắp, trong số đó có chiếc đồng hồ vàng nổi tiếng của Nữ hoàng Marie Antoinette.

Người phụ nữ này đồng ý trả lại những món đồ đã bị đánh cắp này với mức giá trên nhưng yêu cầu được giữ bí mật vì không muốn bị cảnh sát truy bắt.

Tuy nhiên cảnh sát vẫn nắm được vụ việc. Họ tìm đến người phụ nữ tên Nili Shamrat, xác định đó là vợ của Naaman Diller. Trước khi chết, Diller đã kể lại toàn bộ vụ trộm với vợ mình.

Vụ án bí ẩn được hé mở

Đêm 15/4/1983, Diller sử dụng xà beng để uốn cong các thanh sắt trên cửa sổ phía sau Bảo tàng Jerusalem. Sau đó, Diller nấp sau một chiếc xe tải và trèo vào bảo tàng bằng một cái thang. Khi vào bên trong, Diller nhận ra rằng chuông báo động đã bị hỏng và lính canh đều đang ở phía trước. 

Theo cảnh sát, Diller rất gày, dễ dàng di chuyển mà không bị phát hiện, đặc biệt hắn có chuyên môn tháo rời các đồng hồ.

Năm 1983, cảnh sát từng xếp Diller vào hồ sơ các nghi phạm thực hiện vụ trộm bảo tàng nhưng không có bằng chứng. Hộ chiếu của Diller đã xác nhận rằng hắn không ở trong nước vào thời điểm vụ trộm diễn ra. 

Tuy nhiên, sau đó các nhà điều tra phát hiện ra rằng Diller đã làm giả bằng chứng ngoại phạm. Có nhân chứng đã khai báo với công an thấy Diller đến bảo tàng trước đó, đi lại tham quan nhiều lần, ghi chép các thông tin về chuông báo động bị hỏng và vị trí của các nhân viên bảo vệ. 

Mặc dù các nhà chức trách đã treo giải thưởng trị giá 2 triệu đô la nhưng việc tìm lại những chiếc đồng hồ bị đánh cắp vẫn là một nhiệm vụ khó khăn. Cảnh sát địa phương, Interpol, thám tử tư và thậm chí cả Mossad (cơ quan tình báo quốc gia của Israel) đều tìm kiếm trong vô vọng.

Vợ của Naaman Diller khai báo không hề biết chồng thực hiện vụ trộm cho đến khi Diller thú tội trước khi chết trên giường bệnh. 

Cảnh sát thực hiện lệnh khám xét nhà vợ của Naaman Diller ở Los Angeles (Mỹ) vào tháng 5/2008. Tại đây họ tìm thấy những chiếc đồng hồ, ba bức tranh sơn dầu thế kỷ 18 và một bản thảo tiếng Latinh cổ. Tất cả những món đồ này đều đã bị đánh cắp khỏi bảo tàng. 

Naaman Diller chỉ bán được 3 trong số 106 chiếc đồng hồ bị đánh cắp. Số còn lại được cất giấu khắp nơi, từ Tel Aviv, Munich, Basel, Paris đến Los Angeles.

Cảnh sát thông tin: "Thật may mắn, Diller đam mê những chiếc đồng hồ đến mức anh ta giữ từng bộ phận nhỏ đều trong tình trạng hoàn hảo. Chúng tôi tìm thấy những ghi chú tỉ mỉ mà Diller viết về từng bộ phận của những chiếc đồng hồ. Anh ta đã có thể chia nhỏ những bộ phận của đồng hồ để bán chúng nhưng may mắn anh ta đã không làm như vậy".

Các nhà chức trách cuối cùng đã tìm thấy 96 trong số 106 chiếc đồng hồ bị đánh cắp. Số phận của những chiếc đồng hồ còn lại đến nay vẫn chưa rõ.

Vào tháng 7/2009, những món đồ được thu hồi đã được trưng bày trở lại tại bảo tàng.

Tháng 3/2010, vợ của Naaman Diller, Nili Shamrat, bị tòa án California kết tội chứa chấp tài sản ăn cắp, bị kết án 5 năm quản chế và 300 giờ lao động công ích. 

Do không thể trực tiếp lấy lời khai của Diller, cảnh sát đến nay vẫn chưa thể làm sáng tỏ cách thức chi tiết thực hiện vụ trộm. Có thật Diller đã một mình thực hiện vụ án này hay còn có đồng phạm? 

Theo www.smithsonianmag.com