1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Nghệ An:

Bi kịch của lòng tham

(Dân trí) - Chồng đi XKLĐ, bản thân có công việc ổn định nhưng với Tiếp từng ấy là chưa đủ. Tiếp “nổ” có bà cô làm Hội chữ thập đỏ bên Pháp, có thể đưa người đi XKLĐ. Với cách này, Tiếp đã lừa đảo, chiếm đoạt của nhiều người gần 2,5 tỷ đồng.

Lê Thị Hồng Tiếp trước vành móng ngựa.

Lê Thị Hồng Tiếp trước vành móng ngựa.


Sáng ngày 19/5, TAND tỉnh Nghệ An mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử vụ án lừa đảo, chiếm đoạt tài sản đối với Lê Thị Hồng Tiếp (SN 1984, trú tại xã Nam Trung, Nam Đàn, Nghệ An).

Tiếp quê ở Quỳnh Lưu, lấy chồng về Nam Trung. Nhờ có kiến thức chuyên môn nên Tiếp xin được vào làm y tá ở một bệnh viện tư nhân tại TP Vinh. Chồng Tiếp đi xuất khẩu lao động ở Malaixia, vẫn gửi tiền về đều đặn cho vợ chi tiêu trong gia đình và nuôi con. Thế nhưng, không bằng lòng với những gì đã có, Tiếp nuôi hi vọng làm giàu thật nhanh. Toàn bộ số tiền kiếm được cộng với tiền chồng gửi về, Tiếp đầu tư cho các vụ làm ăn hoặc đánh bạc. Làm ăn thua lỗ, cộng với nợ bài bạc khiến Tiếp như phát điên trong mớ bòng bong nợ nần.

Tiếp nghĩ cách lừa tiền của những người có nhu cầu đi xuất khẩu lao động nước ngoài. Nạn nhân đầu tiên của Tiếp là bà Nguyễn Thị Lục (trú tại xã Nam Tân, Nam Đàn) - là em kết nghĩa của mẹ Tiếp. Khi biết bà Lục muốn cho chồng và con đi xuất khẩu lao động, một ngày tháng 8/2011, Tiếp đến gặp là “nổ” có bà cô làm ở Hội chữ thập đỏ tại Pháp. Hiện bà cô đang cần tuyển người đi lao động tại các nước Hàn Quốc, Pháp, Nhật, Úc. Thủ tục xuất cảnh cũng hết sức đơn giản, chỉ cần sổ hộ khẩu gia đình, bản photocoppy chứng minh thư nhân dân cùng với chi phí từ 2.00 đến 4.500 USD.

Tin lời con gái chị kết nghĩa, bà Lục đã giao cho Tiếp 126 triệu đồng để chạy cho con và chồng đi Hàn Quốc. Sau khi nhận tiền của bà Lục, Tiếp cho biết hiện đang cần tuyển thêm người đi lao động và nhờ bà Lục giới thiệu thêm. Bà Lục gặp gỡ và nhận tiền của nhiều người khác có nhu cầu đi xuất khẩu lao động với số tiền lên tới hơn 2,2 tỷ đồng.

Sau khi nhận tiền của người lao động thông qua bà Lục, Lê Thị Hồng Tiếp không liên hệ với bất kỳ tổ chức, cá nhân nào để đưa người xuất cảnh sang nước ngoài. Toàn bộ số tiền chiếm đoạt được Tiếp dùng để trả nợ và tiêu xài cá nhân hết.

Tuy nhiên, để qua mắt người lao động, ngày 19/1/2013, Tiếp bảo bà Lục đưa 27 lao động ra sân bay Nội Bài để chờ bay. 27 lao động cùng thân nhân đã bám trụ tại Hà Nội đến ngày 8/2/2013. Sau đó một tháng, Tiếp lại thông báo cho lao động ra sân bay để làm thủ tục xuất cảnh. Gần 50 con người tiếp tục vật vờ tại sân bay thêm 8 ngày nữa nhưng cuối cùng đều phải ra về.

Sau nhiều lần bị Tiếp lừa ra sân bay để làm thủ tục xuất cảnh nhưng đều không bay được, các lao động đã làm đơn tố cáo hành vi chiếm đoạt tài sản của Lê Thị Hồng Tiếp đến cơ quan chức năng.

Khi sự việc bị vỡ lở thì Tiếp mới sinh đứa con thứ 2 được 4 tháng. “Sự việc bung bét, biết em lừa rồi nợ người số tiền lớn như thế thì bố mẹ chồng đuổi ra khỏi nhà. Đứa con mới 4 tháng tuổi em cũng không được nuôi nấng, chăm sóc. Giờ, mỗi tuần em chỉ được về thăm cháu được 1 lần thôi. Nghe nói mấy hôm nay cháu sốt, em như ngồi trên đống lửa mà không biết làm chi cả. Nay cháu được 18 tháng tuổi rồi mà chưa nhận biết được mẹ…”, Tiếp sụt sùi. Vì đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi nên Tiếp được tại ngoại để phục vụ điều tra.

Các nạn nhân của vụ lừa đảo đi xuất khẩu lao động do Lê Thị Hồng Tiếp thực hiện.
Các nạn nhân của vụ lừa đảo đi xuất khẩu lao động do Lê Thị Hồng Tiếp thực hiện.

Bị đuổi khỏi nhà, chồng vẫn ở nước ngoài mưu sinh, Tiếp về quê tá túc nhà mẹ ruột. Trước giờ nghị án, một vài nạn nhân cũng lại nhỏ to với Tiếp. Đứng trước bản án theo đề nghị của đại diện Viện KSND tỉnh Nghệ An lên tới 18 năm, Tiếp quả quyết với các nạn nhân: “Cho em thời gian từ giờ đến ngày 12/6, em bán nhà sẽ trả một phần nợ nần cho các anh chị!”. “Nhà mô mà bán?” - một nạn nhân lên tiếng.

“Nhà bà ngoại. Cụ đồng ý bán nhà trả nợ cho em rồi. Cũng không thể trả hết được số tiền em đã chiếm đoạt của các bác nhưng em sẽ cố gắng trả cho mỗi người một ít để có tiền trả nợ ngân hàng”. Tiếp khẳng định chắc nịch.

“Bán nhà rồi thì bà cụ ở đâu?” - tôi hỏi. Tiếp tránh cái nhìn của tôi, ngó ra ngoài sân trả lời: “Bà để lại một ít, mua mảnh đất nho nhỏ ở quê để sống tiếp quãng đời còn lại. Em có tội với các con, có tội với mẹ già. Tội em, em phải chịu. Tòa xử đi tù bao nhiêu năm em cũng phải chịu, chỉ thương con còn nhỏ quá. Không biết họ bắt em đi tù luôn hay có cho tại ngoại để nuôi con đến khi cháu được 36 tháng tuổi không chị nhỉ? Em chỉ mong được ở ngoài thêm ít lâu, để con cứng cáp hơn tý nữa, ít nhất là nó còn biết mẹ mình là ai chứ gần 20 năm, đến khi em ra tù thì cháu cũng lớn rồi”.

Nhận thấy trong vụ án này, Lê Thị Hồng Tiếp là người phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Bà Nguyễn Thị Lục vì tin lời Tiếp nên đã thông báo, đứng ra thu tiền của các lao động tuy nhiên, bà Lục không tư lợi gì trong số tiền đã thu được nên không đủ cơ sở để truy tố trách nhiệm hình sự. Sau khi xem xét các tình tiết của vụ án, HĐXX tuyên phạt Lê Thị Hồng Tiếp 17 năm tù giam, buộc phải bồi hoàn cho các bị hại số tiền gần 2,5 tỷ đồng.

Phiên tòa kết thúc, trong khi các bị hại lục tục kéo nhau ra về với hy vọng Tiếp giữ đúng lời hứu bán nhà trả nợ thì Lê Thị Hồng Tiếp vội vã chạy đi tìm thư ký tòa án để hỏi thủ tục xin hoãn thi hành án. Trong lòng người mẹ tội lỗi này vẫn nuôi hy vọng được tại ngoại thêm một thời gian nữa để con được hưởng một tý hơi ấm của tình mẫu tử, dẫu biết rằng chưa chắc bố mẹ chồng đã để cho Tiếp được chăm sóc, nuôi nấng đứa con của mình.

Hoàng Lam