1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Tây Ninh:

Bi hài chồng vào tù vì trộm tiền vợ cất giữ

Nạn nhân trong vụ trộm không ai khác chính là người vợ của Cần. Vụ án hi hữu trên từng gây ra nhiều tranh cãi, có không ít tình tiết bi hài.

Theo thông tin từ cơ quan công an, 2 đối tượng Nam và Vinh đã bị khởi tố tội danh “Cố ý gây thương tích” và bắt tạm giam khẩn cấp.

Mới đây Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã mở phiên phúc thẩm xét xử vụ án “trộm cắp tài sản” do bị cáo Nguyễn Thanh Cần (46 tuổi, Tây Ninh) thực hiện.

Vụ trộm hi hữu

Theo bản án sơ thẩm, năm 1988, bị cáo Cần và chị N.T.M. đăng ký kết hôn. Quá trình chung sống, cả hai kinh doanh xe tải và làm vườn mãng cầu, tích lũy được 10 lượng vàng 9999, gần 4 chỉ vàng 18k và 5 chỉ vàng 24k.

Sau này, do Cần ít chí thú làm ăn dẫn đến mâu thuẫn vợ chồng. Họ sống ly thân rồi lại quay lại sống chung nhiều lần.

Trong thời gian này, chị M. một mình quản lý vườn mãng cầu, kinh doanh xe tải, tích lũy tài sản cất giữ riêng và đưa tiền để Cần tiêu xài hàng ngày. Năm 2010, vợ chồng họ có thêm 2 hecta cao su bắt đầu đến kỳ thu hoạch.

Cần được giao việc quản lý, thu hoạch rẫy cao su còn chị M. tiếp tục khai thác vườn mãng cầu và kinh doanh xe. Chị mua thêm được 16 lượng vàng 9999, 11 chỉ vàng 24k, 12,5 chỉ vàng 18k để cất giữ.

Bị cáo Nguyễn Thanh Cần tại tòa
Bị cáo Nguyễn Thanh Cần tại tòa

Đầu tháng 1/2012, sau một lần cãi vã, vợ chồng họ lại sống ly thân. Cả hai vẫn ở chung một mái nhà nhưng mỗi người có một phòng riêng. Do biết vợ cất giữ nhiều tài sản và chẳng mảy may gì đến mình nên Cần nảy sinh ý định chiếm đoạt.

Khoảng 17 giờ ngày 20/5/2012, sau khi đi làm rẫy về biết vợ và con đang chở hàng lên TP.HCM nên Cần phá két sắt lấy toàn bộ số tài sản gồm số vàng trên và 197 triệu đồng sau đó dùng cưa sắt cưa cửa sổ phòng nhằm tạo hiện trường giả.

Tuy nhiên, sau khi lấy được tiền Cần chỉ rút ra 200.000 đồng để tiêu xài, số tiền đem đi gửi ở nhà một người quen còn toàn bộ vàng đem đi chôn ở vườn cao su của gia đình.

Rạng sáng hôm sau, về đến nhà, chị M. tá hỏa phát hiện mất tài sản. Hỏi chồng, chồng nhất quyết nói không hay biết gì nên chị lên công an trình báo.

Ngay trong ngày, khi cơ quan công an mời lên làm việc, Cần đã thú nhận toàn bộ sự việc rồi dẫn vợ và công an đến chỗ chôn vàng.

Nhận định hành vi của Cần đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm nên cơ quan tố tụng đã điều tra, truy tố Cần về tội “trộm cắp tài sản”.

Ngày 19/8/2012, Cần bị TAND tỉnh Tây Ninh tuyên phạt 7 năm tù về tội “trộm cắp tài sản” với khoản tiền chiếm đoạt lên tới gần 1,39 tỷ đồng. Bị cáo Cần kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, chị M. cũng có đơn đề nghị xem xét cho chồng.

Tâm tư người trong cuộc

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Nguyễn Thanh Cần thừa nhận toàn bộ hành vi bản án sơ thẩm nêu.

Bị cáo nêu, từ trước đến giờ làm được đồng nào bị cáo đều giao hết cho vợ. Có thời gian bị cáo bị đau mắt, bác sĩ bảo phải lên TP.HCM để điều trị.

Vì giận nhau nên chị M. chẳng đếm xỉa gì. Tức quá, bị cáo mới lấy tài sản đem đi chôn dấu cho “bõ ghét”. Bị cáo nghĩ đó là tiền chung của vợ chồng thì lấy đi sau đó lại đem về chứ chẳng thể ngờ là lại phải vào tù.

Nhìn chồng bằng ánh mắt trìu mến, chị M. ngước lên khẩn khoản xin tòa xem xét. Chị cho biết đó là tài sản chung của cả hai vợ chồng, chẳng phải của mình chị nên bảo chồng chị lấy trộm gần 1,39 tỷ đồng thì…nặng quá.

Chị mong tòa xem xét để chồng chị sớm trở về với gia đình. Hơn nữa, dù vợ chồng có ly thân nhiều lần nhưng chưa bao giờ chị và Cần nói đến chuyện phân chia tài sản hay xử lý tài sản thế nào.

Hội đồng xét xử phân tích hành vi sai trái của bị cáo. Tài sản dù là của chung hay của riêng nhưng việc bị cáo lén lút lấy tài sản rồi cưa cửa sổ để tạo hiện trường giả đã đủ yếu tố cấu thành hành vi phạm tội.

Nghe những lời phân tích trên, Cần và vợ đầy bối rối. Dường như với những người xuất thân từ nông dân, quanh năm chỉ biết cặm cụi với vườn tược và những con số để buôn bán làm ăn, những tình tiết pháp lý với họ quả là rất lờ mờ, khó hiểu.

Giờ nghị án, chị M. tỏ ra khá cởi mở. Chị thật thà: “Vợ chồng lúc giận lúc lành, giận dỗi thì đòi ngủ riêng thôi chứ vẫn ở chung nhà mà. Mình và anh ấy lấy nhau từ thuở nghèo khó, hai vợ chồng lăn lưng ra làm mới tích cóp được đồng vốn. Sau này, có một chút anh ấy lại hay đi chơi, mình không thích nên giận, hai vợ chồng ly thân hoài rồi lại thôi. Bữa đó anh ấy đau mắt thật nhưng tại tôi giận nên làm lơ…”

“Hôm đó, hỏi ảnh thì ảnh cứ nói là không biết, mình nghĩ là trộm thật mới báo công an. Ai mà biết là báo rồi chồng vào tù. Nếu phải chịu 7 năm tù thì mình không biết phải làm sao…”, nói rồi chị M. đưa ánh mắt trìu mến nhìn chồng. Cần cười nhẹ đáp lại ánh nhìn của vợ.

Cuối cùng, nhận định vụ án còn nhiều tình tiết cần phải làm rõ liên quan đến số tiền bị cáo Cần chiếm đoạt, tại tòa cả hai vợ chồng bị cáo đều nói là tài sản chung, không biết, không phân định của vợ bao nhiêu, của chồng bao nhiêu. Vậy tài sản trên là tài sản chung hay riêng? Nếu tài sản chung thì xác định phần của mỗi người bao nhiêu?...

Do vậy, Hội đồng xét xử đã chấp nhận đề nghị của Viện kiểm sát, tuyên hủy toàn bộ bản án để cấp sơ thẩm điều tra xét xử lại từ đầu.

Nghe vậy, chị M. ngơ ngác: “Vậy nghĩa là sao? Tòa không kêu án hả?”. Thấy chồng bị giải đi, chưa hết ngơ ngác, chị lại lật đật chạy theo. Có lẽ vợ chồng họ chẳng ai ngờ chỉ vì một lần chồng trộm tài sản vợ cất giữ mà mọi chuyện lại đi quá xa như vậy.
Theo Mai Phượng
Vietnamnet