Bị cáo Trần Phương Bình được áp điều luật có lợi
(Dân trí) - Trần Phương Bình bị đề nghị truy tố theo Bộ luật Hình sự mới nhưng Viện KSND tối cao đã truy tố theo bộ luật cũ có lợi hơn cho các bị cáo.
Ngày mai (23/6), TAND TPHCM sẽ mở phiên xử sơ thẩm ông Trần Phương Bình và 11 đồng phạm gây thiệt hại cho Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank) hơn 8.800 tỷ đồng (còn gọi là đại án DongABank giai đoạn 2).
Đáng chú ý, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị truy tố Trần Phương Bình cùng đồng phạm về tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng theo khoản 4 Điều 206 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017, có khung hình phạt từ 12 – 20 năm tù.
Tuy nhiên, Viện KSND tối cao truy tố về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng theo khoản 3 Điều 179 Bộ luật Hình sự năm 1999, có khung hình phạt từ 10 – 20 năm tù.
11 bị cáo khác bị truy tố với vai trò giúp sức về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Viện KSND tối cao đã áp dụng nguyên tắc có lợi cho bị cáo.
Ngoài tội danh trên, Trần Phương Bình còn bị xét xử về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản theo khoản 4 Điều 355 Bộ luật Hình sự năm 2015, có khung hình phạt lên tới tù chung thân.
Thẩm phán, Chủ tọa phiên tòa là ông Phạm Lương Toản, Chánh tòa Hình sự TAND TPHCM. HĐXX còn có thẩm phán Đoàn Thị Hương Giang, thẩm phán dự khuyết Bùi Đức Nam.
Đại diện Viện KSND TPHCM tham gia phiên tòa theo sự phân công của Viện KSND Tối cao là các ông, bà Nguyễn Khánh Nam, Lê Thị Đông, Võ Đức Trí. Kiểm sát viên dự khuyết là bà Nguyễn Võ Mai Diễm.
Để làm rõ các nội dung trong vụ án, HĐXX triệu tập 163 công ty, cá nhân là người có quyền và nghĩa vụ liên quan đến vụ án, trong đó có 11 bị án.
12 luật sư thuộc Đoàn luật sư Hà Nội, TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu và Tây Ninh bào chữa cho các bị cáo. Năm luật sư với vai trò người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự.
Cạnh đó, tòa triệu tập năm hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự tại TPHCM, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Lâm Đồng và Tây Ninh và Tổ Giám định thuộc Ngân hàng Nhà nước.
Cáo trạng xác định, trong giai đoạn hai của vụ án về những sai phạm xảy ra tại DongABank, ông Bình đã chỉ đạo thuộc cấp và những người liên quan khác thực hiện hành vi trái pháp luật gây thiệt hại cho ngân hàng khoảng 8.827 tỷ đồng.
Trong đó, ông Bình và đồng phạm cho các nhóm khách hàng: Hiệp Phú Gia, Đồng Tiến, M&C vay tiền trái quy định đầu tư các dự án bất động sản nhưng bị "sa lầy" không thể rút vốn, gây thiệt hại lần lượt gần 3.140 tỷ đồng, 393 tỷ đồng, 3.950 tỷ đồng.
Đối với nhóm khách hàng Tân Vạn Hưng, ông Bình chỉ đạo DongABank chi nhánh quận 10 chuyển dư nợ các khoản vay của công ty này và doanh nghiệp tư nhân Kim Hiền về sở giao dịch để cơ cấu.
Nhằm che giấu tình trạng nợ xấu cho ngân hàng, ông Bình chỉ đạo lãnh đạo, nhân viên DongABank, sở giao dịch cơ cấu các khoản vay vàng đến hạn thành dư nợ Việt Nam đồng, sau đó cho vay 2 khoản mới không có tài sản đảm bảo. Các hợp đồng được tái cơ cấu đều quá hạn nhưng nhóm khách hàng này không đủ khả năng tài chính trả nợ gây thiệt hại hơn 1.269 tỷ đồng.
Ngoài ra, ông Bình còn có hành vi chiếm đoạt của DongABank hơn 75 tỷ đồng thông qua chỉ đạo thuộc cấp xuất quỹ chi sai nguyên tắc để trả nợ các khoản vay và sử dụng cá nhân.
Trong giai đoạn một của vụ án, ông Bình bị cáo buộc cùng Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "nhôm") và 24 đồng phạm chiếm đoạt, gây thiệt hại cho DongABank hơn 3.600 tỷ đồng.
Hồi cuối năm 2018, ông Bình bị TAND TPHCM tuyên án chung thân về các tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Bản án này được TAND cấp cao tại TPHCM giữ nguyên ở phiên phúc thẩm hồi tháng 5/2019.
Phiên xử công khai và kế hoạch diễn ra trong nhiều ngày, dự kiến kết thúc ngày 15/7.
Xuân Duy