Xét xử vụ nổ súng tại Đắk Nông:
“Bị cáo ra Bộ công an đầu thú do không tin công an địa phương”
(Dân trí) - Đó là lời của bị cáo Đặng Văn Hiến, bị truy tố tội Giết người trong ngày làm việc thứ 2, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ nổ súng làm 3 người chết, 13 người bị thương xảy ra tại tiểu khu 1535 (xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức).
Ngày 3/1, TAND tỉnh Đắk Nông tiếp tục phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với các bị cáo trong vụ nổ súng tranh chấp đất đai xảy ra ngày 23/10/2016. Các luật sư tiếp tục đặt câu hỏi cho các bị cáo Đặng Văn Hiến (47 tuổi), Ninh Viết Bình (35 tuổi), Hà Văn Trường (32 tuổi) bị truy tố cùng về tội Giết người; bị cáo Đoàn Văn Diện (37 tuổi) bị truy tố về tội Che giấu tội phạm; bị cáo Nghiêm Xuân Thiên Sửu (55 tuổi, Phó Giám đốc công ty Long Sơn) và Phạm Công Thiện (40 tuổi, Trưởng quản lý công ty Long Sơn) bị truy tố về tội Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản.
Trả lời HĐXX, bị cáo Đặng Văn Hiến (41 tuổi) cho biết, ngay sau khi nổ súng bắn chết công nhân của công ty Long Sơn, bị cáo đã cùng vợ con bỏ trốn khỏi hiện trường, đến ở nhờ nhà một người thân tại tỉnh Bình Phước. Tại đây, Hiến có kể lại cho mọi người toàn bộ sự việc và cho biết sẽ ra đầu thú, tuy nhiên phải chờ mấy ngày nữa.
“Tại nhà bị cáo Diện, tôi có đưa cho anh này một chiếc sim điện thoại và mang đi thật xa, gọi đến số tổng đài để đánh lạc hướng cơ quan CSĐT tỉnh Đắk Nông. Thời điểm đó, tôi rất sợ và hoang mang và dự định sẽ đến đầu thú tại cơ quan công an. Sau đó bị cáo nhờ người liên hệ với luật sư, báo chí để đến Bộ công an đầu thú vì không tin tưởng cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông”, bị cáo này cho hay.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Hiến cho biết, nguyên nhân khiến bị cáo Hiến phải nổ súng dẫn đến 16 người thương vong là từ việc tranh chấp đất đai. Tuy nhiên, cần lưu ý đến trạng thái tinh thần của các bị cáo trong thời điểm đó, và nguyên nhân dẫn đến sự kích động đó chính là cách hành xử của Công ty Long Sơn.
“Việc thực hiện trái pháp luật của công ty Long Sơn đã khiến người dân rất bức xúc nên đã nhiều lần họ kiến nghị lên cơ quan chức năng của tỉnh Đắk Nông nhưng không được giải quyết. Chính vì thế, người dân có quyền nghi ngờ sự tiếp tay của cơ quan chức năng và không khó hiểu khi bị cáo Hiến đến Cơ quan công an phía Nam của Bộ Công an để đầu thú”, Luật sư bào chữa cho bị cáo Hiến cho biết.
Tại phiên tòa, HĐXX cũng cho phép bị cáo đặt câu hỏi với các bị cáo khác. Bị cáo Ninh Viết Bình đã đặt câu hỏi với bị cáo Nghiên Xuân Thiên Sửu- Nguyên Phó giám đốc công ty Long Sơn rằng: “Bị cáo đã từng nhiều lần thách thức người dân chúng tôi đến cơ quan chức năng và bị cáo từng khẳng định mình là 'Thiên Sửu- con trời', bị cáo có nhớ hay không”. Sau câu hỏi của bị cáo Bình, đồng loạt người dân tham dự phiên tòa vỗ tay để ủng hộ câu hỏi này.
Đáp lại, bị cáo Nghiêm Xuân Thiên Sửu một mực phủ định câu nói trên và khẳng định mình chưa bao giờ nói.
Áp dụng hình thức xét xử mới, HĐXX cũng mời một số người dân, là người có đất trên diện tích tranh chấp “nhờ”. Nhiều người dân đã bật khóc khi nhớ lại hành vi của công ty Long Sơn khi trình bày với HĐXX.
Các bị cáo bị VKS đề nghị mức án từ 2 năm đến tử hình
Kết thúc phần xét hỏi, đại diện VKSND tỉnh Đắk Nông trình bày bản luận tội đối với 6 bị cáo. Tong đó, bị cáo Hiến- người trực tiếp gây ra cái chết của 3 công nhân bị đề nghị mức án tử hình; bị cáo Ninh Viết Bình bị đề nghị mức án chung thân; Hà Văn Trường bị đề nghị mức án 15-16 năm tù; bị cáo Nghiễm Xuân Thiên Sửu bị đề nghịu 6-7 năm tù…
Chiều nay, phiên tòa sẽ tiếp tục với phần tranh luận của các luật sư và đại diện VKSND tỉnh Đắk Nông.
Dương Phong