Bệnh viện FV phải bồi thường cho gia đình bệnh nhân 1.000 đồng
(Dân trí) - Chiều 11/11, TAND quận 7 (TPHCM) mở phiên tòa sơ thẩm xử vụ kiện giữa bên nguyên đơn là người nhà của bà Nguyễn Thị C. (sinh năm 1935, đã tử vong vào năm 2011) và bị đơn là công ty trách nhiệm hữu hạn Y tế Viễn Đông Việt Nam (gọi tắt là bệnh viện FV).
Theo hồ sơ vụ án, ngày 18/2/2011, bà Nguyễn Thị C. bị ngã gãy xương đùi nên được gia đình đưa đến điều trị tại bệnh viện FV. Quá trình điều trị kéo dài từ ngày 22/2 đến 2/3/2011, xương đùi bệnh nhân tiến triển tốt nhưng tình trạng suy thận mạn ngày càng nặng, sức khỏe suy yếu.
Sau đó bà C. được chuyển sang bệnh viện Chợ Rẫy để điều trị nhưng tình trạng không cải thiện. Bệnh nhân tiếp tục được chuyển sang Viện Tim TPHCM điều trị và tử vong do sốc nhiễm trùng phổi nặng ngày 20/3/2011.
Sau khi bệnh nhân tử vong, gia đình ông Lê Văn Vui (con trai bà C.) đã gởi đơn đề nghị bệnh viện FV làm rõ trách nhiệm trong việc điều trị thận cho cụ. Cho rằng phía bệnh viện FV không trả lời thỏa đáng, gia đình cụ C. đã khởi kiện ra TAND quận 7 yêu cầu bồi thường thiệt hại về tính mạng.
Thời gian tiếp theo, phía nguyên đơn thay đổi nội dung khởi kiện ban đầu thành yêu cầu bị đơn phải bồi thường 1.000 đồng thiệt hại và phải cải chính, xin lỗi vì những gì bệnh viện FV đã phát ngôn, đăng tải trên báo chí.
Để có cơ sở giải quyết, TAND quận 7 đã đưa hồ sơ vụ việc đi giám định. Kết quả giám định tại Trung tâm Pháp y, Sở Y tế TPHCM kết luận bà C. chết do bị suy thận mạn giai đoạn cuối. Bệnh viện FV đã đánh giá và điều trị chưa phù hợp trong việc chạy thận nhân tạo. Sau đó, Viện Pháp y quốc gia cũng kết luận việc phẫu thuật kết hợp xương đùi trái thể hiện thái độ tích cực nhưng không tiên lượng được khả năng diễn biến của bệnh. Không chấp nhận các kết luận trên, phía bị đơn yêu cầu Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế thành lập Hội đồng chuyên môn giám định lại.
Công văn số 612 ngày 4/6/2018, Hội đồng chuyên môn - Cục Quản lý khám chữa bệnh kết luận quá trình chạy thận nhân tạo cho bệnh nhân có ứ dịch nhưng không phải là nguyên nhân chính gây tử vong. Nguyên nhân tử vong nghĩ nhiều đến sốc nhiễm trùng nhưng không có giải phẫu tử thi nên không thể xác định chắc chắn.
Phía bị đơn yêu cầu tòa bác toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn.
Trong quá trình xét xử, bên nguyên đơn cho rằng bà C. bị thận mạn tính. Việc bệnh viện FV chạy thận, lọc máu không hiệu quả, có sai sót đã dẫn đến biến chứng, khiến bệnh bà trầm trọng hơn. Cả kết luận giám định của Sở Y tế và Trung tâm Pháp y TPHCM đều kết luận điều này.
Đồng thời, ông Lê Văn Vui, đại diện phía nguyên đơn cho rằng việc yêu cầu Cục Quản lý khám chữa bệnh lập hội đồng chuyên môn giám định lại là phía bệnh viện FV tự thực hiện. Nguyên đơn không chấp nhận kết quả giám định này và nghi ngờ có dấu hiệu sửa hồ sơ bệnh án vì số hồ sơ phía bệnh viện FV đưa lên Bộ Y tế khác số hồ sơ bệnh án ban đầu.
Phía người nhà bệnh nhân cũng khẳng định việc đòi 1.000 đồng là để bệnh viện FV thấy rõ cái sai của mình. Số tiền này để công luận thấy rằng gia đình muốn đòi công bằng chứ không phải thấy bệnh viện FV giàu mà tìm cách trục lợi.
Đáp lại, phía bị đơn nói nguyên đơn vu khống vì bệnh án được lưu trữ bằng hồ sơ điện tử nên không thể sửa đổi. Các thành viên của Hội đồng giám định, Bộ Y tế là những người có kinh nghiệm, học vị cao, chuyên gia đầu ngành. Nếu đặt câu hỏi nghi ngờ là xúc phạm họ không có căn cứ. Luật Khám Chữa bệnh quy định rõ kết luận chuyên môn của Hội đồng giám định, Bộ Y tế mới là kết luận cuối cùng nên bệnh viện không làm sai. Đại diện bị đơn khẳng định bệnh viện phải đứng lên để bảo vệ quyền lợi của mình nếu không có gì sai.
Sau khi xem xét toàn bộ nội dung vụ án và diễn biến tại phiên tòa, HĐXX nhận định các kết luận giám định của Trung tâm Pháp y, Sở Y tế TPHCM và Viện Pháp y quốc gia đủ căn cứ nhận định bác sĩ tại bệnh viện FV thiếu kinh nghiệm đánh giá, điều trị, công tác chạy thận cho bệnh nhân tại bệnh viện không hiệu quả. Từ đó, chấp nhận đơn khởi kiện của nguyên đơn, tuyên buộc bệnh viện FV phải xin lỗi công khai và bồi thường số tiền 1.000 đồng.
Xuân Duy