1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Ninh Bình:

Bán thông tin của người khác ra nước ngoài bị phạt thế nào?

Thái Bá

(Dân trí) - Việc thu thập, sử dụng thông tin cá nhân trái phép của nhóm thanh niên ở Ninh Bình rồi bán cho người nước ngoài tùy theo mức độ sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ngày 24/5, lãnh đạo Công an huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình cho biết, liên quan đến vụ việc nhiều người dân tại địa phương bị nhóm đối tượng thu thập, bán thông tin cá nhân cho người nước ngoài, cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an huyện vẫn đang làm rõ vụ việc, đến nay vẫn chưa có kết luận điều tra. 

Bán thông tin của người khác ra nước ngoài bị phạt thế nào? - 1

Đối tượng Hoàng Ngọc Giáp đã bán thông tin cá nhân của nhiều người trong địa phương ra nước ngoài (Ảnh: ANTV).

Trước đó, như Dân trí thông tin, cơ quan CSĐT Công an huyện Kim Sơn đã triệu tập nhóm đối tượng để điều tra, giải quyết vụ việc mua bán dữ liệu thông tin cá nhân. Nhóm đối tượng gồm: Hoàng Ngọc Giáp (SN 1995, trú thị trấn Bình Minh); Trần Văn Tình (SN 1993, trú xã Kim Mỹ) và Trần Thị Ngọc Bích (SN 2001, trú xã Kim Đông) cùng trú huyện Kim Sơn.

Quá trình điều tra, bước đầu cơ quan công an xác định, Giáp, Tình và Bích đã thu thập thông tin cá nhân của hơn 100 người trên địa bàn huyện Kim Sơn, sau đó bán cho một đối tượng ngoại quốc không rõ lai lịch với giá 35 USD/người.

Từ tháng 3/2022 đến nay, Giáp nhận được số tiền gần 80 triệu đồng do người có quốc tịch ngoại quốc chuyển. Trong đó, đối tượng hưởng lợi khoảng 30 triệu đồng, Tình và Bích mỗi người hưởng lợi khoảng hơn 20 triệu đồng.

Bán thông tin của người khác ra nước ngoài bị phạt thế nào? - 2

Mỗi thông tin cá nhân bán cho đối tượng nước ngoài, nhóm của Giáp thu về số tiền 35 USD (Ảnh minh họa).

Trao đổi với PV Dân trí về vụ việc trên luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn Luật sư TP Hà Nội - cho hay, việc thu thập, sử dụng thông tin cá nhân trái phép, mua bán dữ liệu cá nhân là những hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm luật an ninh mạng. Tùy vào tính chất mức độ của hành vi vi phạm và hậu quả xảy ra mà người vi phạm có thể bị phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Luật sư Cường dẫn trường hợp hành vi mua bán, thu thập, sử dụng trái phép thông tin cá nhân nhưng chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng thì sẽ bị phạt hành chính theo quy định tại Nghị định số 15/2020/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện.

Trường hợp hành vi mua bán trái phép thông tin cá nhân cho các đối tượng để thực hiện hành vi phạm tội như lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cưỡng đoạt tài sản hoặc các hành vi xâm phạm an ninh quốc gia thì hành vi này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các tội danh tương ứng với vai trò đồng phạm giúp sức.

Bán thông tin của người khác ra nước ngoài bị phạt thế nào? - 3

Luật sư Đặng Văn Cường (Ảnh: Thái Bá).

Hành vi chuyển đưa trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 288 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 với mức phạt có thể tới 7 năm tù.

"Những thông tin cá nhân bị chiếm đoạt và bán ra nước ngoài thì tính chất nguy hiểm sẽ cao hơn rất nhiều. Các đối tượng thu thập trái phép thông tin cá nhân của người Việt Nam có thể thực hiện các hành vi tội phạm quốc tế dẫn đến khó phát hiện, khó xử lý, thậm chí có thể sử dụng để thực hiện các hoạt động tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân công dân mà còn liên quan đến an ninh quốc gia đến các hoạt động của các cơ quan nhà nước" - Luật sư Cường nói.

Luật sư Cường chia sẻ thêm, thời gian gần đây rất nhiều đối tượng ở nước ngoài đã sử dụng thông tin của người Việt Nam để thực hiện các hoạt động lừa đảo như giả danh cơ quan bảo vệ pháp luật, giả danh công ty bưu chính để lừa đảo khiến rất nhiều nạn nhân sập bẫy của nhóm đối tượng này.

Bán thông tin của người khác ra nước ngoài bị phạt thế nào? - 4

Đối tượng Giáp và Tình tại cơ quan công an để làm rõ hành vi mua bán thông tin cá nhân (Ảnh: ANTV).

Các đối tượng cũng có thể sử dụng thông tin cá nhân công dân để vay tiền, thực hiện các giao dịch trái pháp luật gây khó khăn cho cơ quan nhà nước trong việc quản lý dân cư, quản lý kinh tế xã hội. Các đối tượng tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia có thể sử dụng thông tin cá nhân của người khác để che giấu bản thân, nhằm thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.

"Hành vi mua bán dữ liệu cá nhân là hành vi ngày càng nguy hiểm cho xã hội, gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội. Bởi vậy, cơ quan chức năng cần phát hiện xử lý nghiêm minh, kịp thời các đối tượng vi phạm để răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội và đảm bảo an ninh an toàn mạng" - Luật sư Cường nêu quan điểm.