1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Kỷ niệm ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2:

Bác sĩ và những bệnh nhân áo sọc

Mặc dù biết bệnh tình của mình nhiễm phải sẽ không còn sống được lâu, nhưng khi chứng kiến sự tận tình của bác sĩ Hải, bệnh nhân đó đã không cầm nổi nước mắt và thốt lên rằng đến người nhà của anh ta cũng chưa chắc đã chăm sóc được như vậy.

Bác sĩ trong trại giam là những bác sĩ cũng mặc áo blouse trắng, cũng chữa trị cho những bệnh nhân với đủ các loại bệnh khác nhau. Chỉ có điều bên cạnh chiếc áo blous trắng là bộ sắc phục cảnh sát  màu xanh lá mạ và bệnh nhân của họ là những bệnh nhân đặc biệt, những bệnh nhân mặc áo sọc.
 
Những bệnh nhân đặc biệt

Những bệnh nhân đặc biệt

17 năm gắn bó với Trại tạm giam số 2 Công an TP Hà Nội, Đại úy - bác sĩ Nguyễn Thanh Hải - Bệnh xá trưởng của trại đã chăm sóc, chữa trị cho hàng nghìn bệnh nhân chia sẻ: “Mỗi người ở ngoài xã hội đều có những hoàn cảnh, lối sống khác nhau, nhưng khi đã bước chân vào đây và khoác trên mình bộ quần áo sọc, họ đều nhận được những sự đối xử và chăm sóc một cách công bằng”.

Cho dù những phạm nhân đã từng phạm những tội lỗi nghiêm trọng, nhưng trong con mắt của bác sĩ Nguyễn Thanh Hải thì những con người đó vẫn cần phải nhận được sự quan tâm chăm sóc để làm dịu bớt nỗi đau thể xác.

Ở Trại tạm giam số 2, những phạm nhân nghiện ma túy không phải là ít, trong số này có nhiều người bị nhiễm HIV và đã chuyển sang AIDS giai đoạn cuối. Họ thường mắc phải nhiều loại bệnh khác nhau, đặc biệt là các bệnh nhiễm trùng sinh ra lở loét, lao phổi, zola, nấm miệng, tiêu chảy… Chiếm đến 50% số bệnh nhân phải nằm điều trị tại bệnh xá của trại đã bị nhiễm HIV.

Những người này trong quá trình “tung hoành” ngoài xã hội do nghiện hút, chơi bời đã phá sức ghê gớm nên khi đổ bệnh và chuyển sang giai đoạn AISD cơ thể gần như đã suy kiệt đến tận cùng. Những lúc như vậy ngoài vai trò là các bác sĩ, anh cùng đồng nghiệp phải thay mặt cả những người thân để chăm sóc cho họ.

 Đại úy Hải vẫn nhớ như in trường hợp của một bệnh nhân nhiễm HIV quê ở Đông Anh được chuyển vào trại trong tình trạng vô cùng nguy hiểm. Bệnh nhân này do lở loét và giữ vệ sinh không tốt nên đã bị hoại tử hết một bên cơ đùi.

Khi anh tiếp nhận và tháo băng gạc, toàn bộ phần thịt một bên đùi đã bị thối và giòi làm tổ, đồng thời hở toàn bộ xương đùi từ phần hông cho đến đầu gối. Chứng kiến cảnh tượng đó không ít người phải quay mặt đi, nhưng bác sĩ Hải vẫn tận tình lau rửa vết thương và khâu dần lại.

Sau 2 tháng liền tích cực điều trị và chăm sóc, vết thương đó đã lành da và sức khỏe của bệnh nhân dần hồi phục trở lại. Mặc dù biết bệnh tình của mình nhiễm phải sẽ không còn sống được lâu, nhưng khi chứng kiến sự tận tình của bác sĩ Hải, bệnh nhân đó đã không cầm nổi nước mắt và thốt lên rằng đến người nhà của anh ta cũng chưa chắc đã chăm sóc được như vậy.

Một trường hợp khác bác sĩ Hải cũng phải trực tiếp điều trị là một bệnh nhân nhiễm HIV bị mắc bệnh viêm da tiết bã toàn thân. Gần như 100% diện tích cơ thể bị lở loét, kể cả các phần hốc mắt, mũi, miệng. Trong những tình huống đó, nếu không có tâm niệm về y đức thì khó có thể giúp cho bệnh nhân vượt qua được giây phút hiểm nghèo.

Đại úy Hải tâm sự, đối với những phạm nhân bị nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS nằm điều trị tại trạm xá, nếu không phải gánh nặng tình người, vì con người thì khó có thể hoàn thành nhiệm vụ.

Và đã làm bác sĩ của những bệnh nhân đặc biệt này, ngoài sự tận tụy với công việc thì còn phải hết sức tinh thông nghiệp vụ. Bởi không ít bệnh nhân có rất nhiều chiêu trò giả bệnh để tìm cách trốn trại. Để đạt được mục đích, can phạm tìm nhiều cách gây tự thương hòng tạo ra triệu chứng của những căn bệnh nặng.

Nhiều trường hợp can phạm có biểu hiện ho ra máu và yêu cầu được gặp bác sĩ để khám bệnh. Nếu mới nhìn qua thì tưởng bệnh nhân đang mắc một chứng bệnh rất nặng, nhưng với bác sĩ có kinh nghiệm sẽ phát hiện ra rằng can phạm nuôi móng tay dài sau đó dùng móng tay để chọc vào cổ họng gây chảy máu, khiến người ta có cảm giác bệnh nhân đang ho ra máu thật.

Ranh mãnh hơn có đối tượng ngậm thuốc đánh răng trong mồm rồi giả vờ lên cơn co giật, sùi bọt mép. Thậm chí có can phạm liều lĩnh đến mức nuốt con cuốn chiếu hoặc đuôi thạch sùng khiến cho bụng bị căng chướng vài ngày, bác sĩ khó xác định được nguyên nhân.

Tất cả những trò ma mãnh giả bệnh mà can phạm bày ra đều nhằm mục đích được ra khỏi trại để đến bệnh viện tuyến trên. Nếu bác sĩ không có kinh nghiệm thì rất có thể bị các đối tượng này lợi dụng nhằm mục đích thông cung sau khi đã được ra ngoài, gây khó khăn cho quá trình điều tra.

Lại cũng có những bệnh nhân khi vào đây điều trị do tâm lý bất ổn đã tìm mọi cách tự thương nhằm gây áp lực với các bác sĩ và cán bộ trong trại. Lúc đó các bác sĩ trong trại lại đóng vai trò như những chuyên gia tâm lý vừa động viên lại phải vừa tìm cách để điều trị cho họ.

17 năm công tác chưa có 1 ngày nghỉ phép

Đại úy Nguyễn Thanh Hải chia sẻ: “Với nhiều người, công việc vất vả ở bệnh xá của Trại tạm giam số 2 họ có thể chịu đựng được. Nhưng cái khó vượt qua nhất đó chính là vấn đề thời gian. Nếu vượt qua được thử thách này thì mới có thể yên tâm gắn bó với công việc.

Trại tạm giam số 2 hiện có hơn 800 phạm nhân nhưng chỉ có 2 bác sĩ và 4 y tá. Do vậy bệnh xá của trại luôn ở trong tình trạng quá tải, vào những lúc cao điểm có thể lên tới 40 bệnh nhân nằm điều trị.

Nhiều lúc công việc dồn dập, cả tuần chúng tôi không có thời gian để về nhà. Rồi lại có những khi tới 14, 15 phạm nhân bị nhiễm HIV nằm chờ chết tại bệnh xá bất cứ lúc nào. Thực sự những lúc như vậy tôi cũng cảm thấy nản.

Nhưng rất may là những giây phút như vậy cũng qua nhanh và kịp thời lấy lại tinh thần làm việc. Bù lại, niềm vui của tôi và các đồng nghiệp ở đây là làm cho các bệnh nhân sống, khỏe lại bình thường. Có đến 70-80% nhiễm HIV chuyển sang giai đoạn AIDS được đưa vào bệnh xá đã có thể hồi phục bình thường, mà nếu không được chữa chạy kịp thời thì chắc chắn là sẽ chết”.

Theo lẽ thường thì bệnh xá trong trại giam là nơi chăm sóc y tế ban đầu, để điều trị chuyên sâu phải dành cho tuyến trên. Thế nhưng ở tại bệnh xá Trại tạm giam số 2 nói riêng và các bệnh xá trong các trại giam nói chung lại là chuyện khác. Đại úy Nguyễn Thanh Hải ví von bệnh xá của mình “vừa là bệnh viện tuyến đầu nhưng cũng là bệnh viện tuyến cuối”.

17 năm gắn bó với công tác khám chữa bệnh ở trại Tạm tạm giam số 2 chưa năm nào Đại úy - bác sỹ Nguyễn Thanh Hải có được một ngày nghỉ phép. Và kể từ ngày lấy vợ và cho đến nay con gái đầu của anh đã được 11 tuổi, chưa có một lần anh đưa vợ con đi chơi xa. Đó là những thiệt thòi mà một người bác sĩ như anh buộc phải chấp nhận.

Và cũng do đặc thù nghề nghiệp, gần như Tết năm nào bác sĩ Hải cũng phải đón giao thừa ở tại trại giam. Khi tôi hỏi, nếu được lựa chọn lại, liệu anh có còn gắn bó với công việc ở trại?

Đại úy Nguyễn Thanh Hải đã trả lời không chút ngập ngừng: “Đôi lúc tôi cũng cảm thấy dao động với con đường đã chọn bởi với tay nghề của mình, nếu ra làm ở ngoài có thể có thu nhập cao, công việc lại không đến mức quá vất vả, nhưng tôi vẫn gắn bó với bệnh xá của trại vì đã xác định đây là nghiệp thì mình phải theo và làm tròn trách nhiệm của mình. Đã là người bác sĩ thì ở đâu cũng có những người bệnh nhân đang cần tới mình cứu giúp”.

Theo Duy Minh
An ninh thủ đô