1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Ba nỗi đau trong vụ án Hàn Đức Long: Mong được làm người bình thường

Buổi sáng, ông Hàn Đức Long dậy từ sớm. Ông bồn chồn đứng ngồi không yên vì chiều nay, ông sẽ được Toà án cấp cao tại Hà Nội tổ chức xin lỗi công khai.

Người đàn ông từng có hơn 11 năm mang tiếng oan ức hiếp dâm trẻ em, giết người ấy đã cố sống trong buồng biệt giam để chờ đợi cái giây phút danh dự ông được trả lại. Nhưng có lẽ, một lần nữa, ông trời vẫn chưa chịu dứt cơn thịnh nộ.

Chìm nổi kiếp người

Bà Mai, vợ ông Long cẩn thận lấy ra từ trong tủ chiếc áo trắng còn nguyên nếp gấp, giục ông thay áo nhanh còn lên UBND xã. Vợ chồng bà cũng như họ hàng làng xóm chờ đợi giây phút này lâu lắm rồi.

Bà cẩn thận thắp nén nhang trước khi hai vợ chồng ân cần nắm tay nhau bước ra ngõ, dịu dàng, e thẹn như đôi uyên ương trong ngày trọng đại.

Bà Mai trước giờ ra hội trường
Bà Mai trước giờ ra hội trường

Chỉ có điều, ông Long buộc phải níu vào bàn tay vợ cho khỏi ngã, vì sau những tháng ngày dài đằng đẵng trong buồng biệt giam, sức khoẻ của ông yếu đi nhiều, ông đi lại không còn được vững vàng như trước. Nhìn ông gầy gò, rúm ró trong chiếc áo trắng mới tinh, khó ai có thể ngăn giọt nước mắt.

Tôi còn nhớ cách đây mấy năm, khi vào Trại tạm giam Công an tỉnh Bắc Giang công tác, hầu như các tử tù đợi thi hành án ở nơi đây tôi đều gặp lần lượt, từ vị bác sĩ trong trại cai nghiện buôn ma tuý, một gã thanh niên sát hại con tin là cháu bé 2 tuổi cho đến một nữ tử tù buôn ma tuý, họ đều tỏ thái độ ân hận, ăn năn, tiếc nuối về những tội lỗi của mình, riêng Hàn Đức Long thì khác, ông Long luôn nói mình bị oan, dù vụ án xảy ra (tính đến thời điểm đó) là gần chục năm.

Và chúng tôi, tất nhiên là không thể tin lời một tử tù bằng những hồ sơ, những quyết định của toà án. Khi đó, tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng, chẳng qua đó là "văn" của một kẻ thủ ác nhằm trốn tránh tội lỗi của mình.

Nhưng, không hiểu vì sao tất cả các tử tù tôi gặp ở Trại Kế hôm ấy, khi về tôi đều viết bài ngay, còn Hàn Đức Long thì không. Có điều gì đó ẩn sau đôi mắt nhìn chúng tôi rực lửa, như kìm nén điều gì đó đau đớn, và hình như những phẫn uất, những bức xúc khiến ông Long không thể diễn đạt một cách trọn vẹn.

Bẵng đi một thời gian, tôi lại lên đây công tác, với ý định phải nói chuyện thật lâu, thật kĩ với tử tù này. Nhưng anh em cán bộ quản giáo can, bảo rằng ông Long giờ không bình thường, hay chửi, thái độ cực kì bất mãn. Tất nhiên, điều tôi mong muốn được tiếp xúc với ông Long không thành sự thật.

Vụ án mà ông Hàn Đức Long, ở xã Phúc Sơn, huyện Tân Yên, Bắc Giang, bị cáo buộc là thủ phạm, là một vụ hiếp dâm trẻ em, giết người gây phẫn uất dư luận. Nạn nhân là một cháu bé 5 tuổi, ở cách nhà ông Long chỉ một đoạn ngắn.

Hồ sơ vụ án cho biết: Khoảng 19h ngày 16-5-2005, vợ chồng anh Sơn, chị Liễu (ở xã Phúc Sơn, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) đi làm về thì phát hiện con gái là cháu Nguyễn Thị Yến (17 tuổi) mất tích. Sáng hôm sau, xác cháu Yến được nhân dân phát hiện ở ngoài đồng với nhiều dấu hiệu nghi bị hiếp dâm.

Chỉnh lại trang phục cho chồng.
Chỉnh lại trang phục cho chồng.

Vụ án bế tắc khi ròng rã 4 tháng, cơ quan điều tra Công an tỉnh Bắc Giang không tìm ra thủ phạm nên đã ra quyết định đình chỉ vụ án, đồng thời phát động quần chúng tố giác tội phạm.

Đúng lúc đó, một lá đơn tố cáo ông Long chính là hung thủ gây tội ác với cháu bé, đồng thời tố cáo ông Long đã từng hiếp dâm hai mẹ con bà. Đáng chú ý, thời điểm đó, giữa gia đình ông Long và gia đình bà Khuyến đang xảy ra tranh chấp đất đai, bản thân bà Khuyến 74 tuổi.

Từ lá đơn này, cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Bắc Giang bắt giam Hàn Đức Long để điều tra. Trong quá trình hỏi cung, ông Long khai nhận hiếp dâm rồi giết cháu Yến.

Tuy nhiên, quá trình điều tra về nội dung bà Khuyến tố cáo ông Long hiếp dâm mẹ con bà, cơ quan chức năng đã kết luận, ông Long không có hành vi hiếp dâm mẹ con bà Khuyến.

Số phận của ông Hàn Đức Long từ đó chìm nổi theo 4 lần toà xét xử. Lần nào ông cũng lĩnh án tử hình. Và cuối cùng, sau rất nhiều lần huỷ án sơ thẩm rồi phúc thẩm để điều tra lại từ đầu, người ta vẫn buộc tội ông Long là thủ phạm.

Người đàn ông ấy đã mang một vết nhơ không chỉ đối với bản thân mà đối với cả gia đình, dòng họ. Nhưng từ trong sâu thẳm, ông vẫn tin rồi một ngày, công lý được thực thi, người ta sẽ minh oan cho ông.

Hành trình 11 năm trời vác đơn kêu oan cho chồng của người vợ thuỷ chung son sắt, đã được đền đáp xứng đáng. Trưa 20-12-2016, cán bộ đến buồng giam thông báo ông Long được tự do, ông không tin vào tai mình, phải nhờ cán bộ đọc đi đọc lại quyết định. Ngày ấy, ông bảo, đối với ông là ngày đẹp nhất.

Niềm vui hoá nỗi buồn

Nếu như trước khi được vợ dắt tay tới Nhà văn hoá UBND xã Phúc Sơn để nghe Toà án cấp cao tại Hà Nội đọc lời xin lỗi, ông vui bao nhiêu thì khi đến trước cửa UNBD xã, ông đau đớn bấy nhiêu, khi thấy nhiều người trong gia đình nạn nhân đang chửi bới, hò hét, xông vào giật đổ tấm biển căng dòng chữ xin lỗi.

Họ cho rằng, chừng nào thủ phạm thực sự của vụ án chưa được tìm thấy thì ông Long vẫn phải ở trong tù, chứ không thể qua 4 phiên xét xử, 4 lần bị tuyên án tử hình, giờ đây lại được tổ chức xin lỗi một cách trang trọng như thế.

Ông Long được người ta dẫn vào góc hội trường, lặng lẽ đứng ở một vị trí khuất nẻo, và cho dù bên dưới nháo nhào như một cái chợ vỡ, gia đình nạn nhân ẩu đả với lực lượng bảo vệ, chai lọ, dép guốc bị ném về phía những người thực thi nhiệm vụ, thì đại diện Toà án cấp cao tại Hà Nội vẫn cố gắng đọc lời xin lỗi một cách gấp gáp.

Chúng tôi không nghe thấy gì, vợ chồng ông Long cũng không nghe thấy gì. Sau đó, lại lặng lẽ như lúc đến, ông Long được người ta đưa ra xe đi về nhà. Chúng tôi hiểu, giây phút ấy, vợ chồng, con cái ông phải nuốt ngược nước mắt vào trong, một lần nữa chấp nhận trò đùa của số phận, nhưng là một cách bình thản trước cơn cuồng nộ của tạo hoá.

Ông mệt xỉu, về đến nhà là ngã vật ra giường. Cơn huyết áp tăng đột ngột. Chúng tôi gọi điện cho bà Mai - vợ ông, bà rầu rĩ chả thốt nên lời. Nhưng bà nói, vợ chồng bà không trách cứ gì gia đình nạn nhân, vì biết nỗi đau đớn của họ.

11 năm nay, gia đình họ đau như thế nào thì gia đình bà cũng đau đớn, tan nát như thế. Hàng loạt biến cố ập đến khi ông Long bị bắt, bị tuyên án.

Con trai bà phải nghỉ học giữa chừng để cùng mẹ lên Hà Nội làm thợ hồ. 11 năm, bà và các con ra đường không thể ngẩng mặt lên nhìn ai. Tất cả xa lánh, cô lập, vì không ai tha thứ được cho một kẻ hiếp dâm, giết người.

Giờ đây, dù đã được minh oan rồi, ông Long cũng chưa thể đi lại, sinh hoạt thoải mái như một người bình thường trong làng. Bà Khuyến - người đàn bà 11 năm trước đã viết đơn đẩy ông Long vào kiếp tù tội, thỉnh thoảng giáp mặt vẫn chửi bóng gió, móc máy.

Nhưng bà Khuyến già rồi, ông Long không muốn nói lại. Vả lại, nỗi đau đớn mà ông phải gánh chịu lớn hơn gấp nhiều lần miệng lưỡi của một người đàn bà đã hại cuộc đời ông.

Nhưng, sau tất cả, điều khiến ông Long day dứt nhất đó là thủ phạm đích thực của vụ án chưa lộ diện, vì thế, gia đình nạn nhân vẫn có quyền nghi ngờ ông, căm thù ông. Họ đơn thuần là những người nông dân chăm chỉ làm lụng, thông tin mà họ nhận được về vụ án, từ đầu đến giờ cũng chỉ thông qua cơ quan chức năng.

Và, họ bị hạn chế bởi kiến thức xã hội, hạn chế về nhận thức, cộng thêm một chút kích động từ những người thiếu thiện chí, muốn bóp méo sự việc, nên đã xảy ra những chuyện đáng tiếc trong một buổi chiều, lẽ ra đối với ông Long là rất vui.

Niềm vui sau hơn 10 năm của vợ chồng ông Long.
Niềm vui sau hơn 10 năm của vợ chồng ông Long.

Giá như cơ quan chức năng làm tốt công tác tuyên truyền, giải thích với gia đình bị hại, thì có lẽ, giờ này, ông Hàn Đức Long đã trở về sống yên ổn bên gia đình, bên hàng xóm láng giềng và xoá nhoà mối mặc cảm, nghi kỵ bấy lâu nay giữa gia đình ông và gia đình bị hại.

Chứ không phải là sau một thời gian dài oan khuất, ông Long lại tiếp tục nhận một nỗi đau khác, dai dẳng, phi lý, vô cùng bất công với cuộc đời ông. Trong vụ án này, nỗi đau thứ nhất là ông Hàn Đức Long không phải thủ phạm mà bị khép tội, dẫn tới 11 năm bị giam cầm oan ức.

Nỗi đau thứ hai là gia đình bị hại đến giờ vẫn day dứt vì không biết thủ phạm gây án với con mình là ai. Nỗi đau thứ ba, đó là khi ông Long đã được minh oan nhưng gia đình nạn nhân không chấp nhận, và mối thâm thù này không biết đến khi nào mới được hoá giải.

Họ đều là những người nông dân, quanh năm hiền hoà như nắm đất, ngọn cỏ. Bỗng nhiên họ bị đẩy sang hai chiến tuyến, xuất phát từ sự làm việc tắc trách của những người thực thi nhiệm vụ. Bài học này, nỗi đau này, mong là những người làm công tác trong ngành bảo vệ pháp luật đừng bao giờ một lần nữa phạm sai lầm.

Theo Đinh Hiền

Cảnh sát toàn cầu