1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Anh trai ông chủ Nhật Cường khai gì tại tòa?

(Dân trí) - Bị cáo Bùi Quốc Việt (anh trai ông chủ Nhật Cường) thừa nhận có một số lần đi nhận hàng lậu cho Công ty Nhật Cường, trong đó có 3 lần nhận hàng từ một người tên Lợi đi xe bồn chở xăng đến Hà Nội.

Chiều nay (5/5), Hội đồng xét xử (HĐXX) TAND TP Hà Nội tiến hành xét hỏi các bị cáo trong vụ án "Buôn lậu", "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường (gọi tắt là Công ty Nhật Cường).

Anh trai ông chủ Nhật Cường khai gì tại tòa? - 1

Quang cảnh phiên tòa.

Ông chủ Nhật Cường vẫn "cao chạy xa bay"

Trước đó, đại diện Viện kiểm sát (VKS) công bố cáo trạng thể hiện từ năm 2014 - 2019, Bùi Quang Huy, Tổng Giám đốc Công ty Nhật Cường (đang bỏ trốn) đã trực tiếp chỉ đạo lãnh đạo, nhân viên Công ty thực hiện hành vi giao dịch, mua bán trái phép 255.311 sản phẩm (Điện thoại các loại hiệu Iphone, Blackberry, HTC New One, Galaxy, hiệu YotaPhon; máy tính các loại hiệu Apple iPad, hiệu API các loại máy nghe nhạc hiệu Apple; Đồng hồ thông minh hiệu - các phụ kiện Chuột Macbook, sạc, cáp, tai nghe), tổng giá trị 2.927 tỷ đồng của 16 nhà cung cấp tại Hồng Kông, Trung Quốc. Thông qua hệ thống các cửa hàng của Công ty Nhật Cường trong nước, Bùi Quang Huy đã tiêu thụ được 254.364 sản phẩm, thu lợi bất chính 221 tỷ đồng.

VKSND Tối cao nhận định, đây là vụ đồng phạm có tổ chức, có sự cấu kết giữa các bị can trong việc thực hiện hành vi phạm tội, trong đó, Bùi Quang Huy là người tổ chức, chủ mưu, cầm đầu, điều hành toàn bộ hoạt động buôn lậu. Các bị can trong vụ án là người thực hành, người giúp sức thực hiện tội phạm.

Theo nội dung cáo trạng, năm 2014, Bùi Quang Huy chỉ đạo lập 2 hệ thống sổ sách kế toán để theo dõi hoạt động kinh doanh của công ty, chỉ đạo Nguyễn Bảo Ngọc, Giám đốc tài chính và Nguyễn Thị Bích Hằng, Kế toán trưởng của Công ty Nhật Cường, sử dụng, ghi chép số liệu liên quan đến hoạt động của Công ty Nhật Cường trên hai hệ thống sổ sách kế toán tại phần mềm ERP và phần mềm MISA.

Trong đó, có nhiều số liệu về tài sản nguồn vốn, doanh thu, lợi nhuận, chi phí, tiền đầu tư vào các công ty con do Bùi Quang Huy thành lập… chỉ được ghi chép trên phần mềm ERP để theo dõi nội bộ, không ghi chép trên phần mềm MISA để đưa vào các báo cáo thuế, báo cáo tài chính, kê khai với cơ quan quản lý nhà nước.

Cáo trạng xác định việc lập 2 hệ thống sổ sách kế toán đã bỏ ngoài sổ sách kế toán tài sản, nguồn vốn hoạt động thực tế của công ty nhằm che giấu doanh thu thật, trốn thuế gây thiệt hại cho Nhà nước gần 30 tỷ đồng thuế GTGT và thu nhập doanh nghiệp.

Tại tòa, bị cáo Nguyễn Bảo Ngọc - Giám đốc tài chính Công ty Nhật Cường khai đã trực tiếp sử dụng hệ thống phần mềm ERP để duyệt thu, chi của toàn hệ thống doanh nghiệp. Bị cáo Ngọc phụ trách việc quản lý thu tiền từ các đại lý bán hàng và chi tiền nhập hàng, mua bán, trả lương…

Anh trai ông chủ Nhật Cường khai gì tại tòa? - 2

Bị cáo Nguyễn Bảo Ngọc, Giám đốc tài chính Công ty Nhật Cường.

Trả lời HĐXX, Nguyễn Bảo Ngọc khai đã dùng phần mềm ERP từ năm 2013 và chi số tiền nhập khẩu hàng không hóa đơn trị giá hơn 2.900 tỷ đồng. Trong đó, Ngọc chi cho bị cáo Ngô Xuân Sửu - Giám đốc Công ty Thanh Sơn khoảng 200 tỷ đồng, vì Sửu nằm trong đường dây cung cấp hàng lậu cho Bùi Quang Huy.

Ngoài ra, Ngọc thanh toán cho các nhà cung cấp có địa chỉ nước ngoài thông qua 2 tiệm vàng ở Hà Nội. Trong đó, bị cáo thanh toán qua tiệm vàng Lộc Phát (ở phố Hà Trung) số tiền hơn 1.729 tỷ đồng và qua tiệm vàng Thuận Phát (ở phố Hàng Bạc) hơn 795 tỷ đồng.

Cáo trạng vụ án thể hiện, chủ 2 tiệm vàng trên không thừa nhận giúp Bùi Quang Huy chuyển tiền ra nước ngoài. Ngoài ra, do bị can Bùi Quang Huy đang bỏ trốn nên cơ quan điều tra chưa đủ cơ sở xử lý 2 tiệm vàng này.

Tại tòa, bị cáo Trần Ngọc Ánh - Phó Tổng Giám đốc Công ty Nhật Cường khai, Công ty Nhật Cường được thành lập năm 2002 và ban đầu chỉ tập trung lĩnh vực sửa chữa điện thoại di động.

Từ năm 2011, doanh nghiệp này mở rộng mảng bán lẻ và nhanh chóng phát triển lên 9 địa điểm tại Hà Nội nên Ánh được giao nhiệm vụ đi thuê cửa hàng, tập huấn cho nhân viên…

Công ty Nhật Cường nhanh chóng phát triển ra 9 cửa hàng tại Hà Nội với các chi nhánh, doanh thu cao nhất tại phố Lý Quốc Sư, Xuân Thủy, Láng Hạ. Nguồn hàng ban đầu nhập từ trong nước, tại các Công ty Nokia, Samsung… nhưng sau đó nhập thêm hàng không hóa đơn từ nước ngoài.

Anh trai ông chủ Nhật Cường khai gì tại tòa? - 3

Bị cáo Trần Ngọc Ánh - Phó Tổng Giám đốc Công ty Nhật Cường.

Theo Trần Ngọc Ánh, trong công ty, Bùi Quang Huy là ông chủ, có vai trò chính, chỉ đạo toàn bộ hoạt động và phụ trách nhập hàng.

"Từ tháng 7/2015, anh Huy muốn mở rộng thêm lĩnh vực về phầm mềm nên giao thêm quyền cho các bị cáo mua hàng nước ngoài gồm cách nhập khẩu có hóa đơn, hợp đồng và có cả cách mua trực tiếp, thuê vận chuyển, không đóng thuế" - Trần Ngọc Ánh khai.

Tuy nhiên, bị cáo Ánh cho rằng bản thân chỉ tham gia các nhóm chát trên mạng xã hội để tư vấn cho Bùi Quang Huy về giá nhập khẩu; chủng loại, số lượng hàng cần mua…

Trần Ngọc Ánh trình bày: "Anh Huy và bị cáo không bàn bạc với nhau, Huy là ông chủ. Các bị cáo làm thuê lâu năm nên được giao nhiệm vụ cứ làm theo, không ý kiến gì… Dưới bị cáo có một số nhân viên kinh doanh như Hoàng Văn Phong trợ giúp bị cáo tư vấn mặt hàng cần mua và Mai Tiến Dũng (đã chết). Họ chỉ tư vấn chứ không trực tiếp mua hàng. Tìm nguồn, thỏa thuận giá là anh Huy làm còn các bị cáo chỉ tham gia nên mua hàng nào, giá nào".

Không biết em trai đang ở đâu, làm gì

Anh trai ông chủ Nhật Cường khai gì tại tòa? - 4

Bị cáo Bùi Quốc Việt - anh trai ông chủ Nhật Cường Bùi Quang Huy.

Cũng tiến hành khai báo, bị cáo Bùi Quốc Việt (anh trai ruột bị can Bùi Quang Huy) cho biết từng đi xuất khẩu lao động tại Đức từ năm 1989 đến năm 2004 mới về nước. Sau đó, do thất nghiệp nên gia đình động viên vào làm tại Công ty Nhật Cường của em trai.

"Bị cáo ở công ty đi trông xe ngoài vỉa hè, làm được lương hơn 1 triệu/tháng và đến năm 2019 là 6 triệu đồng. Bị cáo cứ ai giao việc thì làm, công nhân viên nhờ bị cáo sẽ đi, bận việc riêng thì thôi" - bị cáo Việt nói.

Chủ tọa hỏi thêm về công việc khác, bị cáo Việt khai: "Từ năm 2012, sau khi bị cáo lấy vợ, bị cáo đi thu tiền từ các cửa hàng bán lẻ, ngày nào cũng đi. Cứ 8h30 bị cáo đến, đi hơn 10 cửa hàng thu tiền rồi ra ngân hàng nộp, đến 12h hết trách nhiệm về".

Bị cáo Việt cũng thừa nhận có một số lần đi nhận hàng lậu cho Công ty Nhật Cường, trong đó có 3 lần nhận hàng từ một người tên Lợi đi xe bồn chở xăng đến Hà Nội. Tuy nhiên, về trị giá số hàng này hơn 7 tỷ đồng, Bùi Quốc Việt khai không biết vì bản thân "chỉ biết nhận".

Bùi Quốc Việt nói thêm, bị bắt vào ngày 10/7/2020 tại trụ sở C03 Bộ Công an và trước đó không liên lạc với em trai Bùi Quang Huy; bị cáo không biết Huy đã, đang đi đâu, làm gì.

 Nguyễn Dương
 
Dòng sự kiện: Xử vụ Nhật Cường