Ánh sáng hoàn lương...
“Từ ngày vào đây, cháu mới được yên tâm vì không còn lo bị ăn đói mặc rét, bị trả thù. 26 tuổi đầu, vào đây cháu mới được dạy chữ, dạy cho những bài học làm người.”- phạm nhân Trần Phạm Duy (26 tuổi) hiện đang thụ án tù chung thân tại Trại giam Hoàng Tiến kể.
Trong không khí phơi phới tươi vui đón chào năm mới, Duy và các phạm nhân đang nỗ lực cải tạo tốt để bước về phía mùa Xuân với ánh sáng hoàn lương.
Đời chất chồng bất hạnh
Duy là con trai lớn trong một gia đình nghèo đông con có người cha đau ốm, nát rượu và người mẹ cam chịu nhịn nhục. Ký ức về tuổi thơ của Duy là những tháng ngày đói rách, triền miên chịu cảnh đòn roi mắng chửi của cha. Duy chưa từng được cắp sách đến trường vì phải ở nhà trông em giúp mẹ chạy chợ kiếm tiền mua thuốc, mua rượu cho ba và trang trải gia đình. Rồi người cha bạo ngược qua đời, nhưng cuộc sống của mẹ con Duy vẫn ảm đạm như trước. Thương mẹ, mới 12 tuổi đầu, Duy đã xin đi làm thợ hồ để có tiền đỡ đần mẹ phần nào.
Trên đường mưu sinh vất vả, Duy đã bị cuốn theo những cám dỗ. Kiếm được đồng nào, cậu ta thả sức chơi bời quậy phá, rồi nhanh chóng theo chúng bạn bỏ làm, trở thành trẻ lang thang đầu đường xó chợ, chuyên sống bằng nghề gây hấn, ăn chặn, trộm cắp và cướp bóc. Duy nhỏ tuổi nhưng bản tính lì lợm nên được tôn lên làm “đại ca” của nhóm trẻ dạt nhà, trở thành thủ lĩnh của những kẻ đầu bò đầu bướu lớn gấp đôi tuổi mình.
Năm 2002, trong một lần tranh chấp địa bàn hoạt động, Duy và hai thằng “đàn em” đầu xanh đầu đỏ đã gây thương tích cho đối phương và kết cục cả băng nhóm phải “vào kho”. Hai thằng “đàn em” kia đã thành niên nên mỗi tên phải lĩnh án 6 năm tù, còn Duy dưới 18 tuổi nên chỉ bị tuyên phạt 30 tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích”.
“Đại bàng” trại giam
Những ngày xộ khám không khiến Duy tu tỉnh ra mà trái lại, nó củng cố thêm bàn lĩnh của một tay anh chị. Mãn hạn tù, Duy lại tiếp tục quy tụ những thành phần bất hảo xây dựng băng đảng hoành tráng hơn trước, lại tiếp tục hành nghề ăn chặn, cướp bóc. Trong một lần chặn đường nạn nhân để cướp tài sản, do người thanh niên chống cự, kêu cứu nên Duy đã rút dao thủ sẵn xỉa cho “con mồi” một nhát.
Duy cho rằng mục đích của bọn hắn chỉ để cướp tài sản chứ không chủ ý tước đoạt sinh của nạn nhân nhưng nhát dao chí mạng đã khiến thanh niên này thiệt mạng. Với vai trò là kẻ chủ mưu cầm đầu, Trần Phạm Duy đã bị TAND tỉnh Khánh Hòa tuyên phạt tù chung thân.
Thời gian tạm giam tại Trại giam công an tỉnh Khánh Hòa, Duy đã gây tai tiếng vì các trò quậy phá nên khi thành án, hắn ta được chuyển về cải tạo tại Trại giam Xuân Phước đóng trên địa bàn tỉnh Phú Yên. Nhập khẩu vào trại Xuân Phước, Duy vẫn quen thói giang hồ, hắn tự xưng là “đại bàng” của buồng giam chuyên gây hấn và ăn chặn chế độ của anh em phạm nhân cùng buồng. Duy câu kết với 5 phạm nhân cùng buồng giam liên tục quậy phá, gây rối khiến Ban Giám thị “đau đầu”. Sau nhiều cuộc họp, cuối cùng, một phương án hữu hiệu đã được triển khai: di lý Trần Phạm Duy từ Phú Yên ra Hải Dương thụ án tại Trại giam Hoàng Tiến.
Tìm thấy mùa Xuân của cuộc đời
Những ngày ở Trại giam Hoàng Tiến, Duy đã tìm thấy mùa Xuân của chính cuộc đời mình. Tại đây, hắn ta được Ban giám thị dạy cho học chữ, được giáo dục những bài học đầu tiên về lòng Nhân, điều Thiện ở đời. Trung úy Phạm Thị Hồng Minh- giáo viên dạy lớp xóa mù tại Trại giam Hoàng Tiến là người trực tiếp nắn cho Duy từ nét chữ đầu tiên cho biết, thời gian đầu vào lớp học, Duy tỏ ra chán nản, bất cần vì việc học chữ quá vất vả so với những mánh lới hành nghề chụp giật, cướp bóc trước đây hắn vẫn thạo.
Nhưng rồi nhờ sự dạy bảo tận tình của giáo viên, đến nay Duy đã biết đọc biết viết. Hắn khoe: “Hôm cháu viết lá thư đầu tiên về cho mẹ, cháu cảm động rơi lệ mà không sao diễn tả hết được tâm trạng hồi hộp, xúc động của mình! Nhận được thư đó, mẹ cháu cũng khóc vì sung sướng. Mẹ cháu bảo từ nay có thể yên tâm vì cháu đã hoàn lương.”
Đang hào hứng, bỗng giọng Duy trầm hẳn xuống: “Nhiều đêm cháu không ngủ được cô ạ, nghĩ đến bản thân mình mà sầu quá. Án của cháu quá dài, mà năm nay cháu đã 26 tuổi rồi. Cháu lo sợ không biết sau này có được cuộc đời tha thứ cho những lầm lỗi này không, cháu sợ…” Phạm nhân 26 tuổi vặn vẹo đôi bàn tay, nén tiếng thở dài não nề.
Chúng tôi an ủi Duy rằng, ai cũng có thể mắc phải sai lầm, nhất là khi người ta trẻ tuổi và bồng bột. Quá khứ không thể thay đổi được, điều quan trọng là phải biết đối diện với những sai lầm ấy để rút kinh nghiệm, để biết đứng dậy sau vấp ngã. Cuộc đời vốn bao dung và nhân hậu đối với những người biết sửa sai, cũng giống như sau một năm khắc nghiệt bão giông thì mùa Xuân ấm áp lại về mang lại sự tươi mới, sinh sôi nảy nở cho đất trời. Và những con người một thời trót vướng lỗi lầm như Duy cũng đang đi về phía mùa Xuân hoàn lương như thế để tìm lại chính mình.
Theo Lưu Ly
Pháp luật Việt Nam