1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Cục Đăng kiểm Việt Nam

6 cựu quan chức đường sắt làm đơn kháng cáo

(Dân trí) - Những cựu quan chức ngành đường sắt viết đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt vì cho rằng các bị cáo mới phạm tội lần đầu, nhân thân tốt, nhận thức được sai phạm, thái độ khai báo thành khẩn, có ý thức khắc phục hậu quả, có nhiều cống hiến trong hoạt động của ngành đường sắt.

Theo tin từ TAND TP Hà Nội, Phạm Hải Bằng cùng 5 bị cáo trong vụ án nhận 11 tỷ đồng tiền “bôi trơn” đã có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt gửi tới cấp tòa vừa xét xử sơ thẩm.

Trước đó, như Dân trí đã đưa tin, ngày 26-27/10, TAND TP Hà Nội đã đưa ra xét xử vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Ban Quản lý các Dự án đường sắt (RPMU) thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam. Sau hai ngày xét xử, HĐXX sơ thẩm đã tuyên phạt 6 bị cáo từng giữ các chức vụ quan trọng trong RPMU các mức án khác nhau cùng về tội danh trên.

Phạm Hải Bằng trả lời HĐXX tại phiên sơ thẩm.
Phạm Hải Bằng trả lời HĐXX tại phiên sơ thẩm.

Cụ thể, Phạm Hải Bằng (SN 1969, nguyên Phó Giám đốc RPMU) bị tuyên phạt 12 năm tù, Nguyễn Nam Thái (SN 1977, nguyên Trưởng phòng Dự án 3 - RPMU) nhận 11 năm tù, Phạm Quang Duy (SN 1975, nguyên Phó Giám đốc RPMU) bị tuyên phạt 8 năm 6 tháng tù, Trần Văn Lục (SN 1958, nguyên Giám đốc RPMU) nhận 5 năm 6 tháng tù, Trần Quốc Đông (SN 1964, nguyên Giám đốc RPMU, nguyên Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam) và Nguyễn Văn Hiếu (SN 1962,  nguyên Giám đốc RPMU) cùng nhận mức án 7 năm 6 tháng tù.

Ngoài ra, HĐXX còn tuyên truy thu và tịch thu sung công quỹ Nhà nước toàn bộ số tiền 11 tỷ đồng mà Phạm Hải Bằng cùng đồng phạm đã bắt ép liên danh các nhà thầu tư vấn phải “bôi trơn”.

Sau phiên sơ thẩm, Phạm Hải Bằng cùng đồng phạm lần lượt có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt vì cho rằng, các bị cáo mới phạm tội lần đầu, nhân thân tốt, nhận thức được sai phạm, thái độ khai báo thành khẩn, có ý thức khắc phục hậu quả, bản thân đã có nhiều cống hiến trong hoạt động của ngành đường sắt.

Hơn nữa, theo các bị cáo, số tiền nhận hỗ trợ từ đại diện các nhà thầu không liên quan đến nguồn kinh phí thực hiện dự án và phần lớn đều được chi phí, sử dụng cho việc triển khai thực hiện dự án hoặc sử dụng chung cho tập thể.

Hiện TAND TP Hà Nội đang hoàn thiện hồ sơ, chuyển lên Tòa án cấp cao để xem xét theo trình tự phúc thẩm.

Tiến Nguyên