1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

3 lần vào tù và hành trình 19 năm trốn trại

Người đàn ông ấy ngồi trước mặt tôi với mái đầu bạc trắng, bàn tay nhăn nheo và đôi chân run lẩy bẩy. Ở tuổi 75, Trần Duy Tân là phạm nhân nhiều tuổi nhất đang thụ án tại trại giam Thủ Đức. Điều đặc biệt, trong 3 lần vào tù, phạm nhân này đã từng có 19 năm trốn trại.

Sinh ra ở Bạc Liêu, Trần Duy Tân đã từng có tuổi trẻ đầy danh vọng. Trong khi bạn bè vẫn còn đầu tắt mặt tối với ruộng đồng mà vẫn không đủ ăn thì ông đã trở thành Giám đốc Công ty công trình đường sông miền Nam. Tưởng rằng con đường công danh sẽ trải đầy hoa hồng nhưng rồi chính danh vọng và tiền bạc đã chôn vùi ông xuống hố sâu.

Ngày 4/12/1982, ông bị bắt, thụ án ở trại giam Chí Hoà vì tội tham ô tài sản với số tiền 262.000 đồng. "Khi đó, công ty tôi có làm một công trình, khi nghiệm thu, tôi đã thu vật liệu thừa để bán làm "quỹ đen". Sau đó, tôi xây cái nhà cấp 4 để ở, cũng lợi dụng chức vụ để mua vật liệu giá rẻ" - ông kể lại. Thụ án được gần 3 năm thì tháng 9/1985, vợ ông (bác sĩ Bệnh viện Thống Nhất) bị tai nạn giao thông qua đời. Lúc ấy, đứa con mới được gần 2 tuổi nên ông được cho tại ngoại để nuôi con.

Hằng ngày, ông đưa con nhỏ ra số 153 Hàm Nghi (TP Hồ Chí Minh) buôn bán lặt vặt, kiếm tiền trang trải cuộc sống. Đến tháng 2/1992, ông bị bắt quay trở lại thụ án tại phân trại 2, trại giam Thủ Đức. Được một thời gian, khi nghe tin bà ngoại ốm nặng khó qua khỏi, ông đã ấp ủ ý định bỏ trốn. Ngày 6/9/1994, trong quá trình đi lao động cải tạo, lợi dụng sự sơ hở của cán bộ quản giáo, ông trốn khỏi trại giam Thủ Đức.


Phạm nhân Trần Duy Tân.

Phạm nhân Trần Duy Tân.

Sau khi trốn trại, ông bắt xe về Sài Gòn, làm đủ nghề để kiếm sống. Hành trình 19 năm trốn trại là chuỗi ngày ông phải sống trong âu lo, thấp thỏm. "Không đêm nào tôi ngủ được. Cứ nhắm mắt lại, tôi lại nghĩ, không biết mình có thể trốn được tới lúc nào. Tôi thầu khoán xây dựng cho các công trình. Vì sợ bị lộ nên công trình nào tôi cũng phải làm thật nhanh, không nơi nào làm quá 1 tháng. Cũng có lúc tôi muốn đi tự thú nhưng rồi tôi sợ bị bắt lại sẽ không có ai nuôi con. Hơn nữa, đi khám bệnh, tôi biết mình có nhiều bệnh quá. Tôi sợ mình sẽ chết trong tù. Nghĩ vậy, tôi lại tiếp tục lẩn trốn" - phạm nhân Tân chia sẻ.

Trong quá trình bỏ trốn, ông đã kịp lấy vợ. Năm 2008, qua lời giới thiệu của chị gái, ông kết hôn với người phụ nữ 58 tuổi, quê Kiên Giang, tên Trịnh Thị Huê. Hai người đã có đám cưới nho nhỏ. Cưới nhau xong, ông ở lại quê vợ. Vợ ông có 5 mẫu ruộng cho thuê, mỗi năm thu được từ 50-70 triệu, đủ cho hai vợ chồng an dưỡng tuổi già. Sống với nhau được 5 năm, một ngày, Công an ập vào ngôi nhà nhỏ tại xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang). Ông bị bắt lại, tiếp tục thụ án tại trại giam Thủ Đức.

Từ ngày nhập trại lần thứ 3, con gái ông mới lên thăm 2 lần. Ông bảo, ông không trách con. Mọi sai lầm do ông gây ra, giờ ông phải gánh chịu sự trừng trị của pháp luật. "Nó đang làm giáo viên cấp 3 ở quận 5, chồng nó làm giảng viên Đại học Khoa học tự nhiên TP Hồ Chí Minh. Có người bố tù tội như tôi, chắc nó xấu hổ với bạn bè lắm. Tôi biết, nó vẫn nói dối mọi người là tôi đang sống ở Kiên Giang" - ông vừa nói vừa khóc.

Nhắc đến vợ, giọng ông trở nên vui tươi hơn. Ông nói: "Tôi biết ơn bà ấy lắm. Tôi bị bệnh tim mạch, thoái hoá khớp. Giờ chân đau không đi nổi, cầm bút cũng run tay. Tháng nào tiền thuốc thang cũng gần 1 triệu. Bà ấy phải dành dụm tiền để mua thuốc mang đến thăm tôi. Không có bà ấy, chắc tôi chết lâu rồi. Khi biết tôi không được đặc xá năm nay, bà ấy cứ khóc suốt".

Ông bảo, sau khi mãn hạn tù, ông sẽ trở về Kiên Giang sống với vợ. Cuộc đời ông đã đi qua hết những ngọt bùi và cay đắng, giờ ông chỉ muốn có những giây phút thảnh thơi cuối đời, không phải lo cảnh chạy trốn chui lủi. Nhà tù với ông không còn đáng sợ nữa. Bởi lẽ, đây mới chính là nơi ông bắt đầu lại cuộc sống của mình, dù rằng cũng là quá muộn.

Theo Khánh Lưu

Công an nhân dân