Thanh Hóa:
21 bị cáo trong băng nhóm "tín dụng đen" Nam Long lĩnh 99 năm tù
(Dân trí) - Chiều ngày 18/2, TAND tỉnh Thanh Hóa đã tuyên án vụ băng nhóm "tín dụng đen" lớn nhất nước tra tấn người như thời trung cổ. 21 bị cáo trong băng nhóm chia nhau 99 năm tù.
Trước đó, vào ngày 11/2, TAND tỉnh Thanh Hóa đã mở phiên tòa xét xử sở thẩm bị cáo Nguyễn Đức Thành và đồng phạm về các tội danh "Cố ý gây thương"; "Giữ người trái pháp luật" và "Cho vay nặng lãi nặng trong giao dịch dân sự".
Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Thanh Hóa, khoảng tháng 7/2017, Nguyễn Cao Thắng và Nguyễn Đức Thành cùng nhau góp vốn làm ăn chung dưới hình thức cho vay lãi, lấy tên Công ty Tài chính Nam Long (nhưng không đăng ký kinh doanh với cơ quan chức năng), đặt trụ sở chính tại Quận 1, TP HCM, do Nguyễn Đức Thành làm giám đốc.
Để quản lý hoạt động cho vay, Nguyễn Đức Thành đã lập 6 miền, mỗi miền phụ trách hoạt động cho vay từ 2-5 khu vực, bổ nhiệm 1 người làm quản lý miền. Thành lập 25 khu vực (chi nhánh công ty ở 63 tỉnh, thành phố trên cả nước).
Mỗi chi nhánh (khu vực) phụ trách hoạt động cho vay từ 2-4 tỉnh, bổ nhiệm 1 người làm quản lý khu vực. Mỗi khu vực đều thuê nhà làm trụ sở giao dịch, thực hiện việc cho vay và sinh hoạt cho cả quản lý cùng nhân viên chi nhánh, lấy vỏ bọc đăng ký kinh doanh là Công ty CP Tư vấn đầu tư và Kỹ thuật xây dựng Thành Nam.
Quá trình hoạt động từ cuối năm 2017 đến tháng 6/2018, Nguyễn Đức Thành và các đồng phạm (gồm quản lý 6 miền và quản lý 24 khu vực) đã cho 95 khách hàng trên cả nước vay tổng số tiền 32,6 tỉ đồng với lãi suất cho vay từ 182,5% đến 365%/1 năm, thu lời bất chính tổng số tiền trên 8,6 tỉ đồng.
Tra tấn nhân viên thu nợ như thời Trung cổ
Ngoài ra, Nguyễn Đức Thành và đồng phạm còn liên quan đến hành vi "Cố ý gây thương tích" và "Giữ người trái pháp luật". Cụ thể, ngày 6/7/2018, Nguyễn Văn Minh là nhân viên thu nợ của Công ty Tài chính Nam Long lấy xe máy của chi nhánh công ty (khu vực 21; đóng tại tỉnh Bắc Cạn) đi đòi nợ được 16,5 triệu đồng sau đó bỏ trốn.
Ngày 9/7/2018, Nguyễn Đức Thành đã chỉ đạo một số nhân viên lên Sóc Sơn (Hà Nội) tìm lấy lại xe máy cùng 16,5 triệu đồng và đánh, gây thương tích cho Nguyễn Văn Minh.
Một ngày sau, Ngô Văn Chương, quản lý khu vực 18 đưa Minh về giữ tại tầng 3, chi nhánh công ty (tại Lô 07, đường Bà Triệu, phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa).
Đến ngày 19/7/2018, thấy Minh kêu đau, khó thở, Chương đã đưa Minh đến bệnh viện cấp cứu nhưng Minh đã tử vong sau đó. Theo kết luận giám định, Nguyễn Văn Minh chết do suy tuần hoàn bởi dập, rách lách, cơ thể đa chấn thương do bị đánh, tra tấn như thời trung cổ.
VKSND tỉnh Thanh Hóa đã truy tố Nguyễn Đức Thành, Bùi Văn Chung, Nguyễn Thành Long, Vũ Văn Thanh về tội "Cố ý gây thương tích", "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự".
Ngô Văn Chương bị truy tố về tội "Cố ý gây thương tích", "Giữ người trái pháp luật", "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự". Ngoài ra, có 16 đối tượng khác bị truy tố về tội "Cố ý gây thương tích" và "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự".
Sau 3 ngày xét xử và nhiều ngày nghị án, chiều ngày 18/2, TAND tỉnh Thanh Hóa đã đưa ra bản án cho các bị cáo. Do vụ án có số lượng bị cáo và người bị hại đông, nên ngay trong phần tuyên án, Hội đồng xét xử đã phải mất gần 3 tiếng đồng hồ để tuyên bản án dài hơn 50 trang. Với các hành vi phạm tội trên, HĐXX TAND tỉnh Thanh Hóa đã tuyên tổng cộng 21 bị cáo "chia nhau" hơn 99 năm tù giam.
Trong đó, bị cáo Ngô Văn Chương bị tuyên phạt 16 năm tù với cả 3 tội danh; Nguyễn Đức Thành, đối tượng cầm đầu lãnh 10 năm 6 tháng tù với 2 tội danh "Cố ý gây thương tích" và "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự". 19 bị cáo còn lại lãnh án cao nhất là 10 năm tù giam và thấp nhất là 18 tháng tù giam.
Bình Minh