1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Bình Định:

106 tấn titan “bốc hơi”, hợp đồng có dấu hiệu bị tẩy xóa

(Dân trí) - Sau hơn 1 năm đắp bạt trong kho bãi, hơn 434 tấn titan bỗng “bốc hơi” mất hơn 100 tấn mà không rõ nguyên nhân. Trong khi đó, bản hợp đồng cho thuê kho bãi để chứa lô hàng bị phát hiện có dấu hiệu tẩy xóa.

Ngày 24/1, UBND tỉnh Bình Định đã yêu cầu các cơ quan chức năng tỉnh này kiểm tra, làm rõ vụ 106 tấn titan tịch thu bị thất thoát khi đưa ra bán đấu giá. Trước đó, ngày 11/1/2012, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế - Công an tỉnh Bình Định phối hợp với Chi cục QLTT Bình Định phát hiện, tạm giữ hơn 434 tấn titan thô của Cty CP An Trường An khi doanh nghiệp này đang vận chuyển lô hàng trên về Cụm Công nghiệp Nhơn Bình (TP Quy Nhơn).

Phần nội dung quan trọng trong hợp đồng thuê kho bãi bị tẩy xóa
Phần nội dung quan trọng trong hợp đồng thuê kho bãi bị tẩy xóa

Cụ thể, qua kiểm tra lô C2 và C3 thuộc CCN Nhơn Bình, cơ quan chức năng phát hiện một số lượng lớn titan thô của Công ty An Trường An vận chuyển từ thôn Hòa Hội Nam, xã Mỹ Thành (Phù Mỹ) về. Toàn bộ số titan thô này đều không có nguồn gốc hợp pháp. Đây là lượng titan thô vận chuyển trái phép lớn nhất từ trước đến nay bị tịch thu trên địa bàn tỉnh này.

Sau đó, số titan này được Chi cục Quản lý thị trưởng Bình Định hợp đồng thuê kho bãi của Chi nhánh Công ty CP Vận tải và thuê tàu biển Việt Nam tại Bình Định (Vitranschart) để bảo quản tang vật, chờ xử lý.

Ngày 16/1, Công ty TNHH MTV DV Vận tải An Thy (TPHCM) ký hợp đồng mua lô hàng 434.190 kg titan bán đấu giá với Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản Bình Định với tổng số tiền trên hơn 527 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi chuyển toàn bộ số tiền, phía Cty An Thy đến kho lấy hàng nhưng chỉ nhận được khoảng 328 tấn, thiếu 106 tấn so với hợp đồng, tương đương với 130 triệu đồng bị mất.

Bình Định là một trong những địa phương có trữ lượng titan lớn
Bình Định là một trong những địa phương có trữ lượng titan lớn

Trao đổi về vấn đề này, ông Mai Xuân Hoàng, Chi cục phó Chi cục QLTT Bình Định, xác nhận: “Đúng là có chuyện titan bị hao hụt nhưng hao hụt đó là trong giới hạn cho phép. Thường tỉ lệ hao hụt lưu hành trong hoạt động mua bán titan sa khoáng ở Bình Định là 30 - 40% qua thực tế kiểm tra”. Ông nói thêm, thời điểm tạm giữ, titan vừa được khai thác, mức độ ngậm nước còn cao; khi đưa về bãi do để ngoài trời lâu ngày nên titan bị hao hụt là điều dễ hiểu.

Liên quan đến vụ việc trên, đại diện Vitranschart Bình Định đã phát hiện một phần nội dung chính trong hợp đồng bị QLTT tẩy xóa. Theo đó, tại mục 1, điều II của hợp đồng có ghi phần nội dung thỏa thuận về quyền và trách nhiệm của bên A (Vitranschart Bình Định) là: “Bên A không chịu trách nhiệm về chủng loại, số lượng, chất lượng và tính pháp lý của hàng hóa để trong bãi” thì bị phía QLTT lấy bút xóa trắng chữ “số lượng”.  Điều này có nghĩa là thay vì bên A sẽ không chịu trách nhiệm nếu số lượng hàng bị thiếu thì được sửa lại thành bên A sẽ chịu trách nhiệm nếu số lượng hàng bị thiếu.

1 trong các xe tải chở titan bị bắt nằm trong số hơn 434 tấn titan (ảnh Doanh nghiệp cung cấp)
1 trong số các xe tải chở titan bị bắt ngày 11/1/2012 (ảnh doanh nghiệp cung cấp)

Đại diện Vitranschart Bình Định khẳng định: “Lô hàng không hề bị dịch chuyển kể từ khi nhập kho đến khi xuất. Có mất thì chỉ mất trước lúc nhập kho. Hơn nữa, hợp đồng chỉ nói thuê kho bãi chứ không phải thuê giữ hàng. Vì vậy, trách nhiệm đó thuộc về QLTT”.
 
Doãn Công