1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nhân vật của năm 2009 - Người "chữa bệnh" suy thoái của Mỹ

(Dân trí) - Như thông lệ, vào những dịp kết thúc năm, Tạp chí Time lại tổ chức cuộc bình chọn người là Nhân vật của năm. Danh hiệu Nhân vật của năm 2009 đã thuộc về Giáo sư Ben Bernanke, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Federal Reserve System - FED),

Người có vai trò quan trọng giúp kinh tế Mỹ và toàn cầu giảm nhẹ ảnh hưởng của suy thoái và dần phục hồi trong năm qua.

Cậu học trò Do Thái xuất sắc

Giáo sư Ben Bernanke sinh ngày 13/12/1953 trong một gia đình người Do Thái tại Augusta, bang Georgia, Mỹ. Cha giáo sư Bernanke, ông Philip là một dược sĩ, và bà Edna, mẹ ông, là một giáo viên tiểu học. Bernanke đã lớn lên tại, bang South Carolina. Sự ham học của Ben được truyền lại từ cha mẹ. "Lúc nào Ben Bernanke cũng muốn tôi đọc cho nó nghe. Rồi một ngày nó nói, Mẹ ơi, con có thể tự đọc được này!", bà Edna nhớ lại.

Trong những năm 60 thế kỷ trước, cậu thiếu niên Bernanke được theo học tại trường Tiểu học East ở thành phố Dillon, bang South Carolina. Ben Bernanke đã nhảy cóc qua lớp 1 và giành nhiều thành tích xuất sắc trong học tập. Cậu học trò người Do Thái Bernanke học hành rất xuất sắc và còn là một nghệ sĩ saxophone nghiệp dư cừ khôi trong ban nhạc của trường. Bernanke đã tốt nghiệp thủ khoa của trường trung học thành phố Dillon.

Ben Bernanke đã đạt điểm trong kỳ thi SAT (Scholastic Aptitude Test) với số điểm gần như tuyệt đối: 1590/1600. Đây là kỳ thi đánh giá chất lượng của một học sinh tốt nghiệp trung học, làm tiêu chí để tuyển vào các trường đại học. Với kết quả "trong mơ" đối với nhiều học sinh khác như vậy, Bernanke gia nhập Harvard, trường Đại học danh tiếng hàng đầu của nước Mỹ và thế giới. Ở Đại học Harvard, Bernanke đã nhảy qua ba chuyên ngành - toán, vật lý và tiếng Anh - trước khi dừng lại với kinh tế học.

Giáo sư của những đại học nổi tiếng nước Mỹ

Theo học ngành quản trị kinh doanh tại Đại học Harvard, để có tiền ăn học, chàng sinh viên Bernanke đã làm việc ngoài giờ như lao động trên công trường xây dựng một bệnh viện mới và làm nhân viên phục vụ tại nhà hàng. Tuy vậy, Bernanke vẫn nhanh chóng trở thành ngôi sao sáng của Đại học Harvard, xuất sắc tốt nghiệp thủ khoa với tấm bằng danh dự ngành quản trị kinh doanh Đại học này vào năm 1975. Sau đó, ông theo học và bảo vệ xuất sắc Luận án Tiến sĩ kinh tế với đề tài "Cam kết dài hạn, tối ưu hóa năng lực, và chu kỳ kinh doanh" tại Viện Công nghệ Massachusetts (Massachusetts Institute of Technology) năm 1979.

Ra trường, Tiến sĩ Bernanke giảng dạy và nghiên cứu tại Đại học Stanford từ năm 1979 cho đến năm 1985, rồi làm Giáo sư thỉnh giảng tại Đại học New York và Viện Công nghệ Massachusetts. Sau đó, ông trở thành Giáo sư tại Đại học Princeton, là Trưởng khoa Kinh tế Đại học Princeton từ năm 1996 đến tháng 9/2002, khi ông tham gia bộ máy quản lý kinh tế trong chính quyền. Những kiến thức kinh tế uyên bác cùng khả năng tư duy đầy sáng tạo của Giáo sư Bernanke đã nhanh chóng gây ấn tượng đối với những nhà lãnh đạo nền kinh tế Mỹ. Ông trở thành thành viên của Hội đồng Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang (Board of Governors of the Federal Reserve System) trong các năm 2002-2005. Tháng 7/2005 ông thôi hẳn công việc ở Đại học Princeton để đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế của cựu Tổng thống Mỹ theo sự bổ nhiệm của cựu Tổng thống George W. Bush.

Người tạo ra "một FED mới"

Sau 8 tháng trên cương vị lãnh đạo Hội đồng Cố vấn kinh tế của cựu Tổng thống Bush, Giáo sư Bernanke nhanh chóng được coi là người ủng hộ một chính sách nới lỏng tiền tệ của FED. Ông kêu gọi chuẩn bị sẵn sàng chống lại giảm phát, đề xuất những giải pháp giúp FED kích thích nền kinh tế ngay cả khi tỷ lệ lãi suất tụt xuống còn 0%. Và nhà kinh tế được nhiều người tín nhiệm này đã chính thức được Tổng thống George W. Bush khi đó bổ nhiệm vào chức vụ Chủ tịch FED sau khi cựu Chủ tịch Alan Greenspan nghỉ hưu tháng 2/2006.

FED bắt đầu hoạt động năm 1915 theo "Đạo luật Dự trữ Liên bang" của Quốc hội nước này. Cục này kiểm soát nguồn cung ứng tiền, độc lập với các cơ quan của Chính phủ. FED bao gồm Hội đồng Thống đốc đóng tại thủ đô Washington được chỉ định bởi Tổng thống, Ủy ban thị trường, 12 Ngân hàng dự trữ liên bang khu vực và các ngân hàng thành viên có sở hữu một phần ở các ngân hàng dự trữ liên bang khu vực.

Trở thành Chủ tịch FED, nơi nắm quyền lực cao nhất đối với đồng USD của nước Mỹ, việc làm và tài sản tiết kiệm của người Mỹ, tương lai kinh tế nước Mỹ, Giáo sư Ben Bernanke đã tiến hành những thay đổi hết sức tinh vi để thúc đẩy sự minh bạch và rõ ràng. Khác với người tiền nhiệm, Giáo sư Bernanke đã thực hiện đến cùng những cuộc cải cách cho vay dưới tiêu chuẩn quá hạn lâu năm 2007. Khi thị trường tín dụng toàn cầu bắt đầu bùng nổ, vị Chủ tịch FED với phong thái ôn hòa này đã mở rộng đáng kể những sức mạnh của FED và tạo ra "một FED mới". Những quan điểm của Chủ tịch FED Ben Bernanke đã được những nhà kinh tế gọi là Học thuyết Bernanke. Và khi cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới bắt đầu từ tháng 10/2008, khiến thị trường tài chính toàn cầu sụp đổ, Chủ tịch FED Ben Bernanke đã trở thành một trong những người có nhiều ảnh hưởng nhất trên toàn cầu vì ông là một trong những người có tầm quan trọng định hướng nền kinh tế quan trọng nhất của thế giới.

Với uy tín và năng lực vững vàng trong vai trò "người quản lý túi tiền của nước Mỹ", sau khi Tổng thống Barack Obama, thuộc Đảng Dân Chủ, lên cầm quyền đầu năm 2009, Giáo sư Ben Bernanke - một người thuộc Đảng Cộng hòa, vẫn tiếp tục được ông Obama bổ nhiệm vào chức vụ Chủ tịch FED để đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế đang trên đà lan rộng khi đó.

Người định hình chính sách tiền tệ mới của Mỹ

Năm 2009 đầy biến động với sự leo thang của thất nghiệp, phá sản và xiết nợ do cuộc khủng hoảng tài chính lớn nhất trong 75 năm qua. Trong bối cảnh như vậy, Giáo sư Ben Bernanke là một trong những nhân vật chính của câu chuyện quan trọng nhất trong năm 2009 là kinh tế. Chủ tịch FED Bernanke đã dùng "phép ảo thuật" tung ra hàng ngàn tỷ USD vào nền kinh tế, tiến hành giải cứu đồng loạt và mạnh mẽ đối với các công ty đang trên bờ phá sản; đẩy mức lãi suất về số không, cho vay ưu đãi các nhà sản xuất, bảo hiểm, và những người cho vay khác vốn chưa bao giờ mơ đến việc nhận tiền mặt từ FED; gia tăng cán cân thanh toán của FED lên 3 lần so với trước đó... Nhờ vậy, 2009 còn là năm nước Mỹ đã vượt qua giai đoạn suy thoái, dù tăng trưởng còn rất yếu. Ông không chỉ định hình lại chính sách tiền tệ của Mỹ mà còn đưa các nỗ lực nhằm cứu vãn nền kinh tế thế giới.

Với những thành công trong việc cầm lái nền tài chính nước Mỹ và giúp giảm thiểu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế đối với thế giới, Giáo sư Ben Bernanke, học giả hàng đầu của cuộc Đại suy thoái vừa qua, đã vượt qua nhiều ứng viên nặng ký khác như Tổng thống Mỹ Barack Obama, Giám đốc điều hành Apple Steve Job... để trở thành Nhân vật của năm 2009 do tạp chí Time bình chọn.

"Tâm điểm của năm nay là nền kinh tế có thể suy thoái nhiều hơn nữa, và chúng ta hãy cảm ơn người đã điều hành Cục Dự trữ liên bang Mỹ. Ông không chỉ giúp phục hồi chính sách tiền tệ của Mỹ mà còn đi đầu trong việc cứu nền kinh tế thế giới", Time cho biết. Theo Time, những quyết định mà Ben Bernanke đưa ra, và những quyết định ông chưa đưa ra, sẽ hình thành nên con đường của sự thịnh vượng, phương hướng chính trị và mối quan hệ của Mỹ với thế giới. Một loạt bài viết của Giáo sư Ben Bernanke về cuộc khủng hoảng kinh tế này đã được tập hợp in trong cuốn "Essays of the great depression".

Vũ Anh Tuấn (Tổng hợp)

                                                 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm