Xưởng bảo hành ô tô tối thiểu phải 300 m2

(Dân trí) - Đã có những quy định cụ thể về điều kiện để doanh nghiệp được Bộ Giao thông vận tải cấp Giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng - một trong hai loại giấy tờ phải có để làm thủ tục nhập khẩu ô tô theo Thông tư 20/2011 của Bộ Công thương.

Ngày 16/6/2011, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã ban hành Thông tư 43/2011/TT-BGTVT quy định về bảo hành, bảo dưỡng áp dụng đối với các loại xe ô tô nhập khẩu mới và đã qua sử dụng để kinh doanh tại Việt Nam. Quy định áp dụng đối với các thương nhân nhập khẩu, ủy thác nhập khẩu xe ô tô để kinh doanh tại Việt Nam và các cơ quan quản lý có liên quan.
 
Theo đó, để được Bộ GTVT cấp Giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng đủ điều kiện, thương nhân nhập khẩu phải công bố tài liệu về chế độ bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô cho người mua, trong đó ghi rõ chế độ bảo hành, bảo dưỡng xe, địa chỉ các cơ sở bảo hành và đảm bảo cung cấp dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng cho từng loại xe ô tô bán ra thị trường. Địa điểm bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô tối thiểu phải được bố trí tại các tỉnh, thành phố, nơi thương nhân nhập khẩu kinh doanh xe ô tô. 
 
Trường hợp thương nhân nhập khẩu thuê cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa xe ô tô thực hiện việc bảo hành xe ô tô, thì cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa ký hợp đồng dịch vụ thực hiện việc bảo hành phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ngành nghề bảo dưỡng, sửa chữa xe ô tô. Nội dung bảo hành, bảo dưỡng và chu kỳ bảo dưỡng xe ô tô thực hiện theo quy định của nhà sản xuất xe ô tô.
 
Xưởng bảo hành ô tô tối thiểu phải 300 m2 - 1
(Ảnh: Việt Hưng)

Về tiêu chuẩn kỹ thuật tối thiểu của cơ sở bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô của thương nhân nhập khẩu quy định: cơ sở bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô của thương nhân nhập khẩu phải đáp ứng các yêu cầu tối thiểu về mặt bằng, trang thiết bị dụng cụ và nhân lực. Cụ thể, mặt bằng tổng thể khu vực bao gồm: các công trình xây dựng (nhà xưởng, nhà kho, nhà điều hành, …), đường giao thông nội bộ, nơi đỗ xe, nơi trồng cây xanh, cổng ra vào, hàng rào bảo vệ,… phải được cung cấp điện, nước đầy đủ, có hệ thống thoát nước, có đường ra vào thuận tiện cho các phương tiện đảm bảo an toàn giao thông.

Mặt bằng nhà xưởng bao gồm các diện tích phục vụ trực tiếp công việc bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô, phải được bố trí đầy đủ cho các công việc bảo hành, bảo dưỡng có liên quan và có diện tích tối thiểu là 300 m2. Nhà xưởng dịch vụ kỹ thuật phải được xây dựng chắc chắn, có mái che, cửa ra vào thuận tiện phù hợp với loại xe ô tô vào bảo hành, bảo dưỡng.

Các công việc tối thiểu phải thực hiện tại cơ sở bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô của thương nhân nhập khẩu bao gồm: kiểm tra, bảo dưỡng các cụm tổng thành của xe ô tô như động cơ, hệ thống lái, truyền động, chuyển động, điện, điều hòa không khí; sơn và rửa xe.

Thông tư cũng yêu cầu cơ sở bảo hành, bảo dưỡng của doanh nhân nhập khẩu ô tô phải thực hiện những quy định bắt buộc về trang thiết bị, nhân lực, môi trường, chất lượng phương tiện sau bảo hành bảo dưỡng…

Các loại xe ô tô không phải điều chỉnh theo quy định trong Thông tư này bao gồm: xe ô tô tạm nhập, tái xuất, viện trợ; xe là tài sản, phương tiện phục vụ nhu cầu của tổ chức, cá nhân ngoại giao theo quy định của pháp luật; xe của tổ chức, cá nhân nhập khẩu để sử dụng theo mục đích riêng, không kinh doanh; xe ô tô được nhập khẩu để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; xe ô tô nhập khẩu thực hiện các mục đích đặc biệt.

Cục Đăng kiểm Việt Nam có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ, đánh giá và cấp giấy chứng nhận cho các thương nhân nhập khẩu ô tô đảm bảo các điều kiện theo quy định trên phạm vi toàn quốc.

Quỳnh Anh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm